www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nguyễn Đình Tựu nhà mô phạm mẫu mực

Nguyễn Đình Tựu (1828-1888) tự là Doãn Ngũ, Vọng Chi, sinh năm Mậu Tý (1828) tại làng Hội An, nay thuộc thôn Hội An xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho vọng tộc. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Dậu (1861), đỗ phó bảng khoa Mậu Thìn (1868), làm quan đến chức Tán thiện Phán độc ti.

          Năm 1869, ông được vua Tự Đức bổ chức Tu soạn ở Bộ Hộ, sung chức giảng tập ở Dục Đức đường (dạy hoàng tử Ưng Chân), sau được bổ chức Đốc học tỉnh Quảng Nam (như Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo ngày nay) một thời gian. Về sau, ông được bổ chức giảng tập ở Chánh Mông đường (dạy hoàng tử Ưng Đăng), lãnh Tế tửu Quốc tử giám (như Giám đốc Trường Đại học Quốc gia ngày nay), kiêm Thị giảng học sĩ, hằng tuần giảng sách cho vua.

       Năm 1886, Đồng Khánh sau khi lên ngôi đã cử ông làm Chánh sơn phòng sứ Quảng Nam thay tiến sĩ Trần Văn Dư. Sách Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Anh Minh xuất bản, Huế, 1961) kể rằng, Tiến sĩ Trần Văn Dư nhân danh Chánh Sơn phòng sứ cùng với các nghĩa sĩ, nghĩa dân thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, đặt trụ sở tân tỉnh tại Dương Yên rồi Trung Lộc, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh, hưởng ứng Phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp. Vì thế, khi lên ngôi thay vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh liền thay Trần Văn Dư bằng Nguyễn Đình Tựu (là thầy của Nguyễn Duy Hiệu), nhưng được một thời gian thì Nguyễn Đình Tựu cũng cáo về.

         Khi Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu thay Trần Văn Dư lãnh đạo Nghĩa hội, ông có yết kiến mời Nguyễn Đình Tựu ra làm Hội chủ, nhưng ông Tựu lấy cớ tuổi già mà xin từ. Lúc ấy, nhiều người trong Nghĩa hội nghi ngờ Nguyễn Đình Tựu ngầm hợp tác với quân triều, nhiều lần toan giết ông, nhưng Nguyễn Duy Hiệu dõng dạc nói: “Bọn ta cử sự, biết chắc thế nào cũng thất bại, chỉ vì danh nghĩa mà thôi; nhưng trên danh nghĩa: quân sư là trọng. Nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì tỏ với thiên hạ hậu thế?!”. Nhờ đó, ông thoát nạn.

 

                                          Đường Nguyễn Đình Tựu tại thành phố Đà Nẵng hôm nay

 

         Nguyễn Đình Tựu vốn là nhà mô phạm khuôn mẫu, uyên bác nổi tiếng, đào tạo được nhiều nhà khoa bảng yêu nước đương thời. Cam tâm hạ thủ một con người như thế thì quả là khó tránh tiếng xấu nghìn năm. Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, một quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn, đã viết về ông: Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm thuần chính, chung thủy giáo chức, nhân hàm dĩ mô phạm suy. Tạm dịch: Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm chân chính, trước sau ở nghề giáo, được mọi người tôn xưng là bậc mô phạm.

        Thực tế, Nguyễn Đình Tựu chỉ giữ chức Sơn phòng sứ trong một thời gian ngắn rồi về Huế nhậm lại chức Thị giảng như cũ, rồi Đốc học Quảng Nam. Theo sách đã dẫn thì sau khi Nghĩa hội bị quân của Nguyễn Thân phối hợp cùng với quân Pháp đánh bại, các lãnh tụ của Nghĩa hội hy sinh, Nguyễn Đình Tựu đã đứng ra che chở, bảo lãnh nhiều thành viên từng tham gia Nghĩa hội, nhờ đó mà phần lớn được bảo toàn tính mạng.

        Nguyễn Đình Tựu gả em gái của mình là bà Nguyễn Thị Tình cho ông Huỳnh Tấn Hữu - một trong những học trò xuất sắc của ông và cũng là cha của Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1887, quân Pháp đánh chiếm Tiên Phước, Huỳnh Thúc Kháng theo gia đình đi lánh nạn, được ông giúp đỡ cho đi học ở trường tỉnh.

         Ông bị bệnh, mất tại chức năm 1888, thọ 60 tuổi.

        Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1,12km, rộng 10,5m, từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Công Hãng, khu dân cư Phần Lăng và đường Hà Huy Tập nối dài, thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

                                                                        Lê Gia Lộc - Báo Đà Nẵng