www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mùa mít xứ Tiên

Từ lâu đời, mỗi khi mùa mít đến, đó là niềm vui của bà con quê tôi. Vùng đất trung du xứ Tiên rất hợp với cây mít, nên mít được trồng từ khi cha ông đến đây mở đất lập làng, điều đó đã được chứng minh khi tại nơi đây vẫn tồn tại nhiều ngôi nhà rường cổ làm toàn bằng gỗ mít có niên đại hàng trăm năm như nhà ông Trần Đình Hoan ở Làng cổ Lộc Yên, thôn 4, Tiên Cảnh (Tiên Phước). Mùa mít kéo dài từ tháng ba đến tháng chín, từ lúc ra hoa cho đến khi trái chín trĩu cành, lúc nào hoa, trái mít cũng làm được món ăn ngon. Những năm gần đây các món ăn được chế biến từ mít đang ngày càng làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực ở miền quê có nhiều đồi núi, vườn rừng, đồng ruộng khá trù phú này.

    Tháng ba, mùa ăn dái mít. Trước đó, đài hoa mít rụng trắng vườn, thoảng hương thơm; quanh gốc, trên cành vô vàn những chùm dái mít nhú ra cùng nhiều trái mít non tơ, một tuần sau dái mít to bằng ngón tay cái là lúc ăn ngon nhất. Buổi trưa, trong vườn nghe tiếng cười đùa của mấy đứa con, cháu đi hái dái mít chấm muối ớt, lòng bỗng nhớ về tuổi thơ, cùng nhóm bạn leo trèo hái dái mít, bẻ đầu thơm gọt ăn không biết chán. Đến bây giờ món trộn dái mít với đầu thơm (hoa trên đầu trái thơm hàng niên) xắt sợi, hay trộn với xoài sống cùng gia vị rắc thêm nhúm đậu phộng rang không những là món khoái khẩu của chị em mà ngay cánh mày râu chúng tôi cũng thòm thèm mỗi khi cùng bạn bè lai rai vài ly rượu.

      Chẳng thế mà từ xưa ở quê tôi đã có câu “Dái mít, đầu thơm là cơm nậu chợ“. Sở dĩ có câu thành ngữ này là do từ ngày trước đến tận bây giờ các xã lân cận và cả thị trấn Tiên Kỳ đều trồng rất nhiều mít. Vào mùa dái mít ăn hoài mà không ngán như ăn cơm vậy. Dái mít trước đây chỉ để ăn chơi, những năm gần đây nhiều nhà hái dái mít đem ra chợ bán cũng rất được giá, các nhà hàng mua về xắt mỏng trộn với sứa biển, trộn gỏi cá… là những món ăn khoái khẩu.

                                            Mít hông

      Khi dái mít trong vườn đã ngót, thì cũng đến lúc mít non bắt đầu ăn được. Những trái mít chi chít gai, màu xanh hơi ngả vàng xinh xắn treo lủng lẳng trên cành đến tận gốc, trái non to bằng chú heo con. Mỗi chiều bà con ra vườn hái bớt để sớm mai đem ra chợ bán, không quên để lại một trái để làm vài món ăn ngon cho gia đình. Mít non có thể làm được nhiều món: nào mít trộn, nào mít kho cá chuồn, mít luộc chấm mắm cái, mít nấu canh ốc đá… Mùa mít non kéo dài từ đầu tháng tư đến tháng năm. Mít trồng trên đồi, cao ráo, tráng nắng ra trái sớm, mít trồng trong vườn ẩm ướt ra trái muộn, có năm đến tháng bảy vẫn còn mít non.

     Nơi chợ quê Tiên Phước, mỗi buổi sáng hàng ngàn trái mít được thương lái mua chất lên xe chở về bán ở những miền quê khác. Những hàng rau trong chợ chị em bán rau tay thoăn thoắt xắt mít non, tươi cười chào mời. Người đi chợ mua mít non xắt sẵn, mua thêm mớ tôm tươi, vài lạng thịt ba chỉ… là làm được ngay món trộn mít xúc bánh tráng trong bữa cơm gia đình. Khách xa về Tiên Phước, được mời món mít trộn, cứ tấm tắc khen ngon! Mấy cụ bà có kinh nghiệm làm mít trộn từ thời con gái, mỗi chiều làm mít trộn, nướng bánh tráng đem bán dạo cho mấy cô, cậu bán hàng tạp hóa, hiệu uốn tóc… cũng thấy vui lúc tuổi già. 

       Những trái mít non được hái bớt đã dành nguồn dinh dưỡng cho những trái mít còn lại lớn nhanh như thổi. Đầu tháng năm, khi mít non vẫn còn bán lác đác ngoài chợ rất được giá thì đã đến lúc có mít dầy, mít chín. Mít dầy (mít vừa chín tới) hái xuống, mẹ đem làm món mít hông, món mít mà giờ đây dù là người nông dân ăn bữa lở khi đi làm đồng đến những công chức nơi phố thị… đều thích. Nhớ những tháng, năm còn vất vả khó khăn nơi quê nhà, mẹ làm món mít hông ăn thay cơm vẫn thấy ngon lạ lùng cứ nhớ mãi đến bây giờ. Mẹ hái mít về, bổ ra rồi tách từng múi mít, hạt mít rửa sạch luộc chín, lột vỏ cho vào cối giã nát rồi trộn cùng gia vị, xào với dầu phộng khử nén; bột hạt mít xào thơm cho vào giữa từng múi mít đem hấp chín ngon ơi là ngon!

 

                                                       Mít được phơi khô

      Bữa cơm ghế mít khô ngày mưa, chẳng cần nhiều thức ăn vì đã có vị ngọt, bùi của mít. Ngày còn đi học, những hôm rủ bạn bè về nhà chơi, đang đói bụng mẹ lấy gói mít gói bằng mo cau trên giàn trứa đưa cho, mở chiếc mo cau ám khói đã thấy thơm lừng; cùng nhóm bạn nhón từng lát mít chín phơi khô deo dẻo, ngọt lừ, uống bát nước chè xanh còn nong nóng, thế là đủ năng lượng để tiếp tục  đi thả diều hay đá bóng.

      Miền quê xứ Tiên có nhiều giống mít ngon đó là mít nghệ và mít mật. Mít nghệ khi chín múi có màu vàng như nghệ, mít mật múi có màu như lòng đỏ trứng gà. Trải qua nhiều đời những cây mít cho trái ngon nhất được tuyển lựa nhân giống, nên mít chín ăn tươi ở xứ Tiên là món ngon ai cũng ghiền. Thịt của múi mít chín giàu khoáng chất và Vitamin, nhiều khách du lịch đến xứ Tiên được thưởng thức mít chín đã nhận xét: “hương vị của múi mít chín là một sự kết hợp các hương vị của táo, dứa, xoài và chuối”. Theo đông y, ăn mít non có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu; ăn mít chín làm nhẹ mình, ích khí, đẹp sắc mặt, giải say rượu. Có lẽ vì thế mà ai cũng thích ăn mít!

      Mùa mít chín, mít không những được bán ở chợ quê Tiên Kỳ mà còn được  bày bán dọc theo quốc lộ 40B đoạn từ xã Tiên Thọ qua thị trấn Tiên Kỳ lên Tiên Cảnh. Nếu có dịp đến thăm những gia đình ở xứ Tiên bạn sẽ được mời ăn mít, đôi khi được nghe kể chuyện về cây mít trước sân nhà: “… cây mít ni được trồng từ đời ông… tui. Nhà tui vừa ăn lai rai vừa bán mít non, mít chín mà năm nào cũng được hơn triệu đồng…”. Đó chỉ mới là cây mít trước sân nhà thôi nhé, những nhà trồng cả vườn mít thì niềm vui càng dâng lên gấp bội phần.

                        Trần Hữu Phước - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam