www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Một Công an viên nhận thanh, thiếu niên hư về nuôi dưỡng

Anh Nguyễn Hảo, Công an viên xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước đã tâm sự với tôi như vậy về việc tự nguyện nhận một số thanh, thiếu niên hư về nuôi dưỡng và bố trí việc làm ngay tại cơ sở chế biến trầm hương của mình. Sự nhiệt tình và lòng yêu thương, chia sẻ của anh Hảo đã làm cho các em tỉnh ngộ, trở thành những công dân có ích cho xã hội...

Khi tôi hỏi về tuổi tác, anh Hảo cười hiền khô: "Tui tuổi con rồng (tuổi Thìn - 1964), vậy mà cuộc đời lắm nỗi truân chuyên. Nhưng, có trải qua bao cực khổ, nhọc nhằn, tui mới thấm thía được giá trị của lao động. Đó cũng là "bí quyết" để tui cảm hóa, giáo dục được các em hư hỏng làm việc tại cơ sở sản xuất, chế biến trầm của tui tỉnh ngộ tiến bộ thành người tốt".

Anh Hảo kể, chưa tròn tuổi 21, không chịu bó tay trước cảnh đói nghèo, anh đã đi theo một số người tìm trầm lặn lội trên núi rừng Trường Sơn. Mỗi chuyến "ngậm ngải tìm trầm" mất hàng tháng trời. Có chuyến trúng đậm những cục trầm "zách" (loại 1) to bằng bắp chuối bán chia nhau bạc triệu, song cũng có không ít chuyến phải quay về tay không.

Cực khổ trăm bề, nhưng anh không hề nản chí, vẫn cần mẫn, chăm chỉ đi rừng tìm trầm để mong sao gia đình thoát được cảnh đói nghèo rơm rạ. Không giống những bạn đi trầm khác, trúng trầm là chi tiêu xả láng, anh chắt mót, tằn tiện từng đồng.

Cho đến khi có vợ, trong tay anh đã có được số vốn kha khá, anh quyết định không đi rừng nữa mà chuyển sang nghề chế biến trầm hương. Khí hậu và đất đai miền núi và khu vực trung du của xứ Quảng, nhất là vùng đất Tiên Phước rất hợp với cây dó bầu tạo trầm hương. Rất nhiều vườn nhà có cây dó bầu hàng chục năm tuổi, thậm chí cả trăm năm. Anh Hảo và vợ đi lùng mua mang về, thuê thợ đục đẽo, tạo thành những sản phẩm "trầm cảnh" với hình thù độc đáo, bán vào thị trường TP HCM rất chạy.

 

Anh Hảo và các em thanh, thiếu niên một thời hư hỏng đã tiến bộ làm việc tại cơ sở chế biến "trầm cảnh".

 

Cách đây 3 năm, một số người bạn biết được chuyện làm ăn của anh đã tìm gặp rủ hùn vốn thành lập công ty. Thế là, Công ty TNHH Hảo Tường do anh làm Giám đốc ra đời. Cơ sở sản xuất vẫn là nhà anh ở Tiên Mỹ, còn trụ sở công ty đóng ở TP Đà Nẵng cho tiện buôn bán, liên hệ khách hàng...

Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh buôn bán, nhưng anh Hảo vẫn tham gia lực lượng Công an xã Tiên Mỹ. Vào lực lượng Công an, biết được địa bàn xã Tiên Mỹ, nhất là khu vực thôn 5 mà gia đình anh đang sống có nhiều thanh thiếu niên, học sinh tiểu học hư hỏng, mê game online bỏ học, rồi trộm cắp vặt, đánh nhau...

Anh Hảo về nhà bàn bạc với vợ thu nhận những đứa trẻ hư vào cơ sở sản xuất của mình để nuôi dưỡng, giáo dục, cảm hóa. Khi đã thuận vợ, thuận chồng, anh Hảo đề đạt nguyện vọng của mình lên chính quyền địa phương và ai cũng đồng lòng ủng hộ. Kết quả, cơ sở sản xuất của anh có khoảng 10 công nhân thì chiếm đa số là thanh, thiếu niên hư hỏng, lêu lổng.

Đưa các em về, vợ chồng anh Hảo bố trí chỗ ăn, ở đàng hoàng, đối đãi như con em ruột thịt trong nhà. Ngoài cơm ăn ba bữa, cả việc may quần, áo cho các em, mỗi ngày anh Hảo trả công 60 nghìn đồng/em.

Trong giờ lao động, anh Hảo luôn có mặt chỉ vẽ cho từng em về cách chế biến "trầm cảnh", làm hương... từ những thân cây dó bầu. Nghỉ ngơi, các em được xem phim, xem tivi, hát karaoke ngay tại nhà. Bên cạnh, anh cũng nối mạng Internet cho các em chơi game, nhưng quy định giờ giấc nghiêm ngặt.

Đặc biệt, anh rất quan tâm chuyện trò để hiểu rõ gia cảnh của từng em, thỉnh thoảng lại kể chuyện về cuộc đời đầy gian khổ và sự phấn đấu của bản thân mình; hoặc những tấm gương học sinh nghèo vượt khó...

Từ đó, các em đã tỉnh ngộ, có được ý thức phấn đấu vươn lên, tu sửa đạo đức, nếp sống để trở thành những đứa con hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội. Anh Hảo cũng tạo điều kiện và khuyên các em trở lại trường học tiếp tục học hành.

Nhiều bậc phụ huynh trước đây đã "thả tay" vì con cái trượt dài trên con đường hư hỏng, vi phạm pháp luật, bây giờ thấy con thay đổi tính nết, lo làm ăn, học hành chăm chỉ, rất biết ơn vợ chồng anh Hảo và Công an xã Tiên Mỹ.

Anh Hảo tâm sự rằng, "bí quyết" để giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư đòi hỏi phải có tấm lòng thương yêu, hiểu được trong trí óc non nớt các em nghĩ gì về cuộc sống xung quanh để sẻ chia, giúp đỡ các em gạn bỏ được những thói hư, tật xấu, tiếp thu được cái hay, cái đẹp.

Việc đưa những thanh, thiếu niên trên địa bàn về nuôi dưỡng, giáo dục, cảm hóa, theo anh Hảo, đó cũng là trách nhiệm của một người Công an học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo 6 điều dạy của Bác Hồ đối với lực lượng CAND.

                                                                Long Vân - Báo Công An Nhân Dân