"Nóng" ở rừng giáp ranh
Chính quyền và người dân xã Bình Trị (Thăng Bình) đang đau đầu trước thực trạng một số người dân từ các địa phương khác đến phá, lấn chiếm khu vực rừng giáp ranh ở núi Chóp Chài.
Đã chiếm đất, còn dọa hành hung?
Anh Đoàn Minh Hạnh (43 tuổi, tổ 19, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị) cho biết, từ năm 1987, cha của anh lên khu vực Dương Bằng (thuộc núi Chóp Chài) để trồng rau và các loại cây ăn quả.
Đến năm 1996, Nhà nước đưa 50 hộ dân lên đây để lập nghiệp, cha anh xung phong đi. Toàn bộ 50 hộ dân này được Nhà nước cấp một số tiền, gạo. Riêng đoạn đường từ dưới đồng bằng lên đỉnh Dương Bằng, được Nhà nước bỏ tiền ra làm.
Anh Hạnh chỉ diện tích đất của gia đình bị ông Xuân lấn chiếm. |
Tuy nhiên, do quá cực khổ, nên hầu hết số hộ dân lên lập nghiệp bỏ về, chỉ còn lại vài hộ, trong đó có cha anh Hạnh.
“Đến tháng 10.2003, Nhà nước thấy cha tôi làm cũng được nên ưu đãi thêm một số chính sách để tiếp tục phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại… Đến năm 2011, cha tôi bị bệnh phải vô Tam Kỳ để điều trị. Lúc này, một số người bên xã Tiên Sơn (Tiên Phước) sang lấn đất của Bình Trị, trong đó của cha tôi là 2ha. Đầu năm 2012, cha tôi có đi khiếu nại. Chính quyền địa phương, công an lên xác minh và yêu cầu nhóm người lấn đất dừng xâm phạm. Đến năm 2013, cha tôi mất. Còn chúng tôi nghĩ họ đã trả đất, không xâm phạm nữa nhưng từ đầu năm 2016, thì họ trở lại lấn chiếm” - anh Hạnh cho biết.
Mặc dù UBND xã Bình Trị yêu cầu hết ngày 31.5.2016 ông Xuân (thứ hai, từ phải sang) phải trả lại 2ha lấn chiếm cho gia đình anh Hạnh, nhưng ông Xuân vẫn trồng keo mới. |
Theo anh Hạnh, trong nhóm người này có một người tên Xuân ở xã Tiên Sơn chính là người lấn 2ha đất của cha anh, và cũng chính ông Xuân là người trở lại chiếm diện tích đất này từ đầu năm 2016.
Lần trở lại chiếm đất này, ông Xuân còn phá hoại một số tài sản của gia đình anh Hạnh như hàng rào kẽm gai, chuồng bò… Mặc dù được UBND xã Bình Trị yêu cầu dừng lấn chiếm, trả lại đất cho gia đình anh Hạnh hạn cuối là ngày 31.5.2016 nhưng đến nay ông Xuân vẫn chưa chấp hành, thậm chí còn cho người trồng keo mới.
Trong khi đó, anh Đoàn Minh Thọ (em ruột anh Hạnh) cho biết: "Vào ngày 28.6, khi tôi cùng một số anh em khác lên rẫy để trồng keo thì ông Xuân nói sao lấn đất của ổng. Rồi có một nhóm người, do con trai ông Xuân dẫn đầu cầm dao, rựa, mã tấu… sang đòi đánh. Sợ quá, nên anh em chúng tôi trở về trại”.
Lo sợ cạn kiệt nguồn nước
Theo phản ánh của người dân Bình Trị, ngoài lấn đất, nhóm người ở xã Tiên Sơn còn phá rừng. Có mặt ở khu vực đỉnh Dương Bằng, chúng tôi ghi nhận từng khoảnh rừng hàng trăm hecta bị đốn hạ không thương tiếc, trơ gốc. Thậm chí, các đối tượng này còn đem cả xe ủi, xe múc để làm đường chở gỗ. Trước khi đốn hạ cây rừng, các đối tượng này phát thực bì.
Nhiều khoảnh rừng bị đốt sạch cây. |
Ông Lê Viết Mãnh - Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, tình trạng người dân Tiên Sơn qua lấn chiếm, phá rừng diễn ra từ năm 1997, địa phương đã nhiều lần vào cuộc nhưng rồi đâu lại vào đó.
Mới đây, ngày 13.5, chính quyền xã Bình Trị cùng các lực lượng chức năng của huyện Thăng Bình đã lập biên bản, bắt giữ xe múc và xử phạt hành chính 80 triệu đồng.
Về trường hợp diện tích đất của cha anh Hạnh bị lấn chiếm. Ông Mãnh cho biết người lấn chiếm là ông Lê Văn Xuân, ở xã Tiên Sơn, Tiên Phước. “Chúng tôi đã nhiều lần hòa giải, yêu cầu ông Xuân thu hoạch hoa màu, rồi trả đất lại cho gia đình ông Hạnh, nhưng ông Xuân vẫn chưa chấp hành” - ông Mãnh nói.
Cây bị đốn hạ không thương tiếc. |
Ông Mãnh cũng thừa nhận, hiện sự việc tương đối phức tạp, địa hình đồi núi cách trở khiến mỗi lần chính quyền nghe tin phá rừng, cử người lên đến nơi thì không thấy người phá rừng đâu nữa. Còn người dân thì lo ngại, việc phá rừng đầu nguồn sẽ làm cạn kiện nguồn nước ở hồ chứa nước Đông Tiển.
Hồ Đông Tiển được làm hồi năm 2008, đưa vào sử dụng từ năm 2010, cung cấp nước cho khoảng 700ha diện tích nông nghiệp ở 3 xã là Bình Trị, Bình Định Bắc và Bình Định Nam (Thăng Bình). Hiện tại, nhiều nơi của hồ chứa nước này đã bị trơ đáy.
Nhiều khu vực của hồ chứa nước Đông Tiển trơ đáy. |
Xuân Thọ - Báo Quảng Nam