www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nâng tầm sản phẩm tiêu Tiên Phước

Xưa nay tiêu Tiên Phước được xem là đặc sản của địa phương. Mới đây huyện Tiên Phước phối hợp với Sở KH-CN và Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước nhằm góp phần nâng cao vị thế sản phẩm này trên thị trường.

 

Trên địa bàn huyện Tiên Phước xuất hiện nhiều mô hình trồng tiêu quy mô lớn, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho làng quê vừa tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Ảnh: P.H
Trên địa bàn huyện Tiên Phước xuất hiện nhiều mô hình trồng tiêu quy mô lớn, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho làng quê vừa tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Ảnh: P.H 

Đặc sản địa phương 

Theo số liệu phân tích từ Trung tâm Giám định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa Đà Nẵng, hạt tiêu Tiên Phước có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt trên tiêu chuẩn Việt Nam như hàm lượng Piperin 4,03% so với tiêu chuẩn Việt Nam 4%.

Đặc biệt hàm lượng chất chiết ete không bay hơi là 9,78% - cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam là 6%. Đây là đặc điểm riêng có của hạt tiêu Tiên Phước mà không giống tiêu nào có được. Với chất lượng vượt trội đó, năm 2009 tiêu Tiên Phước đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. 

Năm 2015, hạt tiêu Tiên Phước đoạt giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam và năm 2018 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Nhờ đó sản phẩm này đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Cây tiêu luôn gắn bó với người nông dân Tiên Phước từ bao đời nay. Trải qua bao thăng trầm, những năm gần đây, nhờ những cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương, cùng với giá tiêu hạt luôn ở mức cao, người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng khôi phục, phát triển loại cây trồng này. 

Hiện toàn huyện có 324 mô hình trồng mới tiêu Tiên Phước với hơn 100 choái, trong đó có 4 mô hình 500 - 1.000 choái và 1 trang trại trồng tiêu quy mô 3ha. Đến năm 2021, diện tích cây tiêu toàn huyện đã tăng lên hơn 160ha, cho doanh thu hơn 40 tỷ đồng.

Ông Hồ Viết Ký – Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tiến - một trong những đơn vị chuyên kinh doanh mặt hàng tiêu Tiên Phước, cũng là đơn vị trồng loại cây đặc sản này với quy mô lớn, chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó khăn là khó phân biệt được tiêu Tiên Phước với các loại tiêu khác bằng mắt thường, vì vậy dễ nhầm lẫn trong kinh doanh, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như của loại đặc sản này”.

Vườn tiêu hơn 250 choái cho sản lượng hơn 150kg hạt tiêu khô mỗi năm của ông Nguyễn Đình Lăng - xã Tiên Hiệp (Tiên Phước).Ảnh: P.H
Vườn tiêu hơn 250 choái cho sản lượng hơn 150kg hạt tiêu khô mỗi năm của ông Nguyễn Đình Lăng - xã Tiên Hiệp (Tiên Phước).Ảnh: P.H 

Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “UBND huyện đã phối hợp với Sở KH-CN và Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) khởi động thực hiện nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước. Chương trình đã được Bộ KH-CN phê duyệt cho phép triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025. Viện Thổ nhưỡng nông hóa được giao là đơn vị chủ trì nhiệm vụ này”.

Nâng tầm giá trị sản phẩm 

Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết, theo kế hoạch, thời gian thực hiện việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước trong 30 tháng, từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024 với các hoạt động: Điều tra thu thập thông tin, khảo sát, đánh giá hiện trạng; xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tiên Phước” cho sản phẩm tiêu địa phương; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu vùng trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiêu Tiên Phước mang chỉ dẫn địa lý.

“Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, quy trình sản xuất dẫn đến chất lượng vượt trội của sản phẩm, nhằm bảo vệ danh tiếng, góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tiêu và kinh doanh tiêu trên địa bàn” – ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Anh cho biết: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng vì khi được cấp mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần gìn giữ và phát triển giá trị truyền thống của địa phương, tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu tiêu Tiên Phước một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Đồng thời góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người trồng tiêu nói riêng, người dân nói chung, thúc đẩy tính đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế tập thể bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện Tiên Phước nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung”.

Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam