www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lo trước mùa bão

Ngay từ đầu năm 2014, huyện Tiên Phước đã chủ động triển khai phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) một cách đồng bộ và đến nay tất cả đã sẵn sàng ứng phó với mưa bão.

       Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngay từ đầu năm, Tiên Phước đã triển khai công tác PCLB & TKCN đến tất cả các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo phương châm “5 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư phương tiện tại chỗ và ứng phó sơ cứu tại chỗ). Thành lập đội truyền thanh lưu động, đội xung kích PCLB &TKCN thông tin kịp thời và giúp đỡ người dân khi có thiên tai xảy ra.

        Ngoài việc lập phương án chung cho toàn địa bàn, huyện cũng xác định những vùng trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ có nguy cơ bị sạt lở đất và ngập lụt nặng ở một số địa phương nằm dưới chân núi và dọc hai bên vùng hạ lưu như: khu núi Đầu Voi (Tiên An); núi Đoát và khu Rẫy Tranh Lớn (Tiên Cảnh); vùng hạ lưu sông Tranh (Tiên Lãnh), sông Tiên (Tiên Kỳ và Tiên Hà)…

 

Đơn vị thi công đang khẩn trương gia cố kè sông Tiên để đối phó với bão lũ. Ảnh: N.H
Đơn vị thi công đang khẩn trương gia cố kè sông Tiên để đối phó với bão lũ. 

 

      Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đều chủ động lập 1 tổ phòng chống lụt bão và xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão của đơn vị mình. Riêng lực lượng công an, quân đội xây dựng phương án PCLB&TKCN cụ thể cho đơn vị và cho địa bàn toàn huyện. Chủ động tham gia trực 24/24 giờ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và ứng cứu kịp thời khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn. Ở cấp xã, thị trấn đã kiện toàn ban phòng chống lụt bão do chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm trưởng ban.

      Ông Phan Hồng Phát - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên An cho hay: “Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão năm 2013, chủ động phòng tránh đối phó với thiên tai 2014, địa phương đã lên kế hoạch xây dựng phương án PCLB &TKCN ngay từ đầu năm. Theo đó, đối với những nơi có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt do mưa lũ và khu vực dân cư bị ảnh hưởng của gió bão, địa phương phân công cụ thể cho các thành viên ban chỉ huy để thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Riêng đối với các hộ dân nằm dưới chân núi Đầu Voi ở (thôn 1, thôn 2), đến nay huyện đã giúp địa phương di dời gần 130 hộ dân đến nơi ở mới an toàn.

        Năm 2014, cấp trên đã hỗ trợ địa phương khoảng 8 tỷ đồng để làm đường bê tông, xây dựng cầu Bóng Trâm và tiếp tục phân lô để di dời thêm 32 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở sang khu tái định cư mới. Hiện còn khoảng gần 35 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt dưới chân núi Đầu Voi cần tiếp tục được di dời đến nơi an toàn”.

         Năm 2013, huyện Tiên Phước đã trang bị cho các xã, thị trấn hơn 200 áo phao, 130 phao cứu sinh, 11 máy phát điện, 50 bình chữa cháy, 400 đèn sạc pin. Trong năm 2014, địa phương tiếp trang bị thêm một số trang thiết bị, vật dụng thiết yếu để phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho 15 xã, thị trấn.

      Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện - kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN huyện Tiên Phước nói: “Hiện nay, UBND huyện đã đôn đốc các ngành, đơn vị thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi, kênh mương, các điểm xung yếu, đập dâng… Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực phòng chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra”.

                                                       Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam