Nghề sấy cau tươi
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm về xã Tiên Cảnh, Tiên Phước nhận thấy các lò sấy cau đang hoạt động cả ngày lẫn đêm. Toàn bộ cau tươi sau khi được sấy khô sẽ đóng vào những kiện hàng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bà Trần Thị Luân (thôn 4, xã Tiên Lãnh) - Giám đốc Hợp tác xã cau sấy Tiên Phước cho biết, gia đình bà có 2 cơ sở sấy cau ở xã Tiên Lãnh và Tiên Cảnh hoạt động từ năm 2015 đến nay. Hợp tác xã tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi ngày cơ sở của bà Luân sấy khoảng 20 tấn cau tươi; khoảng 4kg cau tươi sấy cho ra 1kg cau khô. Trước khi đưa cau tươi vào sấy cần phải trải qua công đoạn luộc cau trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó vớt cau ra để ráo và sấy trong 4 - 5 ngày. Nghề sấy cau tươi bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến hết tháng Chạp hằng năm.
“Để sản phẩm cau khô đạt chất lượng, tôi chú trọng khâu chọn quả tươi ngay từ đầu, phải đúng tiêu chuẩn 45 - 55 quả/kg, quả cau đều và không sứt cùi. Khi luộc phải kỹ vừa đủ độ chín, khi đưa cau vào lò sấy phải thường xuyên kiểm tra, trở đều tay để quả cau được khô đều” - bà Luân chia sẻ.
Hơn 15 năm làm nghề sấy cau, ông Huỳnh Đức Hùng (xã Tiên Cẩm) cho hay: “Làm nghề sấy cau nhìn thì dễ nhưng cũng cần phải có kinh nghiệm như đun củi, canh cau chín và vớt ra đúng lúc. Cũng nhờ nghề này mà tôi có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống cho gia đình” - ông Hùng nói.
Phước Hiếu - Báo Quảng Nam