www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nuôi ong có hại cho nông nghiệp hay không: Dân bảo có, Cục nói không!

Trong khi văn bản trả lời của các ngành chức năng liên quan từ bộ đến tỉnh đều cho rằng ong không thể gây hại đối với lúa và hoa màu... thì người dân các huyện Tiên Phước và Bắc Trà My ( Quảng Nam) liên tục phản ánh các đàn ong mật gây thiệt hại nặng cho lúa và hoa màu. Do xua đuổi đàn ong nên đã có người phải nhập viện vì bị hành hung.

         NGƯỜI DÂN PHẢN ĐỐI

    Tại thôn 8 của xã Tiên Thọ (H. Tiên Phước), đã xảy ra việc hàng chục người dân tập trung tại một trại nuôi ong để bày tỏ bức xúc đề nghị chủ trại phải dời ong đi nơi khác. “Hôm kia tôi đi thăm lúa phát hiện thấy ong bu dày quanh bông lúa. Tôi hoảng quá, gọi bà con trong xóm đi xem ruộng của họ, thì thấy ruộng lúa của ai cũng bị ong bu. Lúa đang trong giai đoạn làm đòng thế này nhưng bông nào cũng lép xẹp. Nếu không phải những con ong đã hút hết sữa của lúa thì còn tác nhân nào gây ra nữa? Tại sao lúc khác không mang đến, mà lại chọn trúng thời điểm lúa trổ thì mang ong đến đây?”, bà Nguyễn Thị Hoa cầm bông lúa lép đặt nghi vấn.

      “Anh cứ xem trực tiếp sẽ biết ong gây hại cho lúa nhà tôi không? Lúa đang làm đòng nhưng ong đang bu kín trên bông lúa thế kia sao họ nói không ảnh hưởng được. Ruộng lúa, đám bắp trong thôn kế bên vừa qua cũng bị ong bu bám như vậy. Kết quả giờ lúa lép hết, thử hỏi sao người dân chúng tôi không bức xúc”, ông Hồ Xuân Phúc, Trưởng ban Mặt trận thôn 2, xã Trà Giang (H. Bắc Trà My) nói.

     Chúng tôi đến ruộng lúa ông Phúc thì trời đã trưa, đàn ong đã bay về các hòm trại. Vào nhà ông Phúc, một số người dân kéo đến phản ánh rằng ong nuôi cũng bu bám vào các chuồng phân, hố xí, bể nước, áo quần gây mất vệ sinh…

    Trước thực trạng người dân phản ánh ong nuôi xâm hại đến lúa và hoa màu, chính quyền Bắc Trà My đã phải cân nhắc không cho các đơn vị đưa ong từ nơi khác đến địa phương để nuôi. Những đơn vị nào đã lỡ hợp đồng với người dân cho đặt hòm trại nuôi ong cũng được thu xếp đưa đi nơi khác. Tuy nhiên có những chủ trại vẫn không chấp hành di dời ong ra khỏi địa phương, do vậy cuối tháng 7 vừa qua, lực lượng chức năng xã Trà Đông đã tổ chức tháo dỡ lán trại nuôi ong của ông Đặng Thành Phát (Đồng Nai) - người đại diện Cty CP Ong mật TPHCM đang nuôi 250 đàn ong mật tại thôn Phương Đông.

 

Ong nuôi theo đàn với số lượng lớn đang gây bất an cho người dân.

 

        Cũng vì cho rằng đàn ong đang đặt tại hộ ông Hồ Thanh Hà (trú thôn 2, xã Trà Giang, H. Bắc Trà My) lên đến 400 đàn, mỗi đàn có đến hàng nghìn con gây thiệt hại cho mùa màng và ô nhiễm môi trường, lúc 12 giờ ngày 17-8, hơn 50 người dân thôn 2 đã đến yêu cầu ông Hà di dời đàn ong. Trong khi hai bên lời qua tiếng lại thì bất ngờ ông Hồ Thanh Hùng (em trai ông Hà, hiện là cán bộ xã Trà Giang) dùng một nhánh cây lớn đánh một nhát vào vùng gáy ông Nguyễn Tấn Bính (39 tuổi, trú cùng thôn) khiến ông Bính gục tại chỗ, phải đưa đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu trong tình trạng tứ chi bị tê cứng, vùng gáy bị sưng nề.

 

Người dân tập trung phản đối việc đặt đàn ong nuôi gây thiệt hại
cho nông nghiệp, ô nhiễm môi trường.

    CHƯA CÓ KẾT LUẬN VÔ HẠI HAY KHÔNG

     Được biết, trước tình trạng người dân một số địa phương xua đuổi đàn ong vì lo ngại ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh với nội dung kêu gọi các địa phương khắc phục hiện tượng nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi ong. Theo văn bản trên, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, ong mật còn có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng như bắp, bầu, bí, các loại đậu. Ong mật hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, phát triển của hạt lúa, cây keo và cũng không làm ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng khác.

     Tuy nhiên, hầu hết người nông dân vẫn khẳng định, chính những đàn ong đang nuôi kia là tác nhân gây hại cho lúa và hoa màu. “Chúng tôi không biết khoa học nói thế nào, chỉ tận mắt thấy ong bu kín ruộng lúa nhà mình ngay trong thời kỳ làm đòng, trăm bông lúa lép hết trăm bông thì thử hỏi có phải ong phá hay không?”, một nông dân thôn 2, xã Trà Giang vẫn chưa tin kết luận của Cục Chăn nuôi.

     Chiều ngày 19-8, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Chánh Văn phòng UBND H. Bắc Trà My Lê Văn Tuấn nhận định: “Đến bây giờ các ngành chức năng chỉ có công văn với nội dung tạo điều kiện cho người nuôi ong thôi chứ chưa ai khẳng định việc những đàn ong kia không gây ảnh hưởng đến người dân và năng suất cây trồng. Trên lý thuyết là ong có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng...

     Tuy nhiên đó là đối với ong trong tự nhiên, mật độ vừa phải. Còn hiện tại các đàn ong từ nơi khác đem đến lên đến hàng triệu con. Mỗi bông lúa, bắp có đến hàng chục con ong bu bám. Chưa nói nó có hút sữa lúa bắp không nhưng nhiều con như thế ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cây trồng. Cái gì nhiều quá, bất bình thường thì cũng không tốt. Trước thực trạng trên, huyện đang làm công văn đề nghị UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học để nghe ý kiến đánh giá của các nhà khoa học như thế nào về hiện tượng trên, qua đó có kết luận cuối cùng nhằm trấn an người dân”.

    Như vậy, trong khi chưa có kết luận chính thức từ các nhà khoa học về thực trạng ảnh hưởng của ong nuôi đối với nông nghiệp thì người dân vẫn đang cảm thấy bất an. Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần vào cuộc xem xét, tìm hiểu ong nuôi lấy mật với số lượng đông như vậy tại một địa phương có thật sự vô hại hay không để sớm có câu trả lời thỏa đáng, trấn an nhà nông.

                                                                                               Bão Bình - Báo CA Đà Nẵng

Khi những đàn ong bị xua đuổi

Ong phá lúa của dân ?