Ông mù trên phố
Cơn mưa chiều bất chợt khiến người đi đường chạy nháo nhác. Dạo rày ông trời hay đỏng đảnh, mới nắng chói gắt đó, bỗng chốc lại đổ mưa. Giờ ấy, đèn đường cũng đã bật lên, chiếu thứ ánh sáng vàng vọt đủ soi rõ bóng dáng liêu xiêu của một người lặng lẽ đi trên phố, hệt như chẳng biết trời đang mưa. Chậm rãi từng bước, cây gậy tre trên tay ông kiên nhẫn dò đường, kiên nhẫn đưa ngang tầm ngực mỗi khi qua đường, khi vượt ngã tư để rẽ vào nơi cư ngụ quen thuộc của mình là một ngôi chùa.
Tôi vẫn thường nhìn thấy bóng dáng ông lặng lẽ như thế mỗi sớm mỗi chiều suốt mấy năm nay, từ khi chúng tôi dọn về nhà mới. Ban đầu tôi cứ nghĩ những cuộc đi của người đàn ông này cũng như nhiều số phận không được nhìn thấy ánh sáng. Nhưng rồi qua tìm hiểu thì biết, nếu một ngày ông không đi, cả gia đình với cha mẹ già bệnh tật, em út không có khả năng lao động sẽ không có miếng ăn. Ông là người mù Phạm Đình Ái, tuổi xấp xỉ 50, quê quán xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước.
Mỗi ngày, ông dậy từ tinh mơ với xấp vé số trên tay cộng thêm một ít card điện thoại, lặng lẽ đi qua những con đường trong thành phố, dò dẫm tìm chỗ đông người như quán cà phê, quán ăn mời gọi người mua. Đến độ 8 giờ sáng, ông bắt xe buýt ra cánh Thăng Bình. Có hôm ông ở hẳn trong thành phố, loanh quanh với những khu chợ vùng ven... Đôi khi lại bắt xe vào phía Núi Thành. Chỗ nào ông cũng có thể tới được, miễn là có đường, ông bảo thế. Cũng năm lần, bảy lượt ông bị lạc đường, loay hoay hỏi thăm mãi mới về được ngôi chùa nơi trú ngụ.
Kể về hoàn cảnh của mình, ông Ái cho biết, năm 18 tuổi, một cơn sốt thương hàn ập đến quật ngã thân thể trai tráng và lấy đi ánh sáng từ đôi mắt. Nhà nghèo, cha mẹ lại ốm đau, em út còn nhỏ dại, một mình ông phải lo liệu đủ điều. Nhưng lạ, sau trận thương hàn thừa sống thiếu chết ấy, ông không còn ốm đau lặt vặt. Sớm tối mò mẫm nơi những thửa ruộng chua phèn dưới chân núi và mảnh vườn nhỏ, ông lam lũ nhọc nhằn mà cơm vẫn không đủ ăn.
Năm 1999, một cơn lũ lớn tràn đến, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xã Tiên Sơn bị thiệt hại nặng nề, nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng tan tành sau mấy ngày mưa lũ. Không còn cách nào khác là phải ra đi kiếm kế mưu sinh cho cả gia đình. Nhưng với người mù lòa như ông thì làm được gì? Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông nhờ đường ra chợ Việt An, lân la làm quen với mấy chị bán trái cây, hỏi thăm giá cả, đầu mối rồi về lại Tiên Sơn mua ít trái cây vườn mang ra bỏ lại. Từng ngày trôi qua, ông quen dần với công việc buôn bán nhỏ lẻ đó. Nhưng cả gia đình bốn năm miệng ăn, không thể trông vào những chuyến buôn trái cây ít ỏi như thế.
Với những đồng vốn tích cóp được, ông tính chuyện bươn chải làm ăn với quy mô lớn hơn. Ông hỏi thăm những người quen biết, rủ thêm vài người họ hàng trong xóm, bắt xe ngược lên phía Bà Huỳnh, Bà Xá, Đông Giang, Nam Giang... mua tre cây, kết bè, thả sông xuôi về bán cho người dân làm nhà lá ở Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng. Trời thương người tật nguyền, cho ông sức khỏe, đưa đường chỉ lối để gặp người tốt có tâm giúp đỡ. Công việc làm ăn trở nên trôi chảy, gia đình có cái ăn, cha mẹ già có tiền thuốc thang chữa bệnh. Từ đó, ông Ái tạm yên tâm với công việc làm ăn của mình.
Buôn bán mấy năm cho ông kinh nghiệm với những chuyến hàng. Vậy là ông quyết định đi buôn chuyến xa. Hỏi thăm đường sá, hàng hóa và mối bỏ hàng, ông bắt xe đò vào tận Bình Thuận mua các mặt hàng như dầu xức, hàng mỹ phẩm rẻ tiền, miếng chà soong nồi, nước rửa chén... gửi theo tàu ra tận chợ Đông Ba (Huế) bỏ cho các mối ở chợ. Những đồng tiền kiếm được từ dăm ba chuyến buôn hàng xa đã tiếp thêm nghị lực để người mù Phạm Đình Ái quên cả nhọc nhằn lao vào công việc buôn bán...
Nói thì có vẻ trơn tru vậy, nhưng để làm được chừng ấy công việc buôn bán, di chuyển trên đường đò xe cách trở đối với một người bình thường đã vất vả, huống hồ là với một người mù như ông. Điều gì đã giúp ông ngày đó làm được những công việc như thế? Ông bảo, mọi việc cũng từ cái đầu mình ra thôi. Làm được việc nhỏ thì nghĩ ngay đến cái lớn hơn. Mình không có đôi mắt, nhưng bù lại đôi tai, đi tới chỗ này học hỏi, nghe ngóng một ít, chỗ kia một ít... lâu dần thành quen, biết nhạy bén nắm bắt thời cơ. Được cái trời thương cho mình sức khỏe. Dãi nắng dầm mưa, thức khuya dậy sớm,... thế mà chẳng đau ốm gì.
Lại nghĩ đến cha mẹ già ốm đau, em nhỏ bệnh tật ở nhà, nếu không làm lấy gì mà sống. Vậy là quyết tâm mà làm. Ông không học hành ngày nào, nhưng được cái tính toán rất nhanh. Vì thế, tiền bỏ ra, thu về, ông chi ly tính toán, tích tiểu thành đại, gửi về cho gia đình. Khi cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn thì cha ông đau nặng, buộc lòng phải gác hết công việc làm ăn về quê chăm sóc. Bao nhiêu tiền tích cóp được bấy lâu bỗng chốc bay vèo theo thuốc thang cho cha. Tay trắng lại hoàn trắng tay... Hết vốn liếng, không còn khả năng buôn bán, mấy năm nay người đàn ông mù Phạm Đình Ái xuống Tam Kỳ trú tạm ở một ngôi chùa cũ, hàng ngày đi bán vé số, bán card điện thoại dạo. Đi bán cả tuần, riêng ngày Chủ nhật ông dành thời gian về thăm cha mẹ.
Thật là kỳ diệu của cuộc đời, một người mù hai mắt như ông có thể làm được những điều không ai nghĩ. Riêng cái chuyện ông phân biệt được từng loại card điện thoại khi bán đã là điều không tưởng. Hỏi ông làm sao phân biệt được loại card nào 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng khi đưa cho khách, ông bảo cảm nhận bằng tay. Chỉ cần sờ tay vào mặt card thì biết ngay đó là loại nào. Vậy có khi nào bị lừa không? Ông bảo, mình mù lòa thế này ai lại nỡ đi lừa... Còn chuyện tình duyên, gia đình riêng tư thì sao? Ông nói, hồi trước cũng có yêu một người cùng làng, nhưng giờ họ đã lấy chồng rồi đi làm ăn nơi xứ khác. Lâu lâu có ghé về thăm, chỉ nghe tiếng nói chứ nào biết mặt mũi chi mô. Cái số mình nó như thế, đèo bòng làm gì cho khổ người ta...
Ông vẫn lặng lẽ đi về ngang cửa nhà tôi lúc nắng, lúc mưa, khi sáng, khi tối. Ngôi chùa cũ nơi ông cư ngụ nhiều đêm lại vang lên tiếng sáo ông thổi nghe xa vắng, nao lòng. Cầu mong cho ông luôn được mạnh khỏe để tiếp tục đi trên những con đường quen thuộc của mình. Bởi, phía cuối những con đường ấy là gia đình ông với cha mẹ già và người em trai bệnh tật đang chờ đợi từng ngày. Và mong rằng, ông trời sẽ bớt những cơn mưa bất chợt cho dáng ông bớt liêu xiêu vàng vọt giữa cõi đời...
Đặng Trương Khánh Đức - Báo Quảng Nam