www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mở rộng diện tích trồng cây măng cụt

Với hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, huyện Tiên Phước đã và đang vận động người dân sử dụng diện tích trồng măng cụt, đưa Tiên Phước trở thành “thủ phủ” măng cụt của xứ Quảng.

 

Tiên Phước khuyến khích người dân đưa cây măng cụt trở thành cây trồng chủ lực. Ảnh: N.HƯNG
Tiên Phước khuyến khích người dân đưa cây măng cụt trở thành cây trồng chủ lực. Ảnh: N.HƯNG 

Với khu vườn gần nửa héc ta, ông Tăng Ngọc Tham (thôn Phái Bắc, xã Tiên Mỹ) đưa vào trồng măng cụt, bưởi da xanh, thanh trà, sầu riêng... Nhờ đầu tư chăm bón chu đáo nên các loại cây trồng đều phát triển xanh tốt. Hiện có hơn 30 cây măng cụt bắt đầu cho quả cùng với các loại cây ăn quả khác, tạo nguồn thu hơn 50 triệu đồng mỗi năm.

Ông Tham cho biết, măng cụt có khả năng chống chịu với khô hạn, mưa bão vượt trội so với các cây ăn quả khác trong cùng điều kiện thổ nhưỡng. Cơn bão số 9 năm 2020 khiến các loại cây trồng như sầu riêng, mít thái, tiêu bị gãy đổ, riêng cây măng vẫn trụ vững. Mùa nắng cây măng cụt cũng có sức chịu đựng tốt nhờ có tán và độ che phủ đất rộng.

“Cây măng cụt từ lúc trồng đến lúc thu hoạch phải mất khoảng 10 năm. Tuy lâu, nhưng chi phí chăm bón rất thấp. Việc thu hoạch cũng khá đơn giản, thương lái đến tận vườn thu mua. Hiện giá mỗi ký măng cụt gần 100 nghìn đồng. Tới đây tôi sẽ phá bỏ các loại cây ăn quả cho thu nhập thấp chuyển sang trồng măng cụt” - ông Tham nói.

Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước, năm 2021, người dân trồng mới hơn 280ha, nâng tổng diện tích cây măng cụt toàn huyện lên 500ha. Tính trung bình, mỗi mùa, 1ha măng cụt cho sản lượng 5 - 10 tấn. Giá bán măng cụt khá cao, dao động khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg nên nhiều người dân có nguồn thu khấm khá. Năm 2020, doanh thu măng cụt toàn huyện khoảng 30 tỷ đồng. 

Với diện tích 1ha vườn nhà, hộ ông Thái Nguyên Khoa (xóm Hố Quờn, thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ) đang trồng 100 gốc măng cụt và trồng xen những loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao. 

Sớm gắn bó với kinh tế vườn từ mấy chục năm trước, thành quả mang lại là nguồn thu ổn định giúp ông Khoa nuôi con cái ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ông chia sẻ: “Măng cụt thuộc nhóm cây lâu năm, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt cỡ 5 - 6 năm cũng có thể ra quả. Bình quân mỗi vụ, cây khoảng 20 - 25 năm tuổi đạt năng suất 50kg quả, cây trên 30 năm tuổi cho 100kg quả.

Do là cây trồng lâu năm nên trong quá trình trồng măng cụt, chúng ta có thể trồng một số loại cây ăn quả ngắn ngày xen kẽ như chuối, cam, ổi..., vừa lấy bóng mát che măng cụt, vừa tạo thêm nguồn thu nhập”.

Cây măng cụt đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Tiên Phước. Ảnh. N.HƯNG
Cây măng cụt đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Tiên Phước. Ảnh. N.HƯNG 

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết, măng cụt là loại cây ăn quả cao cấp, có tiềm năng xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt trong thời kỳ thu hoạch, kinh doanh cho nông dân các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Kỳ, Tiên Phong, Tiên Lộc, Tiên An, Tiên Sơn, Tiên Cẩm. 

Đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh gây hại trên cây măng cụt. Qua đó giúp nhân dân tăng cường tác động các biện pháp kỹ thuật để cây măng cụt ra hoa, đậu quả đúng vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với măng cụt nên hầu hết vườn cây đều phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Măng cụt ở đây ra quả trái vụ so với măng cụt miền Nam nên giá bán sản phẩm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao.

“Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ cho người dân theo Đề án 03 “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025”. 

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển khoảng 1.000ha cây măng cụt cho quả, với sản lượng khoảng 2.000 tấn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu thị của nội địa và hướng đến xuất khẩu loại trái cây đặc sản này, đưa huyện trở thành “thủ phủ” cây măng cụt xứ Quảng” - ông Anh nói.

Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam