www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Những vần thơ không tật nguyền

 Có những buổi chiều thật lạ như buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đi theo tiếng gọi thiết tha của con tim mình cùng với bao tâm hồn đồng điệu, yêu thương và sẻ chia với khát vọng, ước mơ dâng tặng, vươn lên làm đẹp cho đời của những con người dẫu thân thể không lành lặn nhưng trái tim vẫn luôn ấp ủ yêu thương.

         Miền sơn cước dần hiện ra trong mắt chúng tôi với những vườn cây đầy lá, với con đường khúc khuỷu và mây trắng cuối ngày bảng lảng trên cao. Nơi chúng tôi đến là một ngôi nhà xinh xắn ở xã Tiên Thọ nằm bên cạnh con đường nối Tam Kỳ- Tiên Phước- Trà My. Và nơi ấy, sắp có một cuộc gặp gỡ đầy cảm động mà cũng rất nên thơ giữa những con người có tấm lòng rộng mở với các cây bút thơ khuyết tật : Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Phước Ninh, Nguyễn Thế Quy và Đặng Ngọc Duy.

       Ngôi nhà của anh Nguyễn Ngọc Hùng chiều đó xôn xao rất lạ. Anh cảm nhận được điều ấy và khá hạnh phúc nhưng chẳng thể nào đứng dậy mà hồ hỡi bắt tay chào đón mọi người. Có người từ Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên vào. Người từ Tam Kỳ lên hay thị trấn Tiên Kỳ xuống. Anh chưa quen ai và cũng là lần đầu tiên gặp mặt. Nhưng có một cái tên khá quen thuộc và là người từ lâu anh hằng mến mộ- Trần Phước Ninh.

       Có lẽ, Nguyễn Ngọc Hùng quý và mong muốn gặp Trần Phước Ninh xuất phát từ sự đồng cảm của hai thân thể tật nguyền nhưng tâm hồn luôn khao khát vươn lên trong cuộc sống. Những cái siết tay thật khó khăn, những nụ cười họ trao cho nhau không thật trọn vẹn…điều ấy không làm vơi đi niềm hạnh phúc đang dâng tràn trong trái tim các anh. Chúng tôi cảm nhận được những khoảnh khắc đáng yêu ấy và trân trọng xiết bao.

       Nguyễn Ngọc Hùng sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Nỗi bất hạnh ập đến với Hùng ngay từ lúc sáu tháng tuổi còn nằm nôi. Một ngọn lửa quái ác đã để lại trên thân thể nhỏ nhoi của Hùng nhiều vết tích. Nhưng điều đau đớn nhất là khi lớn lên, bước đi của cậu bé Hùng rất khó khăn, nặng nhọc. Tuy vậy, Hùng vẫn cố gắng lê bước đến trường tìm đến con chữ.

       Nhưng số phận khắc nghiệt vẫn không buông tha, năm lên lớp 11 trường phổ thông trung học Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ngọc Hùng không thể bước đi được nữa do đôi chân hoàn toàn bại liệt. Cùng năm ấy, ba mẹ anh cũng vĩnh viễn chia xa cõi trần thế sau một thời gian bạo bệnh khiến tâm hồn anh thêm tan nát, xót xa. Những ngày tháng ấy, Nguyễn Ngọc Hùng tưởng mình không thể sống được. Vậy mà anh cũng đã vượt qua những nỗi đau thể xác và tâm hồn bằng cách tìm đến với cờ tướng, cờ vua dưới sự chỉ dạy tận tình của thầy giáo Vũ Huyên-người cùng xã.

Nguyễn Ngọc Hùng và đêm thơ " Tình yêu cuộc sống"

       Và, từ những nước cờ đầu tiên ấy, bằng niềm đam mê và sáng tạo trong lối đánh, lối chơi của mình, Nguyễn Ngọc Hùng đã hai lần đoạt giải vô địch môn cờ tướng và hai lần đoạt Huy chương Bạc môn cờ vua tỉnh Quảng Nam. Đâu chỉ có thế, trái tim Nguyễn Ngọc Hùng lại biết thổn thức với cái đẹp và hướng đến chân trời chân-thiện-mỹ qua những vần thơ dung dị nhưng chan chứa yêu thương. Thơ Hùng đa số là những rung cảm về tình mẫu tử, tình anh em ruột thịt trong mái ấm gia đình.

       Một mái ấm rất tuyệt vời có anh trai, chị dâu và các cháu luôn yêu thương, chăm sóc và cho anh nghị lực để sống. Thơ Hùng còn là ký ức xa xăm về những cảnh đẹp, những ngôi làng, dòng sông Tiên thơ mộng mà thuở nhỏ anh đã có lần đến thăm. Với sông Tiên Nguyễn Ngọc Hùng viết : Anh về ngắm lại một dòng sông / Thương nhớ khôn nguôi đốt cháy lòng / Nắng ngã màu chiều in bóng nước / Ngược dòng, sông cứ chảy ngàn năm…”. Và đây là những xót xa của một đứa con trai khi thấy cha mình quặn thắt trong bạo bệnh mà chẳng làm gì được, chỉ biết thốt lên : Đêm quặng lòng thổn thức gọi cha ơi / Trái tim bé con làm sao nén nổi / Bóng cha chập chờn cong như dấu hỏi / Nghe trong đêm nghèn nghẹn tiếng ru hời”.

      Nói về thơ và cũng là trải lòng mình trước cuộc sống, Nguyễn Ngọc Hùng tâm sự “ Mình không có cơ hội và điều kiện đi ra bên ngoài như mọi người nên thơ giúp mình bày tỏ tâm tư, tình cảm với cuộc sống. Qua thơ, mình gởi gắm lòng tri ân với gia đình, quê hương và những người đã sẻ chia, động viên mình suốt những năm tháng dài bệnh tật…

      Cũng như Nguyễn Ngọc Hùng, tai họa ập đến với Trần Phước Ninh - sinh năm 1972 tại làng Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên vào đúng những ngày đang học lớp 11 với những ước mơ đẹp chập chờn nơi cánh phượng. Nhà nghèo, ba mẹ lại chia tay lúc Ninh còn nhỏ, nhưng Ninh rất chăm học, hiếu thảo với mẹ và đặc biệt là học giỏi môn văn. Vào một ngày đầu năm học lớp 11, một cơn sốt bại liệt đã quật ngã Ninh, ba năm sau đó anh nằm một chỗ và nói không rõ lời. Như con chim đang bay bỗng dưng bị gãy đôi cánh- Trần Phước Ninh quá tuyệt vọng đôi khi muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho số phận bất hạnh của mình.

        Nhưng mỗi khi nhìn người mẹ già mòn mõi, âm thầm lặng lẽ bón từng thìa cháo cho con - Ninh không nỡ xa mẹ. Anh tự nhủ lòng là hãy cố đứng lên bằng tất cả chút hơi tàn lực kiệt còn lại. Qua một thời gian quyết tâm luyện tập bằng phương pháp vật lý trị liệu, Ninh đã bắt đầu chập chững lê từng bước nặng nhọc bằng chính đôi chân bại liệt của mình. Sau đó ít lâu, Phước Ninh quyết định vào Sài Gòn làm nghề bán vé số để kiếm sống. Với khoảng thời gian hơn mười năm lăn lộn với đất Sài Thành đã cho Ninh nhiều trải nghiệm về cuộc đời, về lòng nhân ái, về cuộc sinh tồn giữa trời đất…

       Bắt đầu từ đây, anh tập tành viết những câu thơ về thân phận mình, về công việc, về mẹ kính yêu nơi quê nhà xa tít “ Loáng thoáng lời ru / Trường học trường đời / Trường học của con / Trường đời của mẹ / Trường của mẹ sao quá nhiều vất vả / Nắng sớm mưa chiều thương lắm mẹ ơi…” và với quê hương Duy Xuyên yêu dấu trong nỗi nhớ khôn nguôi trước khoảnh khắc giao thừa nơi đất khách “ Giữa Sài Gòn có kẻ sống xa quê / Chiều ba mươi khóc thầm nơi đất khách / Giờ giao thừa chỉ còn trong khoảnh khắc / Chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau”.

       Phước Ninh cũng dành không ít bài thơ để thổ lộ tấm lòng mình, tình yêu của mình về người con gái anh đã từng thương thầm, trộm nhớ “ Tháng tư / nghe lòng tương tư / con đường trốn nắng dưới hàng cây / em ơi mùa trở cùng hơi thở / vô tình chạm chiếc lá bay…” hay “ Ai giấu mùa thu phương nao / Tôi tìm kiếm mãi giọt ngâu trong vườn / Rối bời mấy sợi tóc vương / Ta nợ nhau chút mộng thường nhé em..”. Với Trần Phước Ninh, thơ chính là khoảng trời phía trước của anh. Bởi với thơ, anh có cơ hội được trải lòng mình cùng bao cảm xúc, nhớ nhung, thương yêu, lắng đọng. Chỉ có với thơ mới cho anh vững tin bước tiếp những bước nhọc nhằn trong cõi đời. Ninh nói “ Thơ là cứu cánh của cuộc đời mình, là người bạn tri kỹ giúp mình có đủ niềm tin và nghị lực mà bước tiếp trên cuộc đời đầy gian nan vất vã…

       Bao nhiêu năm “ấp ủ” một giấc mơ thơ, cuối cùng, Trần Phước Ninh cũng đã cho ra mắt độc giả yêu quý anh và dâng tặng lên người mẹ kính yêu và bà con lối xóm tận tình giúp đỡ đứa con tinh thần đầu đời của mình – tập thơ “ Tạ lỗi cùng quê” do Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 2011. Tập thơ gồm ba mươi sáu bài thơ xinh xắn là tất cả những gì Trần Phước Ninh trăn trỡ, yêu thương, mơ mộng và dệt nên bằng sức mạnh tâm hồn mình.

       Chúng tôi cảm phục Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Phước Ninh, Đặng Ngọc Duy hay Trần Thế Quy bao nhiêu thì lại càng trân trọng tấm lòng của một người con xứ Quảng- anh Ngọc Sang, một nghệ sĩ ngâm thơ có nghệ danh ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ những chuyến đi từ thiện ở khắp nơi của đất nước, nghệ sĩ Ngọc Sang đã gặp gỡ, tìm hiểu, xúc động và ngưỡng mộ trước những nỗ lực phi thường ở những con người có số phận bất hạnh ấy. Và, anh đã lặng lẽ từ thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, tự bỏ tiền túi của mình ra vào Quảng Nam không biết bao nhiêu lần để tổ chức những đêm thơ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa cho những cây bút thơ khuyết tật.

        Anh bảo, đó dường như là cơ duyên của cuộc đời mình. Cũng như chương trình “ Tình yêu cuộc sống” tổ chức tại xã Tiên Thọ lần này. Ngoài nỗ lực của bản thân, nghệ sĩ Ngọc Sang còn huy động sự nhiệt thành đóng góp tinh thần và vật chất của nhiều người, trong đó có các chị ở Câu lạc bộ nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng nhằm chia sẻ phần nào khó khăn hiện tại của những người “bạn” trẻ khuyết tật mà anh rất yêu mến.

         Nghệ sĩ Ngọc Sang nói “ Đối với các em khuyết tật, chỉ có thơ mới có thể giúp các em đủ nghị lực, niềm tin trong cuộc sống. Thơ giúp các em đứng dậy và sống có ích. Mặc dù thơ các em làm chưa hay, có nhiều bài chưa phải là thơ, nhưng đó là tiếng lòng, là cuộc sống của các em. Chính vì thế, góp phần để những đứa con tinh thần của các em được chắp cánh đến với mọi người…là việc làm cần thiết của tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ có tấm lòng thương mến các em…

        Đêm thơ “ Tình yêu cuộc sống” diễn ra trong không khí ấm cúng, chan chứa yêu thương và dạt dào hạnh phúc của các tác giả thơ khuyết tật Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Phước Ninh, Thế Quy và Đặng Ngọc Duy. Ở đó, khán phòng dù đơn sơ, âm thanh, ánh sáng dù mộc mạc nhưng lại ngời lên một thứ ánh sáng khác, thanh âm khác về lòng nhân ái bao dung. Đó quả là một món quà tinh thần quý giá mà các nghệ sĩ, những người hảo tâm, người yêu thơ…đã giành cho những cây bút khuyết tật.

       Quả thật, “ Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Với những người có ý chí kiên cường và tâm hồn trong sáng, lạc quan như Hùng, Ninh, Quy, Duy và nhiều người nữa…chúng tôi tin rằng, ở phía trước họ vẫn là những khoảng trời ngập nắng của hy vọng và tình yêu cuộc sống.

Đặng Trương Khánh Đức - Đài TH Quảng Nam QRT