www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mùa tháo đập bắt cá quê tôi

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, người dân quê tôi lại được thỏa sức đắm mình trong một không gian thật ấm áp tình quê - mùa tháo đập bắt cá. 

   Xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) không có sông mà chỉ có suối. Một con suối lớn bắt nguồn từ thôn Cẩm Đông chảy dọc theo chiều dài của xã, kết thúc ở thôn Cẩm Phô, sau đó đi vào địa phận xã Tiên Hà trước khi hòa mình vào dòng sông Tiên thơ mộng. Ngoài con suối chính, hệ thống các con suối nhánh cũng khá nhiều. Do nhu cầu lấy nước để tưới tiêu cho các đồng ruộng nên từ lâu người dân nơi đây đã xây dựng các con đập chặn dòng các con suối này. Trên địa bàn xã có tổng cộng hơn mười con đập lớn nhỏ.

     Trước kia, người dân đắp đập bằng đất, đá và cây lòng bong (một loại cây dại mọc ở các bìa rừng), gọi là đập bổi. Hiện nay, hầu hết các con đập đã được bê tông hóa, đem lại hiệu quả tưới tiêu cao hơn. Tuy các con đập ở đây không lớn lắm nhưng nó đem lại sự độc đáo “có một không hai” bởi nguồn cá tự nhiên rất dồi dào. Có được điều này là do điều kiện tự nhiên đem lại, bên cạnh đó cũng phải ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn đánh bắt cá bằng xung điện.

 

 

     Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 Âm lịch là lúc các ruộng lúa đã bắt đầu thu hoạch, không cần nước nữa, đồng thời để bảo vệ các con đập khỏi bị nước lũ phá hỏng trong mùa mưa sắp tới, đây là thời điểm người ta bắt đầu tháo đập và ... mùa tháo đập bắt cá đã đến.

     Thường thì người ta tháo đập vào ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần để mọi người có thể tham gia. Những người làm công việc đồng áng thì dù có bề bộn công việc đến đâu cũng tạm gác lại để tham gia đi bắt cá. Những người về quê nghỉ lễ nhân dịp này cũng hồ hởi tham gia, nếu không xem như phí một cơ hội trải nghiệm.

       Con đập lớn có chiều rộng khoảng vài chục mét, dài khoảng một cây số. Nơi các loại cá tập trung sinh sống nhiều nhất là vùng nước sâu gần mặt đập. Chủ điền là người người chịu trách nhiệm trông coi và điều tiết lượng nước cho hợp lý ở mỗi con đập. Chủ điền quyết định thời gian tháo đập. Mọi người tự thông báo cho nhau về thời gian tháo đập.

 

 

      Từ 5 giờ sáng, không khí đã bắt đầu nhộn nhịp. Dòng người ngày càng đông dần. Người dân ở các xã lân cận như Tiên Sơn, Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Kỳ cũng đến để tham gia “hội cá”. Người đi đông như đi xem hội. Già, trẻ, gái, trai, đủ các thành phần, tất cả như hòa thành một, đều ướt như nhau, đều lấm như nhau. Người bắt cá chuyên nghiệp thì chuẩn bị dụng cụ chuyên dụng như chài, lưới, nhứ, chạp... người không chuyên thì đem theo bất cứ thứ gì có thể như bao, rổ... thậm chí đi tay không để reo hò, cổ vũ. Đem theo thứ gì, bắt được nhiều hay ít không quan trọng, điều quan trọng là mọi người cảm thấy vui, hào hứng, cũng là dịp để xua đi những căng thẳng, mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả.

         Hết con đập này mọi người lại thông báo cho nhau về lịch tháo con đập kia. Cứ thế, trong khoảng thời gian mười ngày đến nửa tháng, mọi người lần lượt đi qua tất cả các con đập, từ đập Chảo, đập Chào đến đập Ông Vũ, đập Ngã Hai... Năm nay, mọi người đều vui vì hầu như đập nào cũng nhiều cá, cá to và thơm ngon. Cá suối có hương vị đặc trưng mà cá sông, cá biển không có được. Chủng loại cá suối ở Tiên Cẩm khá phong phú, số lượng nhiều và chất lượng thơm ngon nhất phải kể đến các loại cá gáy, cá diếc, cá tràu, cá chình... 

 

 

     Sau một buổi dầm mình dưới nước là lúc mọi người ngồi lại nhâm nhi vài ly rượu gạo quê bên nồi cá diếc nấu rau răm. Từ đầu thôn đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe kể chuyện cá, chuyện vợ chồng anh Chín bắt được gần chục con cá gáy, chuyện anh Sáu bắt được con cá chình to bằng bắp chân... Có người chỉ bắt được mấy con ốc, vài con cá nhỏ nhưng vẫn vui tươi, vẫn tham gia kể chuyện sôi nổi.

      Sau mùa mưa lũ, đến tháng Chạp, người dân lại đắp đập để tích nước tưới cho cây lúa trong vụ đông xuân. Mọi người lại chờ đợi cho đến mùa bắt cá năm sau.

     Một nét quê thật đáng nhớ! Một nét văn hóa từ bao đời nay đã in đậm trong tâm thức của người dân quê tôi. Quê hương là những điều tưởng như rất bình thường, là những điều không diễn đạt thành lời nhưng hễ mỗi khi xa quê, lòng lại thấy nao nao.

                                                                                Phước Tiên