www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Năm Dần nghe kể chuyện săn hổ

Trong chuyến công tác tại xã Tiên Cảnh (H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi có dịp nghe những người lớn tuổi kể về những “tích hổ” thời xưa. Trong những người cao niên này, có ông Đoàn Hứa. Ông Hứa năm nay đã bước qua tuổi 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông từng cùng với dân làng tham gia vây bắt được 4 con hổ, và một trong những con hổ này cũng từng giết chết người trong làng.

 

Một góc làng quê Tiên Cảnh trước nhà ông Đoàn Hứa hiện nay.

Những lần vây bắt cọp

Ngồi trong căn nhà ba gian hai chái làm bằng gỗ mít cách đây gần trăm năm, ông Hứa chậm rãi kể về những lần theo cha, anh trong gia đình vây bắt hổ, mà theo ông đó là những “hội làng”. “Thời buổi đó tôi mới tầm 15 tuổi, là trai út trong nhà có 5 người con trai. Thấy cha và các anh cùng thanh niên trong làng đi vây bắt hổ nên tôi cũng đi theo. Trong những lần vây bắt đó tôi nhớ nhất là lần ở núi Đá Chửi. Đá Chửi là ngọn núi có những tảng đá to mà khi đến đó, mình nói lớn tiếng thì nó vọng lại âm thanh giống như chửi lại mình”, ông Hứa giải thích.

Cũng như những lần vây bắt hổ khác nhằm trừ hại cho dân làng, lần đó sau khi vồ bắt được một người đàn ông, con cọp lớn tha nạn nhân vô khu vực Đá Chửi. “Nạn nhân là người đàn ông ở trên xã Tiên Lãnh, thường xuyên bị cọp rình mò nên đã chuyển xuống Tiên Cảnh ở. Thế nhưng khi xuống đây hổ vẫn không tha. Vào một buổi chiều muộn, khi đang phía sau vườn thì ông này bị hổ tấn công, tha vào phía núi. Trên đường tha đi, khi ngang qua một cái chạc cây, chân người này bị vướng chặt vào đó, không thể tha tiếp được nên con hổ nó cắn đứt ngang đoạn chân, rồi tiếp tục tha nạn nhân vào rừng. Sáng hôm sau, dân làng theo vết máu để tìm. Trên đường tìm thì phát hiện một đoạn chân. Tiếp đến người dân phát hiện thi thể của ông này nằm bên cánh rừng già, phần đùi đã bị hổ ăn. Sau đó nạn nhân được đưa về mai táng. Những thanh niên còn lại xác định được khu rừng hổ đang ẩn náu nên tiến hành vây bắt…”, ông Hứa nhớ lại.

Cha con ông Đoàn Hứa với tấm lưới vây bắt cọp còn cất giữ.

Hớp ngụm nước chè xanh đang bốc khói, ông Hứa cho hay, quá trình vây bắt hổ không đơn giản, tốn nhiều thời gian và công sức. Rồi ông tiếp tục kể: “Để bắt được hổ giữa núi rừng, đầu tiên chúng tôi phải phát quang cây cối xung quanh. Sau đó hàng trăm thanh niên trai tráng bắt đầu kéo lưới. Những tấm lưới được bện bằng dây gai rắn chắc. Mỗi người phụ trách khoảng 2 mét lưới chiều ngang rồi bắt đầu dồn lần lưới vào bên trong. Lúc này những đàn chó săn cũng được huy động tứ phía để nó sủa uy hiếp con hổ. Vòng vây cứ thế bắt đầu khép chặt dần với tiếng chiêng trống rộn ràng, tiếng người hò reo, tiếng chó sủa dồn dập... Phải đến ngày thứ 5, khi vòng vây chỉ Tcách nhau vài chục mét, lúc này mọi người cứ nghĩ hổ đã cao chạy xa bay. Thế nhưng cách chỗ tôi đứng khoảng 5 mét, con chim bồ chao bất ngờ kêu tiếng rồi bay vút lên. Linh tính con hổ đang ở gần đó nên tôi quan sát. Bất ngờ thấy một phần hình dáng nó lộ ra dưới lớp lá cây rừng, tôi vội gọi cha và mọi người chạy đến. Lúc này mọi người bố trí dây thòng lọng vào bên trong rồi tiếp tục hò reo uy hiếp. Vừa thấy người, vừa thấy chó sủa dữ dội nên con hổ to cao như con ngựa vội lao ra khỏi nơi ẩn núp để chạy vào rừng. Tuy nhiên khi nó chạy ra thì dính vào dây thòng lọng đã được giăng sẵn. Liền lúc đó mọi người lao đến dùng giáo, mác đâm hạ gục con mãnh thú”.

Ông Đoàn Hứa với cây mác trên tay kể cho phóng viên nghe về một thời săn bắt cọp khi xưa.

Trừ hại cho dân làng

Để minh chứng về những trận vây bắt cọp khi xưa, ông Đoàn Hứa bảo con trai là Đoàn Văn Hoàng (64 tuổi) vào trong lấy những vật dụng săn bắt cọp trước đây. Tấm lưới làm bằng dây gai với chiều ngang chục mét, được ông Hoàng cất kỹ trong ba-lô; cạnh đó cây mác với lưỡi dài làm bằng loại thép đặc biệt vẫn còn sắc bén theo thời gian. Đây là những vật kỷ niệm mà 3 thế hệ gia đình ông Đoàn Hứa lưu giữ hơn trăm năm qua.

Trong 4 lần chứng kiến cảnh 4 con hổ bị bắt, ông Hứa cho hay những con hổ này đều rất to, đến 4 người khiêng mới nổi. “Ấn tượng thứ hai đó là lần vây bắt con hổ đã tha mất con bò cái đang có chửa của gia đình ông Ngô ở làng bên. Thời điểm đó nhà ông Ngô có đến 30 con trâu, hàng chục con bò. Đánh hơi thấy mùi gia súc nên đêm đêm hổ cứ lởn vởn quanh chuồng. Dù được nhốt trong chuồng, nhưng thỉnh thoảng nhiều con trâu của ông Ngô cũng bị cọp vồ bị thương. Chiều tối hôm đó, khi đàn trâu bò trở về chuồng thì con hổ lớn xuất hiện, nó vồ bắt được con bò cái đang có chửa tha vào rừng. Khi đã vào rừng sâu, nó moi ruột ăn bộ lòng và con nghé trong bụng con bò. Sáng hôm sau dân làng huy động trai tráng vào rừng tìm kiếm. Khi đến nơi thì thấy xác con bò không còn nguyên vẹn. Để đưa xác con bò ra khỏi rừng, 6 thanh niên khiêng mới nổi… Sau đó, xác định được nơi ẩn trú của con hổ, mọi người được huy động tiến hành vây bắt. Qua 3 ngày đêm thì dân làng phát hiện và giết được con hổ này”, ông Hứa kể lại.



Cọp được người dân thời xưa săn bắt được.  Ảnh: TƯ LIỆU

Đặc biệt, ông Hứa và mọi người cũng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cha của ông Hứa là cụ Đoàn Muộn, một mình bắt được một con hổ to ở núi Đá Vách. Chuyện là thời điểm đó nhà ông Hứa nuôi đàn chó để giữ nhà, bảo vệ gia súc, gia cầm. Đánh hơi được, hổ nhiều lần mò đến bắt chó ăn thịt, nhiều lần thành quen nên cứ ra quấy phá đàn chó. Để trừ hại, cụ ông Đoàn Muộn nghĩ ra cách làm một nhà chòi giống như cái bẫy lồng. Đêm đến ông cụ bắt một con chó treo bẫy để dụ hổ vào. Sau nhiều đêm canh bẫy, cuối cùng con hổ cũng chui vào bắt chó. Ngay lập tức ông cụ giật dây cho cửa chòi sập xuống, nhốt hổ bên trong. Qua 3 ngày bị bỏ đói, khát trong chòi bẫy, con hổ đuối sức nằm lả ra. Lúc này ông Muộn cùng với dân làng dùng giáo mác hạ gục con hổ...

Theo ông Hứa, ngày nay hổ ở Tiên Phước không còn thấy dạng, hơn nữa đã được bảo vệ, nên những vật dụng săn bắt hổ ngày xưa ông lưu lại để kỷ niệm một thời. Nhưng chuyện bắt hổ thì mãi vẫn là “tích” mà mọi người truyền tụng. Trong câu chuyện bắt hổ ông Hứa cũng kể rằng mỗi lần bắt được thì quan huyện sai người lên đưa về mổ thịt, sau đó gửi về cho quan xã và trưởng thôn mỗi người một ít. Từ đây xã, thôn chia lại cho những trưởng nhóm trong làng. Cũng từ đó dân làng có bài vè lưu truyền đến ngày nay”:“Hôm xưa Đá Chửi hội vui vầy/Hai mấy xã thôn kéo tới vây/Trống mõ đôi hồi vang dưới đất/Hội hè bốn phía dội trên mây/Non xanh ỏa ỏa anh hùng đó/Nước biết ờ ờ thục nữ đây/Mệt nhọc xã dân mong thịt cọp/Ai ngờ quan huyện lấy toàn thây…”.

Trần Tân - Báo CA Đà Nẵng