www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngày đầu đi dạy

(Viết nhân Kỷ niệm 40 năm ngày học sinh lớp 12 C, lớp chủ nhiệm đầu tiên- Niên khoá 1982-1985 ra trường)

Tháng 6 năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh khoa Vật lý, tôi được chọn học Lớp Sĩ quan dự bị, trải qua 3 tháng huấn luyện giữa gió Lào bỏng cháy chúng tôi cũng hoàn thành xong khoá học với cấp hàm thiếu uý.
Các bạn học cùng khoá được nghỉ hè một tháng sau đó lên đường vào Nam nhận công tác để chuẩn bị cho khai giảng vào đầu tháng 9, còn chúng tôi mãi đến tháng 10 mới vào. Thời đó giáo viên ở Miền Nam rất thiếu, chúng tôi được phân phối đi các nơi (như đi bộ đội vậy) và không được từ chối. Các bạn tôi có người vào tận Minh Hải, Cà Mau, Tây Ninh, Sông Bé …, tôi được ưu tiên Sĩ quan dự bị nên được điều vào Quảng Nam-Đà Nẵng là gần nhất.
Ngày lên đường, bà con lối xóm đến đưa tiễn và tặng quà chúc thượng lộ bình an. Tôi tạm biệt quê hương với hành trang là một chiếc rương gỗ nhỏ với vài ba bộ quần áo ống loe thời sinh viên và và hơn chục đồng cha dành dụm đưa cho.
Từ nhà ra ga Vinh, tôi cuốc bộ hơn chục cây số dọc theo đường tàu (con đường tôi thường đi từ Trường Đại học Sư phạm Vinh về nhà mỗi cuối tuần ) với lòng đầy háo hức và nghêu ngao mấy câu Tống biệt hành của Thâm Tâm. Từ nay tôi không phải ăn sắn khoai thay cơm như khi còn học Đại học vì được vào miền đất hứa Phương Nam.
Tôi lên tàu (vé nhờ chị con Cậu ruột mua từ trước vì rất khó mua) Thống Nhất để vào Nam, còi tàu hú dài, con tàu từ từ lăn bánh như con trăn dài lắc lư thân mình trườn đi, tôi thực sự xa quê với buồn vui lẫn lộn, và thầm hẹn với lòng một mai sẽ trở về.
Gọi là tàu nhanh (để phân biệt với tàu chợ) chứ thực ra nó chạy cũng chậm lắm và ga nào cũng đỗ để nhận trả hàng và người. Lần đầu đi tàu vào Nam nên tôi rất háo hức, luôn nhìn ra cửa sổ để ngắm cảnh vật xung quanh. Cảnh vật cứ vun vút lao qua, từ cánh đồng lúa xanh mướt Hưng Yên- Nghệ An, đến đồi cọ như những cái ô Đức Sơn - Hà Tĩnh và vào vùng núi đá vôi nhấp nhô Quảng Bình, con tàu cứ thế bò đi. Mãi đến gần chiều tối tàu mới qua hết Quảng Bình vượt qua Giới tuyến 17 phân chia Nam-Bắc để vào Quảng Trị, tàu chầm chậm đi qua Ái Tử Bắc bên bờ nam Sông Thạch Hãn (nơi biết bao người con ưu tú nằm lại dưới đáy sông), nhìn ra ngoài một vùng đồi núi cháy đen với những hàng rào dây thép gai và đạn pháo ngổn ngang, chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu,
Dây thép gai đâm nát trời chiều “.
Ôi chiến tranh những vết thương tâm hồn nhức nhối mãi không nguôi, lòng thù hận có nhạt phai theo năm tháng!
Con tàu tiếp tục cuộc hành trình của nó tới ga Đông Hà- Quảng Trị, dấu vết đạn bom cũng thưa dần bởi vì trời đã tối nên không nhìn thấy gì. Tàu tới ga Huế khoảng hơn 10 giờ đêm (nơi mà sau này tôi tìm thấy nữa kia của mình), bên tai những tiếng nhỏ nhẹ chào mời (ngày đó những người bán hàng rong được phép lên tàu để bán hàng): Mè xửng đây em, Bánh lọc nhân tôm nóng hổi ngon lắm nè (tôi nghe là lạ vì quê tôi không có) nhưng tôi không dám thử vì có rất ít tiền!
