Những tên đất, tên làng đi vào lịch sử
Trong những ngày tháng 3 này, vùng quê Sơn - Cẩm - Hà lại có nhiều người đến tham quan những di tích lịch sử để nhớ lại một thời chưa xa. Và điều đáng mừng là những năm gần đây, huyện Tiên Phước có chủ trương xây dựng nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của một vùng quê vang danh với phong trào Duy tân do cụ Lê Cơ thực hành cách đây hơn một trăm năm.
Và đầu năm nay, Đề án 548 về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại bền vững, gắn với du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025” đã được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện.
Theo đó, sẽ tu bổ, tôn tạo, phục dựng đối với các di tích trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống, khám phá trải nghiệm của du khách gần xa. Xin giới thiệu những địa danh đã đi vào lịch sử...
Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tọa lạc trên đồi ông Giài (thôn 1, xã Tiên Sơn). |
Trường Tân học Phú Lâm
Trường Tân học Phú Lâm xưa nằm ở làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, nay thuộc thôn 3 xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Hiện nay, nền trường đã được xếp hạng Di tích Văn hóa - lịch sử cấp tỉnh, nằm sát trục đường ĐT614 từ Tiên Phước đi Hiệp Đức. Theo sử sách, ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25.1.1904), Lê Cơ - Lý trưởng làng Phú Lâm, đệ đơn lên phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ Quốc ngữ. Được phê chuẩn, ông liền hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng trường Phú Lâm tại làng. Theo các cụ cao niên, trường được xây theo kiểu nhà dài, mái lợp tranh, móng kè bằng đá tảng và nền nện đất sét, vách bằng tre nứa trát đất.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: nền trường tân học Phú Lâm. |
Trường khai giảng vào rằm tháng 3 năm Giáp Thìn (30.4.1904). Ban ngày dạy cho thanh niên, ban đêm dạy cho trung niên, còn chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nói vè, đánh cờ... Giáo viên là những người tình nguyện, không nhận lương. Trường chỉ lo cơm và tiền lộ phí cho thầy, học sinh nghèo được cấp giấy bút. Trường có lớp nữ sinh riêng do giáo viên nữ giảng dạy. Người học không hạn chế về tuổi tác. Trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp. Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như Lịch sử, Địa lý, Hát, Vẽ, Toán đố… Học sinh còn được học môn thủ công làm những đồ dùng cần thiết trong đời sống và tập thể dục rèn luyện thân thể. Mục đích của cụ Lê Cơ là mở trường để mở mang trí tuệ cho người dân trong vùng, đồng thời qua các buổi diễn thuyết giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân. Kết quả năm 1908 có hơn 650/1.200 người dân trong xã đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ. Ngoài mở trường dạy chữ, cụ Lê Cơ còn vận động cắt tóc ngắn, mặc quần hai ống, lập các “hợp xã” buôn bán, sản xuất. Chính phủ Bảo hộ Pháp và Nam triều không lường trước được kết quả như thế, đành lập một đồn canh tại đèo Eo Gió - Tiên Cẩm do tên quan 3 Pháp chỉ huy để đề phòng “sinh biến”.
Lò chén Phú Lâm
Lò chén Phú Lâm được xây dựng năm 1935 với tên gọi ban đầu là “Fabrication Annamite Porcelaine par Hoa Loc” (Lò sản xuất gốm sứ An Nam tại Hòa Lộc) do ông Lê Tuất làm chủ. Cái tên Tây này đã làm cho người Pháp cảm thấy gần gũi với họ, và cho rằng chỉ đơn thuần là sản xuất chén bát cung cấp cho thị trường mà không hề biết đây chính là cơ sở kinh tài được Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ cho 2 ông Lê Tuất và Huỳnh Lắm xây dựng tại Hòa Lộc (nay là thôn 5 xã Tiên Sơn). Sản phẩm làm ra là các mặt hàng chén, bát, dĩa... Mỗi tháng lò sản xuất 10 - 15 ngàn sản phẩm các loại đưa đi tiêu thụ ở Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Lò chén ngày càng ăn nên làm ra và nguồn tài chính thu về, ngoài việc trả lương cho nhân công và tái sản xuất, còn lại bí mật chuyển cho các tổ chức của Xứ ủy Trung kỳ.
Sau khi Lò chén Phú Lâm đi vào hoạt động, thực dân Pháp nghi ngờ cho mật thám dò la. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở “mẫu quốc Pháp”, Mặt trận bình dân lên nắm chính quyền, nới lỏng chính sách hà khắc ở các thuộc địa, nhờ vậy, Lò chén Tiên Sơn không bị gây khó dễ. Đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, các “hội kín” do Đảng thành lập ở nhiều nơi trên địa bàn Tiên Phước. Chi bộ đảng Tài Đa và Thạnh Bình cũng lần lượt ra đời. Năm 1940, Pháp đưa một tốp lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Pháp đến Phú Lâm để dò xét, truy hỏi. Ông Mai - một công nhân của lò chén biết tiếng Pháp đã tìm cách đánh lừa chúng để chúng rút khỏi Phú Lâm. Thời gian này, phong trào cách mạng trong tỉnh bị địch khủng bố ráo riết, nhiều tổ chức đảng bị lộ nhưng Lò chén Phú Lâm vẫn tồn tại cho đến ngày Cách mạng 8.1945 thành công. Di tích Lò chén Phú Lâm cũng đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005.
Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam
Năm 2014, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam đóng tại thôn 1 xã Tiên Sơn trong thời kỳ chống Mỹ, được Bộ VH-TT&DL công nhận Di tích cấp quốc gia. Cách đây 62 năm, vào tháng 9.1964, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chuyển cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ban ngành của tỉnh từ Tứ Mỹ - Kỳ Sanh (Núi Thành) về đóng tại Sơn - Cẩm - Hà. Và xóm Ông Huệ được chọn làm nơi đặt bản doanh của Tỉnh ủy. Tại đây, năm 1965, Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở chiến dịch xuân hè tấn công vào các khu dồn, ấp chiến lược, giải phóng được nhiều vùng rộng lớn. Cuối năm 1967 vùng Sơn - Cẩm - Hà bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Để đảm bảo bí mật an toàn, căn cứ Tỉnh ủy lần lượt di chuyển qua nhiều điểm khác nhau trên vùng tây Quảng Nam. Tháng 3.1973, cơ quan Tỉnh ủy lại chuyển về đóng tại xã Tiên Sơn. Tại đây, ngày 10.3.1973, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX khai mạc, đề ra nhiệm vụ đánh bại mọi âm mưu của địch bằng 3 mũi giáp công, giành lại những vùng đã mất, xây dựng hậu phương vững chắc”. Và từ năm 1973 - 1975, Tỉnh ủy đã họp bàn đưa ra nhiều quyết định quan trọng để tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương trong tháng 3.1975.
Chứng tích Gò Vàng, Đồng Trại…
Hầm Heo - Gò Vàng (Tiên Sơn) và Đồng Trại (Tiên Cẩm), Gò Dạn (Tiên Hà) là những chứng tích tội ác “trời không dung đất không tha” của bọn phản động Quốc dân đảng gây ra trong quãng thời gian từ 9.1954 đến 12.1955. Sau Hiệp định Genève - 1954, cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc, lợi dụng lúc giao thời, bọn phản động Quốc dân đảng do Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu đã chiếm vùng quê Sơn - Cẩm - Hà, lập nên cái gọi là “Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ”, bắt bớ, thủ tiêu cán bộ đảng viên và những người tham gia kháng chiến 9 năm. Đỉnh điểm là vào cuối năm 1955, bọn chúng đã gây ra vụ thảm sát tập thể bằng cách chôn sống hơn 400 cán bộ đảng viên trung kiên tại Hầm Heo - Gò Vàng, Đồng Trại, Gò Dạn, trước khi đầu hàng chính quyền Ngô Đình Diệm.
Sự tàn ác của bọn phản động Quốc dân đảng vẫn không làm cho người dân Sơn - Cẩm - Hà nao núng tinh thần, ngược lại càng khiến họ căm phẫn tột độ. Ngay sau khi sự kiện bi thương xảy ra, người dân Tiên Sơn đã nổi dậy vây bắt tên Nguyễn Quang Chung - Phó Bí thư Quận ủy Quốc dân đảng Tiên Phước, dùng ách cày, đòn gánh đánh đến chết. Năm 1962, người dân Sơn - Cẩm - Hà làm nội ứng cho bộ đội huyện và tỉnh mở chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà”. Năm 1964, địch mở cuộc hành quân “Bình Châu dân chiến” với 4 trung đoàn tham chiến, có máy bay và pháo tầm xa yểm trợ, đánh vào Sơn - Cẩm - Hà lên Lãnh - Ngọc - Hiệp. Sau 2 tháng đánh nhau, chúng bị thất bại ê chề. Và kể từ đấy, vùng quê này trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.
Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam