www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nghề trồng rừng ở Tiên Phước

Tiên Phước có phong trào trồng rừng phát triển mạnh với nhiều chủng loại cây trồng. Từ giống cây bản địa truyền thống như quế, tiêu, dó bầu cho đến những loại cây mới du nhập hoặc có tính phổ biến như keo lai, tre điền trúc, cao su tiểu điền… đều góp mặt.

 

Không giống các huyện miền núi như Bắc Trà My, Hiệp Đức… việc sản xuất và cung ứng giống cây trồng có quy mô tập trung với những vườn ươm lớn đủ khả năng cung cấp cho một vùng rộng lớn, ở Tiên Phước người dân tự ươm giống để sản xuất, phần dôi ra sẽ đem bán bù đắp một phần chi phí. Cách làm này có cái hay là tự túc tại chỗ giống cây, đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhưng mặt khác nếu không có sự thẩm định và khuyến cáo của ngành chức năng, chất lượng giống cũng như thành phẩm sau thu hoạch sẽ là chuyện đáng bàn cho tương lai nghề trồng rừng tại đây.

 Nhà nhà ươm cây

Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn ươm rộng non một héc ta do Ban quản lý dự án trồng rừng huyện quản lý, anh Tuấn, cán bộ Phòng Kinh tế huyện cho biết: “Đây là dự án do Sở NN&PTNT đầu tư nhằm cung ứng các loại giống đạt chuẩn cho các xã có diện tích rừng trồng lớn như Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên An…”. Cũng theo lời anh Tuấn, người dân ở đây có diện tích rừng trồng quy mô nhỏ từ 3 đến 5 héc ta rất nhiều và phần lớn họ đều tự ươm cây để trồng và huyện cũng có rất nhiều vườn ươm quy mô từ 2.000 đến 3.000 nghìn mét vuông. Bác Võ Mẫn, người được Ban quản lý dự án trồng rừng Tiên Phước thuê chăm sóc vườn ươm, cho biết: “Cây giống sản xuất ra không đủ để bán, đặc biệt là các giống có triển vọng cho thu nhập cao như tre điền đúc hay thanh trà. Chúng tôi vừa xuất 2 xe giống tre điền trúc và theo lời của những người đến mua giống, tre điền trúc trồng trên đất Tiên Phước cho những đọt măng trung bình từ 8 đến 10 kg/bụi, có đọt lên đến 20kg… Về giống keo lai chúng tôi có lợi thế hơn trong kỹ thuật giâm hom, đảm bảo giống có chất lượng đồng đều và thuần chủng”.

Dạo quanh khu vực chưa đến 2km2 vuông quanh thị trấn Tiên Kỳ, chúng tôi ước đếm không dưới 20 vườn ươm có quy mô trên dưới một nghìn mét vuông chủ yếu sản xuất giống keo tai tượng, keo lai, dó bầu và cau. Chị Lan, một chủ vườn ươm có quy mô gia đình cạnh đường ĐT 616 chỉ ươm một loại giống keo lai bộc bạch: “Giống và bao ươm thì mua dưới Tam Kỳ, về nhà thì tự lên luống để ươm, trước khi ươm phải xử lý thuốc chống nấm bệnh, sau chừng hai tháng thì có thể xuất bán với giá bình quân hiện nay là 250 đến 300 đồng mỗi cây”.

 

Khai thác rừng và những cảnh báo

Anh Đoàn Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Dù đã vào mùa mưa nhưng hằng ngày có đến không dưới 20 xe khai thác gỗ nguyên liệu giấy đổ về xuôi (đó là số liệu ước đoán chứ thực tế con số này lớn hơn nhiều). Những lứa cây trồng đến kỳ thu hoạch rất được giá nên người dân đổ xô trồng rừng và cũng bắt đầu từ đây việc tranh chấp đất rừng diễn ra đang làm đau đầu các ban ngành ở huyện”. Còn nhớ sau khi dự án vùng dứa nguyên liệu ở Tiên Lãnh bị đổ bể, hàng chục hộ dân được giao đất và những hộ dân tự ý khai thác đất trong vùng quy hoạch đã tranh chấp với nhau dẫn đến rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và quản lý đất…

Sau cây quế, cây tiêu, bây giờ Tiên Phước lại có thêm một loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao được đưa vào khai thác, đó là cây thông nhựa. Không như các loại cây khác được đưa vào trồng đại trà, cây thông nhựa được trồng tập trung ở một số vùng núi thấp với mục đích làm rừng phòng hộ. 24 năm đã trôi qua và những cây thông trồng thử nghiệm ngày nào bây giờ đã đến tuổi lấy nhựa. Ở Tiên Phước thông nhựa được trồng tập trung ở các xã Tiên Châu, Tiên Hiệp, thị trấn Tiên Kỳ… tuy số lượng không nhiều nhưng khi đưa vào khai thác cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho một số hộ dân địa phương. Được biết, đây là năm đầu tiên thông nhựa Tiên Phước được khai thác theo hợp đồng ăn chia sản phẩm giữa chủ rừng và doanh nghiệp.

Tại khu vực đồi thông thuộc thị trấn Tiên Kỳ, doanh nghiệp tư nhân Phước Tâm là đơn vị đứng ra tổ chức khai thác, thu gom nhựa để bán cho các nhà máy chế biến. Ông Nguyễn Hữu Trung, giám đốc công ty cho biết, trước khi đi vào khai thác, đơn vị đã khảo sát sơ bộ, dự kiến sản lượng mới ký hợp đồng lâu dài. Với diện tích gần 25ha đang khai thác doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động với mức lương gần 1,5 triệu đồng/ tháng. Nghề khai thác nhựa thông được thực hiện quanh năm trừ 3 tháng mùa mưa. Đây là một nghề mới nên doanh nghiệp phải mời kỹ thuật viên có kinh nghiệm từ Huế vào hướng dẫn kỹ thuật. Công ty Phước Tâm cũng đang có hướng mở rộng việc khai thác sang các địa bàn Tiên Châu (Tiên Phước), Tam Xuân 2 (Núi Thành)… Anh Trần Quang Minh, một công nhân trú tại thôn Bình An nói: “Gia đình anh ít ruộng nên anh thường phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ khi doanh nghiệp Phước Tâm nhận anh vào làm việc anh đã có thêm một nghề mới, dù làm chỉ được nửa tháng nhưng anh cảm thấy công việc nhẹ nhàng, phù hợp với mình, hơn nữa thu nhập ổn định”. Ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, việc khai thác nhựa thông đã góp phần đảm bảo hạn chế tệ nạn hút chích ma túy khu vực các đồi thông thường xảy ra thời gian trước đây. Khai thác nhựa thông là một nghề mới nếu tổ chức chặt chẽ sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần lưu ý chức năng phòng hộ của rừng thông để việc khai thác không làm biến mất các khu rừng như đã từng xảy ra ở nhiều nơi (được biết, đơn vị khai thác có ý định xin chủ trương chặt bỏ các loại cây tạp và dọn thực bì để thuận lợi trong khai thác).

Tấn Đường - Báo Quảng Nam