Đến khoảng nửa đêm tàu đến ga Lăng Cô, tàu dừng lại để mắc thêm đầu máy. Một trước, một sau vừa kéo vừa đẩy con tàu ì ạch bò qua đèo Hải Vân xứng danh Đệ nhất hùng quan. Mãi đến một hai giờ sáng hôm sau, tàu mới tới ga Liên Chiểu - Hoà Khánh, tàu dừng lại tháo đầu máy đẩy ra, nó hết nhiệm vụ.
Tôi xuống tàu đi tìm người quen (là chị Cần cùng làng làm ở ga Liên Chiểu) tại khu tập thể nhà ga. Đang đi trên Quốc lộ 1 thì bị một nhóm người mang súng ( không phải súng AK hay CKC, sau này tôi mới biết là AR 15) hô đứng lại và yêu cầu xuất trình giấy tờ ( thời đó họ đi vượt biên bằng đường biển rất nhiều), tôi dừng lại và nói rằng tôi đi nhận công tác tại Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng, nghe giọng Nghệ trọ trẹ của tôi và biết tôi là sinh viên mới ra trường đi nhận nhiệm vụ dạy học nên họ chỉ đường khu tập thể nhà ga cho tôi, thật hú vía !
Tôi tìm được nhà người quen và trằn trọc mãi không ngủ (phần lạ nhà, phần háo hức) chờ trời sáng. Sáng hôm sau, tôi bắt xe đò (chiếc xe Rờ-nôn màu đỏ thân thuộc sau này) vào thành phố Đà Nẵng (khoảng 15 cây số) tới số 11 đường Lê Thánh Tông, trụ sở của Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng để nhận nhiệm vụ (không phải nộp hồ sơ, vì hồ sơ đã được Trường Đại học Vinh niêm phong gửi vào trước đó), tôi được Ty Giáo dục phân phối về Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng và được Cô Hoan (Trưởng phòng tổ chức Ty Giáo dục) giới thiệu về trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng đóng ở Thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước và nói có điện thắp sáng. Lòng cảm thấy hụt hẫng vì khi đi xe đò từ ga Liên Chiểu -Hoà Khánh vào trung tâm thành phố, khi đi qua khu vực Tượng đài Mẹ Nhu tôi thấy bên phải có trường Huỳnh Thúc Kháng, sau này tôi mới biết đó là trường Cấp 2.
Nghỉ một ngày ở cư xá Trường Quản lý cán bộ (sau trường Cấp 3 Phan Châu Trinh -Đà Nẵng), sáng sớm hôm sau tôi ra bến xe Chợ Cồn hỏi đường về huyện Tiên Phước và họ chỉ cho tôi xe về Tiên Phước. Sau khi vượt qua quãng đường khá xa, xe bắt đầu chuyển hướng về phía Tây và đi theo con đường lát đá ngoằn ngoèo đến địa phận dốc Suối Đá, chúng tôi phải xuống xe đi bộ để một mình xe leo lên dốc vì xe yếu và chở hàng quá nặng. Hai bên đường lau lách um tùm, thỉnh thoảng mới có một vài ngôi nhà tranh vách đất nằm chênh vênh bên vách núi, trước nhà có những cây to dây leo quấn đầy như dây trầu, sau này tôi mới biết đó là dây tiêu (đặc sản nổi tiếng ở Xứ Tiên với vị cay nồng khó tả). Đến chiều xe mới tới Thị trấn Tiên Kỳ, xuống xe tôi hỏi đường đến Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, họ chỉ cho tôi đường vào trường. Tôi xách theo cái rương gỗ đi theo con đường đất từ cổng chào (chỗ Ngân hàng Nông nghiệp bây giờ) để đi vào trường, lúc đó trường chưa có cổng trường như bây giờ, cổng trường là một cái trụ bê tông cao khoảng hơn một mét, bên trên nhô lên một cọc sắt ấp chiến lược (loại cọc này rất phổ biến hồi đó, người dân dùng loại cọc này để làm khung trát phên đất khi làm nhà tranh).
