www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu

Hội LHPN huyện Tiên Phước vừa phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm sáng tạo năm 2019. Qua đó, đã tôn vinh nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu. Chuyên trang Tiên Phước xin giới thiệu một số gương điển hình.

 

Cơ sở sản xuất bánh tráng lề của chị Bùi Thị Kim Loan, thôn Địch Yên, xã Tiên Phong giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất bánh tráng lề của chị Bùi Thị Kim Loan, thôn Địch Yên, xã Tiên Phong giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương.

Cử nhân làm nấm

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Cao Đình Thiện ở  thôn 8 xã Tiên Thọ tìm việc làm nơi phố thị. Tuy nhiên, qua gần 3 năm bôn ba khắp nơi, từ Sài Gòn đến Đà Nẵng nhưng không tìm được việc làm ưng ý, anh Thiện về quê thực hiện dự định ấp ủ từ thời còn là sinh viên. Đó là sản xuất nấm bào ngư. Cuối năm 2017, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua nguyên vật liệu, bắt tay thực hiện kế hoạch của mình. Mặc dầu kiến thức có, kinh nghiệm học hỏi từ các mô hình đi trước nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không có kết quả như mong muốn. Những lứa nấm đầu tiên liên tục bị hỏng.  Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy trình sản xuất từ khâu tuyển chọn nguyên vật liệu, khử trùng, cấy men, tăng giảm độ ẩm nhà xưởng cho phù hợp. Qua gần một năm vật lộn với khó khăn, rồi mọi chuyện cũng đạt được như mong đợi. Năng suất, chất lượng sản phẩm dần đi vào ổn định.

Mô hình chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Hậu.
Mô hình chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Hậu.

Năm 2018, anh Thiện đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Tiên Thọ gồm 7 thành viên với vốn điều lệ 1 tỷ đồng nhằm tạo thêm nguồn lực phát triển mô hình. HTX đi vào hoạt động ổn định, mỗi tháng sản xuất khoảng 1,5 tấn nấm, doanh thu hơn 60 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, HTX  mua thêm máy hấp nguyên liệu trị giá 50 triệu đồng và đang đầu tư xây dựng nhà xưởng bằng sắt thép, lợp tôn kiên cố thay cho nhà gỗ, mái lá trước đây. Cùng với việc tập trung hoàn thiện mô hình sản xuất nấm bào ngư, anh Thiện còn nhiều dự định lớn hơn trong tương lai. Anh chia sẻ: “Sau khi xưởng sản xuất nấm đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ đầu tư phát triển thêm một số sản phẩm mới như: nấm dược liệu, nghiên cứu trồng các loại cây ăn quả mới so với các giống cây hiện có trên địa bàn huyện”.

Để xây dựng được mô hình khởi nghiệp thành công, bên cạnh nỗ lực không ngừng của bản thân, anh Thiện và các thành viên HTX, còn có sự đồng hành, động viên, giúp đỡ kịp thời của Đoàn xã Tiên Thọ. Chị Lê Thị Thương - Bí thư Đoàn xã cho biết: “Anh Thiện có kiến thức, có chí hướng khởi nghiệp nên chúng tôi mời anh tham gia câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp của Đoàn xã với nhiều hoạt động như tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng khởi nghiệp. Rồi chính Thiện đã tạo cảm hứng cho CLB với thành công bước đầu từ mô hình sản xuất nấm bào ngư của mình. Tin rằng, với sức trẻ, năng động, anh Thiện cùng với các thành viên xây dựng HTX ngày càng phát triển, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp sức cùng với địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới trên địa bàn”.

Khởi nghiệp từ bánh tráng lề

Chị Bùi Thị Kim Loan ở tại thôn Địch Yên, xã Tiên Phong, chọn hướng khởi nghiệp bằng cách sản xuất bánh tráng lề. Cơ duyên đến với nghề làm bánh tráng lề của chị Loan cũng khá ngẫu nhiên. Là viên chức y tế làm việc theo ca nên chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm việc làm thêm tạo thu nhập cho gia đình. Biết được ý định của chị, một người bạn đồng nghiệp quê Đại Lộc có người thân sản xuất bánh tráng lề đã giới thiệu chị đi bỏ bánh cho các đại lý. Gần 5 năm vừa làm viên chức y tế vừa làm thêm nghề bỏ mối bánh tráng lề nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn chưa hết khó khăn, chị bàn với chồng đi học nghề và tự sản xuất bánh tráng lề tại Tiên Phước. Ý định của vợ chồng chị được chủ cơ sở sản xuất tại Đại Lộc ủng hộ và tận tình giúp đỡ. Sau khi được đào tạo nghề, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, vợ chồng chị Loan mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và tiến hành sản xuất từ tháng 10.2018.

Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của chị Loan cũng không phải thành công ngay. Những lô hàng đầu tiên bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Đến cả người làm công cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nhưng rồi, với quyết tâm cao, vợ chồng chị phát huy hết những kiến thức đã được học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ sau một thời gian ngắn tình trạng bánh hư hỏng được khắc phục. Hiện bình quân mỗi tháng xưởng bánh tráng lề của chị sản xuất hơn 2 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 60 triệu đồng. Sản phẩm do cơ sở chị sản xuất có nhãn mác với tên gọi là bánh tráng lề Địch Yên, có địa chỉ, thời hạn sử dụng rõ ràng nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chị Loan chia sẻ: “Ban đầu vợ chồng tôi chỉ tính là làm để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng càng làm càng thấy được nhiều người ủng hộ nên tự tin mở rộng quy mô vừa tăng được thu nhập, vừa tạo thêm việc làm cho bà con trong xã”.

Hiện xưởng sản xuất bánh tráng lề của vợ chồng chị Loan giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập 160 - 180 nghìn đồng/ngày. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” huyện Tiên Phước cho biết: “Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng sản phẩm bánh tráng lề Địch Yên đã tạo được uy tín trên thị trường với mức tiêu thụ khá lớn nên chúng tôi đã đưa sản phẩm này vào danh mục sản phẩm tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 nhằm giúp đỡ hộ sản xuất hoàn thiện sản phẩm, cũng như các hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết tạo cơ sở sản xuất ổn định, bền vững hơn”.

Chị Hậu làm kinh tế giỏi

Chị Nguyễn Thị Hậu - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 4, xã Tiên Lộc, vươn lên làm giàu nhờ làm vườn, phát triển kinh tế vườn. Chồng chị làm cán bộ xã, ít có thời gian cho việc đồng áng, vì thế, chị vừa lo việc nhà, vừa tính toán làm ăn, nuôi con ăn học. Dưới bàn tay cần mẫn của chị, khu vườn nhà rộng gần 4.000m2 được cải tạo trở thành một khu vườn xanh tốt với hơn 200 bụi chuối lùn, 200 cây cau và các loại cây ăn quả khác. Khu đất gần nhà, chị trồng rau theo phương châm “mùa nào, thức ấy” như rau dền, cải, bầu, bí, mướp, đậu các loại... không chỉ phục vụ nguồn rau sạch cho bữa ăn gia đình còn cung cấp ra thị trường. Cùng với trồng trọt chị còn đầu tư nuôi 7 con bò, gần 100 con gà, vịt các loại.

Mỗi năm gia đình chị Hậu xuất chuồng 3 con bò giống, thu gần 30 triệu đồng. Cùng với đó, năm được mùa, được giá vườn cau và chuối cũng đem lại cho gia đình chị nguồn thu gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị Hậu còn khai phá đất đồi trồng được 2ha keo lai, làm 7 sào ruộng vừa đảm bảo lượng lương thực cho gia đình, vừa có thêm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Có thể nói bằng ý chí, nghị lực, sự vén khéo của một người phụ nữ đảm đang, chị Hậu đã cùng chồng vượt qua những khó khăn ban đầu xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển. Chị Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Tôi thấy nhiều gia đình khó khăn là người ta đi ra thành phố mưu sinh, nhưng riêng tôi suy nghĩ mình phải làm sao phấn đấu làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Với diện tích đất sẵn có, tôi trồng cây ăn quả, rau đậu các loại kết hợp với chăn nuôi từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Làm nông nghiệp không khó nhưng quan trọng là phải chịu khó lao động sản xuất, nhất định sẽ thu lại kết quả mang lại vụ mùa bội thu”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hậu còn tích cực tham gia công tác của hội phụ nữ, đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương. Bà Huỳnh Thị Kim Thuyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Lộc cho hay: “Chị Nguyễn Thị Hậu là tấm gương điển hình về đức tính siêng năng, chịu khó trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, chị cũng tấm gương sáng trong việc tham gia các hoạt động của hội cũng như các hoạt động khác của địa phương, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao”.

                                      Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam