www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mùa cao điểm sản xuất phù chúc

Đây là thời điểm các cơ sở sản xuất phù chúc (loại hàng dùng chế biến các món ăn chay làm từ đậu nành) ở thôn Phú Vinh (xã Tiên Hà, Tiên Phước) tăng gấp đôi công suất hoạt động để đáp ứng thị trường tiêu thụ trong dịp tết.

 Mang nghề về quê

Hiện nay lượng người ăn chay có xu hướng tăng trong khi có rất ít cơ sở sản xuất phù chúc khiến mặt hàng này thường xuyên rơi vào tình trạng cầu vượt cung. Không chỉ ở các ngày rằm, mùng một mà tết cũng là dịp để mặt hàng này tiêu thụ mạnh nhất. Ở Quảng Nam, nghề làm phù chúc tập trung hầu hết ở thôn Phú Vinh, mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất này. Trước đây ở Phú Vinh chỉ có 1 cơ sở nhỏ lẻ, nhưng hiện nay đã có 6 cơ sở sản xuất phù chúc được đầu tư máy móc hiện đại cho thấy nghề này thu được giá trị kinh tế khả quan trong thời gian gần đây.

Sau nhiều năm đi làm thuê nghề này ở TP.Hồ Chí Minh, anh Phan Tấn Hùng (34 tuổi, trú thôn Phú Vinh) quyết định hồi hương để mở cơ sở sản xuất phù chúc sau khi đã lận lưng được một ít kinh nghiệm. Năm 2010 anh vay mượn hơn 100 triệu đồng để đầu tư cơ sở sản xuất phù chúc, mặc những hoài nghi và ái ngại của người thân. “Nhận thấy xu hướng phát triển nghề này nên tôi quyết định hùn vốn cùng với một người bạn trong thôn để xây dựng cơ sở làm phù chúc, lập nghiệp ngay tại quê nhà. Thời điểm đầu cũng đôi lần thất bại nhưng với quyết tâm không bỏ cuộc nên sau đó sản phẩm làm ra được ổn định, tìm được chỗ đứng trên thị trường” - anh Hùng tâm sự. Cũng theo anh Hùng, sau khi kết nối được các thị trường tiêu thụ ở Đà Nẵng, Huế và trong tỉnh thì sản phẩm phù chúc làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, làm quanh năm và đặc biệt luôn “cháy hàng” trong các dịp tết.

Công đoạn vớt lớp váng đậu. 				          Ảnh: V.HÀO
Công đoạn vớt lớp váng đậu. 

 

Nguyên liệu để làm ra sản phẩm phù chúc là hạt đậu nành, giá dao động 15 - 17 nghìn đồng/kg. Sau khi được xay thành sữa đậu thì bỏ vào chảo và đun trên lò lửa, khoảng 15 phút thì vớt lớp váng đậu trên bề mặt một lần cho đến khi cạn. Phù chúc đem sấy khô, tiêu thụ với giá 80 – 85 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Hùng sản xuất được 45kg phù chúc. Cũng là người “mở đường” đưa nghề về quê, sau khi cùng anh Hùng phát triển cơ sở ban đầu, anh Đoàn Hồng Khuyên cũng vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp tục mở cơ sở làm phù chúc tại thôn Phú Vinh. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng anh thu vào không dưới 30 triệu đồng từ hai cơ sở này. “Thấy hiệu quả kinh tế nên nhiều người khác trong thôn đến học hỏi và đầu tư mở các cơ sở sản xuất phù chúc. Kinh nghiệm thì anh em truyền tai nhau để cùng phát triển sản xuất, quan trọng là để có thể mở một cơ sở thì phải bỏ ra số vốn không hề nhỏ” - anh Khuyên cho biết.

Giải quyết lao động

Phù chúc còn có tên gọi khác là tàu hũ ky, phù trúc, váng đậu…, dùng làm nguyên liệu chính trong các thực đơn ăn chay, ăn kiêng. Có thể chế biến nhiều món ăn từ phù chúc như chả, nem, gỏi…

Trung bình mỗi cơ sở làm phù chúc giải quyết 4 lao động tại chỗ với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Có cơ sở làm theo ca ngày và ca đêm nên càng tạo điều kiện để người dân thôn Phú Vinh có thêm nguồn thu nhập. Đang vào mùa cao điểm nên không khí làm việc tại 6 cơ sở này cũng chộn rộn, khẩn trương hơn, có chỗ phải kêu thêm người làm. Theo ông chủ Đỗ Quang Hiệp (thôn Phú Vinh), quy trình làm phù chúc cũng đơn giản, tương đối nhẹ nhàng nên phụ nữ rất hợp với nghề này. “Đời sống của người dân thôn này còn nhiều khó khăn nên ngoài vấn đề sản xuất, chúng tôi quan tâm tạo công ăn việc làm cho người lao động. Các cơ sở ở đây cũng đều có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất nên hứa hẹn sẽ giải quyết được nhiều hơn lao động ở địa phương” - ông Hiệp nói. Ngoài ra, từ khi nghề làm phù chúc phát triển mạnh ở Phú Vinh đã kéo theo ngành chăn nuôi tại đây cũng tăng đáng kể về số lượng bầy đàn từ việc tận dụng phế phẩm xác bã đậu làm nguồn thức ăn cho gia súc.

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết, nghề làm phù chúc du nhập về địa phương mới chỉ chừng vài năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại là rất rõ rệt. Nếu cứ duy trì nguồn cầu cao như hiện nay thì người dân có quyền tự tin về tiềm năng của nghề này trong tương lai. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức họp với tất cả chủ cơ sở này để thống nhất tiến tới thành lập tổ hợp tác sản xuất phù chúc Phú Vinh. Một mặt để khẳng định sản phẩm của địa phương trên thị trường, mặt khác tạo điều kiện cho các cơ sở có thể tiếp cận với các nguồn vốn mở rộng sản xuất” - ông Dũng nói.

                                                   Văn Hào - Báo Quảng Nam