Trường Cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng thành lập vào năm 1977, lúc đầu đóng ở Đồi C 2, gần cầu Cây Gáo, sau đó được chuyển về vị trí hiện nay, trường tiếp nhận cơ sở của trường Cấp 2, có hai dãy phòng học xếp theo hình chữ L, mỗi dãy có bốn phòng ngói cấp bốn, trong đó có hai phòng học làm nơi ở cho giáo viên. Trường có một Văn phòng phía trước gần ruộng lúa của xã Tiên Mỹ và một Thư viện, một nhà ăn lụp xụp. Hiệu trường nhà trường là Thầy Lương Việt Ân, người Thanh Hoá được biệt phái vào đây, gia đình Thầy ở cái nhà tranh vách đất ngay trong khuôn viên trường (chỗ Văn phòng trường bây giờ). Nhà Thầy có nuôi bò và heo, bò được chăn thả phía sau trường (chỗ sân bóng sau trường bây giờ), đôi lúc thầy-trò cùng học chung với bò. Ngày đó cuộc sống quá khó khăn phải chăn nuôi thêm để trang trải cuộc sống, không thể mài chữ ra để ăn được vì trò cũng khốn khó như thầy. Tôi nhớ câu chuyện về Thầy Văn Như Cương, giáo sư Toán của Trường Đại học Sư phạm Vinh, sau đó được chuyển ra Hà Nội, ở nhà lầu và nuôi heo. Có người hỏi Thầy: Thầy nuôi heo à? Thầy cười và trả lời: heo nuôi Văn Như Cương !
Tôi lửng thững đi vào trường và tới đứng trước Văn phòng, thấy tôi đến mọi người ùa ra (lúc đó đang Đại hội Đoàn trường) và biết ngay tôi là giáo viên mới (vì thời đó trường rất heo hút, có mấy ai đến làm việc với trường). Thầy Hiệu trưởng bố trí cho tôi ở với các thầy giáo cũ ( Thầy Toản, Thầy Châu, Thầy Hạng , sau đó có thêm Thầy Tuấn và Thầy Nam chuyển từ nhà tranh bị dột phía trên nhà Thầy Ân) trong cái phòng học thứ 2.
Hồi đó trường chỉ có 10 lớp ( 3 lớp 12, 4 lớp 11 và 3 lớp 10); tôi được phân công dạy 3 lớp, lớp 11A (có trò Bích Thủy, Phi Hùng, …), lớp 11 D ( có trò Xuân Thanh, Phượng -em Thầy Tiến dạy Sử, Nguyễn Vĩ,…) và lớp 10 C (có trò Bùi Xuân Tùng, Nguyễn Ngọc Mẫn, …). Hôm sau tôi lên lớp và bắt đầu làm quen với các trò. Sau khi giới thiệu vắn tắt về bản thân, tôi mạnh dạn đi về cuối lớp và hỏi một cậu học trò ( gọi là cậu cho oai, thực ra các trò hồi đó bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn tôi, lúc đó tôi 21 tuổi):
- Em tên gì?
Cậu ta luống cuống, rụt rè đứng dậy và ấp úng trả lời:
- Em tên Hồô.
Tôi hỏi lại:
- Em tên Hồ à!
Cậu ta đỏ mặt nói lại:
- Em tên Hồô!
Các trò xung quanh cười khúc khích (không dám cười to) và nói:
- Thưa Thầy : mười xu ạ!
Tôi mĩm cười, à ra thế, trò tên Hào! Mãi rất lâu sau này tôi mới “nghe “ được học trò trả lời và cũng như vậy, trò mới “hiểu “ lời tôi giảng.
Trong suốt thời gian giảng dạy trên lớp, tôi không dám nhìn xuống bên dưới vì dưới lớp có nhiều trò nam to lớn, râu ria xồm xoàm trông có vẻ rất bặm trợn (thực ra rất ngoan hiền) và các trò nữ rất xinh đẹp, thanh xuân hiển hiện sau làn áo mỏng (hồi đó chưa có áo dài, trò nữ chỉ mặc đồ bộ đi học) làm sao tôi không khỏi rung động khi ngắm nhìn.
Thanh xuân hiển hiện sau áo mỏng,
Đã ngó ngơ rồi vẫn xuyến xao!
Và rồi tiết dạy cũng qua đi , tôi qua cửa ải đầu tiên khi bước vào nghề.
Thấm thoắt đã 45 năm, những kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về, tươi rói như mới hôm qua, đúng là:
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Tiên Phước trở thành một phần máu thịt trong tôi, như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”.
Hương Trà, 10/07/2025
Thầy Giáo Nguyễn Quốc Thịnh - Nguyên Hiệu Phó Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng - Tiên Phước