Ngày gia đình Việt Nam 28.6: Bữa cơm yêu thương
Chị Tôn Gia Linh (cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ, quê Tiên Phước), những ngày học xa nhà, cứ đến những ngày gần Tết Nguyên đán lại nôn nao, trông ngóng, thèm được về nhà ăn bữa cơm mẹ nấu. Những dòng chia sẻ của Linh về món canh chua cá đồng, xơ mít kho cá chuồn, mắm ruốc… trên facebook luôn làm ứa lệ những người thân quen, bạn bè.
Gia Linh tâm sự rằng, thỉnh thoảng nhớ nhà là nhớ đến bữa cơm mẹ nấu, lại ra chợ Việt về tự nấu đãi bạn bè cho đỡ nhớ nhưng không thể nào tìm ra không khí, hương vị trọn vẹn như ở nhà. Thế nên, sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, về TP.Hồ Chí Minh làm việc, cứ tranh thủ dịp nghỉ lễ, Gia Linh lại đặt vé máy bay về quê nhà ăn cơm với ba mẹ.
Bà Hoàng Mai (mẹ của Gia Linh) còn nói, mỗi lần con về, dù nhà buôn bán có bận cỡ nào cũng cố thu xếp để cả nhà quây quần ăn cơm cùng nhau. Bởi được ăn cơm cùng nhau, những buồn bực, mệt mỏi trong kinh doanh tan biến hết.
Gia đình doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa cố gắng sum họp đại gia đình vào dịp cuối tuần để chia sẻ yêu thương. |
Tương tự, các thành viên trong gia đình ông Tôn Thạnh Nghĩa (doanh nhân Tiên Phước - Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh) cũng rất eo hẹp về thời gian do nhịp sống hối hả của thành phố phương Nam. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn cố duy trì bữa cơm gia đình vào mỗi cuối tuần để chia sẻ niềm vui, những câu chuyện buồn, khó khăn và cùng nhau tìm cách giải quyết. Mỗi lần ông đón mẹ từ Quảng Nam vào, đại gia đình mấy chục người lại họp mặt, ăn tối. “Chỉ có bữa cơm, quanh bàn ăn, những câu chuyện ngày xưa mới được chia sẻ rộng rãi và tạo ra sự hưởng ứng, yêu thích của các thành viên gia đình từ nhỏ đến lớn. Không biết các gia đình khác như thế nào, gia đình tôi từ ba thế hệ nay, các thành viên trong gia đình lại quyên tiền bạc để mua quà cho những người khó khăn ở Tiên Phước vào dịp cuối năm. Tinh thần đùm bọc, yêu thương, chia sẻ khó khăn với những người bất hạnh hơn thường được ba mẹ tôi chuyển tải đến các thành viên trong bữa cơm của đại gia đình”.
Nhờ vậy, con cháu nhà họ Tôn ở Tiên Phước đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Singapore, Úc… cứ đến cuối năm lại góp tiền để giúp đỡ người nghèo. Quà thường là 10 ký gạo, dầu ăn, bột ngọt… “để người nghèo cũng có được bữa cơm ấm cúng ngày đầu năm như gia đình chúng tôi”- ông Tôn Thạnh Hiệp, thành viên gia đình chia sẻ.
Xây tổ ấm
Không phải không có lý do khi nhiều người nói vui rằng, chất kết dính tình yêu, việc xây tổ ấm nằm ở “con đường thực quản”. Ngày nay, nhịp sống hiện đại, cuộc mưu sinh đã buộc nhiều người phải “cơm hàng cháo chợ” nhiều hơn. Nhưng, một bữa cơm gia đình trọn vẹn trong ngày vẫn duy trì. “Buổi trưa các con ăn tại trường, vợ chồng ăn tại cơ quan, công ty. Đến chiều tối, dù bận cỡ nào tôi cũng thu xếp nấu cơm để ba mẹ, con cái cùng ăn cơm” - chị Nguyễn Thị Phương Thảo, nhân viên VP Bank chia sẻ.
Theo chị Thảo, những thói quen tưởng chừng đơn giản nhưng ảnh hưởng đến văn hóa của con cái sau này sẽ được ba mẹ, ông bà uốn nắn kịp thời khi cùng ăn cơm chung. “Mẹ tôi ngay từ nhỏ khi ngồi vào ăn cơm đã rèn các cháu, lúc ăn không được để phát ra tiếng quá to, không được để cơm dính đầy chén mà phải ăn sạch trước khi rời bàn, ngồi vào ăn là phải mời người lớn trước rồi mới được cầm đũa… Nhờ vậy, mỗi khi ra ngoài ăn, tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin, không sợ người khác đánh giá là mất lịch sự trong từng cử chỉ nhỏ”- chị Nguyễn Thị Hoàng Nhi, nhân viên Công ty xi măng Đỉnh Cao Top Cement, chia sẻ.
Có lẽ vì quá nhiều giá trị văn hóa tinh thần chứa đựng trong bữa cơm gia đình nên năm nay, Bộ VH-TT&DL quyết định chọn “Bữa cơm gia đình” là chủ đề cho ngày Gia đình Việt Nam 28.6 với mong muốn nhắc nhớ người Việt nên trân trọng hơn những giây phút sum họp của gia đình. “Đồng thời thông qua bữa cơm để nêu cao các giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, ba mẹ, con cháu, vợ chồng… Bởi, người Việt xưa nay vẫn coi bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền - nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống. Bữa cơm cũng là nơi các thành viên thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm”- ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ.
Còn theo ông Lê Bá Vương - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, chính vì ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình nên năm nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các trung tâm văn hóa huyện, thành phố, tùy theo đặc thù địa phương để có kế hoạch tổ chức ngày Gia đình Việt Nam phù hợp. Theo báo cáo từ cơ sở, nhân ngày này, các xã, phường cũng tổ chức các buổi tọa đàm về tầm quan trọng của gia đình hay phòng chống bạo lực gia đình… Ngoài ra, một số huyện, thành phố như Hội An tổ chức tuyên dương các gia đình văn hóa, hiếu học, qua đó nhân rộng các gương điển hình, mô hình hay.