Ngọc sông Tiên
Những ngày trở lại Quảng Nam, tôi mải miết đi tìm em. Hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, những con đường vẫn rợp bóng cây mát, ngàn ve vẫn cất tiếng hát nhịp nhàng cái hòa âm điền dã thân thuộc. Chỉ thiếu một mình em; thiếu vầng trán ngây thơ, đôi mắt đẹp, đôi môi hồng hàm tiếu…
Mồng 9 Tết, em chợt hiện ra giữa Tam Kỳ, cất tiếng gọi: “Sao Biển ơi, em về đây nè”. Đúng là em rồi, Sông Tiên thân yêu của tôi! Rất tự nhiên, em ngồi xuống cạnh tôi, nắm lấy tay tôi. Chúng ta đan những ngón tay vào nhau. Tay em lạnh. “Lâu quá rồi, sáu năm rồi đó, người xưa” - em thì thào. Chúng ta hôn nhau khi ngoài trời, bên kia cửa kiếng che bức màn xanh, có tiếng chim hót véo von. Trời vẫn còn lạnh nhưng mùa xuân đang đến, lòng đã ấm áp lên rồi. Mùa xuân đang đến với mỗi người trong hai ta vì hôm nay em đã về với tôi; tôi đã về với em, như trong một kịch bản hoàn chỉnh nhất của sự trùng phùng.
Vũ Đức Sao Biển đi tìm chất ngọc sông Tiên
Hồn ta đã thương yêu nhau từ ngàn năm trước, trong những tiền kiếp rất mù khơi. Chúng ta nhận ra nhau ngay trong giây phút gặp nhau ở Tam Kỳ cách đây sáu năm nhưng chưa ai nói với ai một lời thương yêu. Em gửi vào cho tôi những chiếc bánh ít nho nhỏ gói trong lá chuối do chính tay em làm ra từ hạt nếp, hạt đậu sông Tiên. Rồi em bỏ Tam Kỳ đi biệt. Những ngày trở lại Tam Kỳ, tôi mải miết đi tìm em. Hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, những con đường vẫn rợp bóng cây mát, ngàn ve vẫn cất tiếng hát nhịp nhàng cái hòa âm điền dã thân thuộc. Chỉ thiếu một mình em; thiếu vầng trán ngây thơ, đôi mắt đẹp, đôi môi hồng hàm tiếu và chất giọng Tiên Phước dễ thương khi phát âm các chữ quá rồi của em. “Lâu quá rồi, Sao Biển. Có đi mô thì cũng nhớ về Quảng Nam, về Tam Kỳ gọi em, em xuống núi”. “Ừ. Chúng ta đã qua hết một ngàn năm xa cách. Hôm nay, xác của ta mới về bên nhau. Em nhìn đi, tóc tôi bạc nhiều rồi đấy”. “Nhưng tâm hồn vẫn rất trẻ trung, lo gì. Em không quan tâm tuổi tác”.
Tôi gọi em là Sông Tiên. Tôi không muốn một ai trên đời này biết được em tên thật là gì, trừ hai ta. Hai chúng ta cùng tuổi Hợi, tôi Đinh Hợi 62 và em Quý Hợi 26. Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn - bà con Quảng Nam chúng ta thường nói vậy nhưng cuộc sống hai chúng ta vất vả xiết bao. Tôi chỉ hơn người ở cái nổi tiếng; em chỉ hơn người ở cái nhan sắc. Ở đuôi mắt trái của tôi có một chấm đen; ở đuôi mắt phải của em cũng có một chấm đen. Nam tả nữ hữu; nhân tướng học gọi đó là giọt lệ vĩnh viễn. Nghĩa là chúng ta hữu sở tư - luôn luôn có điều lo nghĩ. Nghĩa là lòng hai chúng ta chưa bao giờ có được sự bằng an dù đang sống giữa một cuộc sống rất bằng an.
Một ngàn năm chờ đợi, chúng ta chỉ có hơn một tiếng đồng hồ bên nhau. Vẻ thơ ngây không còn nhưng má em vẫn hồng, môi vẫn đẹp, đôi mày vẫn thanh tú. Tôi nhớ đến đôi mắt yêu kiều sáng lên khi nhận bó hoa hồng đầu tiên tôi trao tặng em sáu năm trước. Tôi nhớ, ngày trở lại Tam Kỳ không có em, tôi đã làm bài thơ Lục thập:
Lục thập ngao du khúc.
Bách giang độc mộc thuyền.
Lục huyền cầm vô tri âm thướng.
Xuân đáo, mai hoa lạc dạ tiền.
Đăng Tiên Sơn nhi xướng.
Bão Tiên Hà nhi miên.
Khả tích thanh xuân sơ kiến nhật.
Hàm tiếu hồng hoa ánh nhất thiên.
