Nghĩa hội và địa bàn đóng quân bất hủ ở Tiên Phước
Năm 1858, tiếng súng xâm lược Việt Nam của đế quốc Pháp nổ tấn công Đà Nẵng thì một số người ở Tiên Phước ( huyện Hà Đông cũ) đã hăng hái theo cựu đề đốc Phạm Gia Vĩnh, nguyên là đề đốc đệ nhị viện trưởng huyện Hà Đông kéo ra Đà Nẵng tham gia đánh Pháp.
Đầu năm 1866, các ông Võ Truật ở Đồng Tre-Tiên Thọ, Trần Hoành ở Bình An-Tiên Kỳ, Lê Liễn ở Thạnh Bình-Tiên Cảnh, Đỗ Liễu ở Tiên Giang-Tiên Lộc, Dương Bộc ở Địch Yên-Tiên Phong, Phạm Hữu Minh ở Cẩm Y – Tiên Cẩm, Hồ Nghiễm ở Thanh Bôi-Tiên Châu…đã có mặt trong quân đội triều đình chống giặc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng.
Ngày 32-5 năm Ất Dậu ( 5-7-1885) xảy ra vụ biến của phe chủ chiến tại kinh thành Huế. Kế hoạch không thành, Tôn Thất Thuyết phải hộ giá vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi “ kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng trừ gian hiểm” để “chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu hồi bờ cõi”. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tại Quảng Nam cựu tiểu phủ sứ sơn phòng Phương Xá là Trần Văn Dư đã ra thống đạt “ thống thiết kêu gọi các bậc lương đống cựu thần, các giới sĩ, nông, công, thương tùy sức, tùy tài khởi binh kháng địch, tôn phò quốc tộ, giành lại giang sơn gấm vóc”.
Tại Quảng Nam, sơn phòng Dương Yên đã được phe chủ chiến xem như là một trung tâm chỉ huy thứ hai ( sau Tân Sở ) cho các tỉnh phía nam kinh đô Huế nên đã cho tu sửa để chứa muối gạo. Đồng thời còn đưa vào vàng bạc, mỗi hòm 100 thỏi để sử dụng khi cần.
Nhân dân Quảng Nam nói chung và nhân dân huyện Hà Đông nói riêng đã tích cực hưởng ứng lời hiệu triệu của Trần Văn Dư. Sau khi Trần Văn Dư bị giặc giết, Nguyễn Duy Hiệu tiếp tục lãnh đạo nghĩa hội chống Pháp. Tháng 1 năm 1886, ông dời đại bản doanh đến làng Thanh Lâm ( nay là thôn 10 Tiên Thọ) với ý định xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến lâu dài. Khu vực này về sau gọi là Nà Lầu, tức là Nà ông Hường Hiệu làm nơi dựng lầu làm trụ sở chỉ huy.
Gò Lon, Gò Chay của xã Đức Tân ( nay thuộc Tiên Thọ) được Nguyễn Duy Hiệu sử dụng làm pháp trường trừng trị bọn do thám, trộm cướp. Nhân dân ở đây hưởng ứng hịch của Nguyễn Duy Hiệu đã thực hiện vườn không nhà trống. Nam giới tham gia vào các đội hương dũng quân, đoàn kết quân để chống Pháp. Cao điểm Dương Đế nằm giáp giới giữa xã Tiên Phong và xã Tam Phước ( Tam Kỳ) án ngữ mặt trận đông bắc huyện Hà Đông, có 200 nghĩa quân dưới quyền Phan Văn Bình, về sau do Nguyễn Hàm chỉ huy với chức Tán lý cần vương. Cao điểm Dốc Miếu nay thuộc đất Tiên Thọ là nơi đóng đồn của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu do Hồ Đức Duật chỉ huy án ngữ mặt trận đông nam và là hậu cứ đại bản doanh Nà Lầu. Tại cao điểm bàu Ông Trấn (nay thuộc Tiên Lộc) có đồn lũy do 150 nghĩa quân trấn giữ, dưới quyền chỉ huy của tán lý Lê Vĩnh Huy.
Ngày 29-01-1886, tại khu vực Suối Đá hiện nay khi quân địch lọt vào trận địa đã bố trí sẵn, nghĩa quân bẫy đá từ trên cao lăn xuống và nả súng tới tấp, rồi xông ra dùng giáo mác đánh giáp lá cà, tiêu diệt 150 tên địch và làm bị thương nhiều tên khác. Bị tổn thất nặng, chúng phải chạy rút về Tam Kỳ. Địa danh Suối Đá bắt đầu từ đấy.
Nhân dân Tiên Phước, trong đó có tán lý Lê Vĩnh Huy đã tham gia tích cực dưới cờ Cần Vương của Nguyễn Duy Hiệu tại Nà Lầu, Dốc Miếu, Suối Đá. Những địa danh đó mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, chống Pháp xâm lược của nhân dân trong huyện.