(Khúc rong chơi sáu mươi năm,
Con thuyền độc mộc qua trăm sông dài.
Guitare đàn đã vắng ai,
Xuân sang đêm trước hoa mai rụng rồi.
Lên non Tiên Phước mà ca hát,
Ôm sóng sông Tiên cứ ngủ vùi.
Tiếc quá, xuân xanh ngày mới gặp,
Hàm tiếu hoa em sáng một trời).
Ngày ấy nhớ em, tôi làm thơ chữ Hán. Ngày ấy nhớ em, tôi viết Tam Kỳ tươi đẹp, cung La thứ điệu Tango sang trọng. Đúng ra, tôi không làm thơ, không viết được nhạc; chính em hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ mới tạo ra được những giai điệu đó trong lòng tôi.
Nhắn ai lên đường về Tiên Phước.
Nhắn ai lên đường về Trà My.
Rằng tôi vẫn thương người bên ấy.
Khúc tình ca Tam Kỳ.
Báo Quảng Nam đã đăng ca khúc ấy. Và như một dự báo của định mệnh, em biết thế nào tôi cũng về Tam Kỳ; tôi biết thế nào em cũng xuống núi nên trở về ở đúng cái nơi mà em đã ra đi. Cuộc sống rộng lượng đã cho hai ta gặp nhau ngay trong căn phòng mà ngày xưa em đưa tôi lên và pha cho tôi ấm trà đầu tiên. Đúng là một kịch bản trùng phùng hoàn chỉnh nhất mà hai chúng ta có thể có được giữa đời này.
Bốn mươi bốn năm trước, tôi yêu một cô gái Quảng Nam ở hạ du sông Thu, học dưới tôi hai lớp. Tình yêu ấy thật nghèo nàn và lạc hậu, chỉ có một lần nắm tay, một lần hát cho nhau nghe, một lần nắm bàn chân bạn lên để nhổ cây gai tre ra khỏi giày sandale giúp bạn. Ấy vậy mà những xúc động trong sáng tuyệt vời đó đã cho tôi viết được hai chục ca khúc, trong đó có Thu, hát cho người được ghi nhận là bài tình ca kinh điển. Tôi xa người ấy, Thu, hát cho người đã được 41 tuổi.
Về lại phố ,tôi vẫn khát khao đi tìm lại hình bóng em Sông Tiên của tôi
Tôi vẫn khát khao đi tìm một bóng dáng Quảng Nam hồn nhiên, tươi đẹp, trong sáng. Và ở cuối đường đời, tôi đã gặp được em. Em Sông Tiên dịu dàng tươi thắm, yêu tôi bằng mối tình đầu, thổi vào lòng tôi niềm cảm hứng long lanh như chất ngọc của dòng nước sông Tiên. “Em đang hái rau dớn bên sông Tiên, không nhớ Sao Biển đâu. Ăn không, em gởi vào Sài Gòn một ít nhé?”. “Ừ gởi đi. Ăn món gì ta?”. “Rau dớn xào tỏi”. “Không nhớ thì nên gởi. Nhớ thì đừng gởi”. “Vậy em không gởi nữa”.
Tôi muốn bỏ tất cả, về sông Tiên để được ăn món rau dớn xào tỏi với em. Hôm ấy trước lúc chia tay, chúng ta ôm hôn nhau lần nữa. “Về lại Quảng Nam là nhớ gọi em nhé” - em thì thầm. “Không gọi em thì gọi ai”. “Biết mô đó, trời”. “Trở về, cõi lòng thản nhiên. Bài thơ tình viết trôi theo suối nguồn thần tiên. Trở về một cõi tiêu dao. Ngàn thu hẹn sẽ bên em suối hoa nguồn đào”- tôi đã viết như thế. Bây giờ thì tôi gọi em đây…
Sông Tiên thân yêu, tôi yêu em nồng nàn rực rỡ bởi chất ngọc của người phụ nữ Quảng Nam dịu dàng đôn hậu trong tâm hồn em. “Em mới về nhà, đi đường núi lạnh quá. Sao Biển ngủ đi nghe, đừng thức khuya lắm. Không nhớ đâu” - tin nhắn của em bay qua đồi núi, lan tỏa trên ngàn sóng sông Tiên, vượt ngàn trùng về bên gối của tôi đêm đêm. Tâm hồn Quảng Nam là như thế. Từ đây cho đến cuối đời, những gì tôi viết về miền Trung, về Quảng Nam đều long lanh chất ngọc của tình em thầm lặng.
Mộng kiến Tiên Hà như bích ngọc,
Kiều nhi trường phát ức Nam phương.
(Mơ nước sông Tiên màu ngọc biếc,
Bóng Kiều xõa tóc nhớ phương Nam).
Vũ Đức Sao Biển