www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lê Cơ trong phong trào cứu nước đầu thế kỷ XX

Mấy thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, do những tích tụ lâu dài, Quảng Nam đã là một trong những trung tâm sôi nổi và quằn quại nhất của các cuộc vùng dậy và trăn trở tìm đường cứu nước, từ Nghĩa hội Cần Vương anh hùng mà bi tráng của Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu, cho đến Duy Tân hội của Phan Bội Châu thực ra từng được mưu tính tại trang trại của Tiểu La Nguyễn Thành, rồi phong trào Duy Tân của “bộ ba Quảng Nam” đứng đầu là Phan Châu Trinh, sẽ làm rung chuyển cả Trung Kỳ, cả nước, vang dội đến tận bên “chính quốc”, và khởi nghĩa anh hùng chống Mỹ).

 Một Tiểu La, nhân vật nối kết độc đáo giữa Cần Vương và Duy Tân (cả Duy Tân hội Phan Bội Châu lẫn Duy Tân Phan Châu Trinh), mà Phan Bội Châu tôn làm quân sư, có lẽ cũng chưa được đặt đúng vị trí trong nghiên cứu về thời kỳ chuyển động quan trọng này. Ngay cả với Phan Châu Trinh, từng được nói đến nhiều nhất, một luận văn mới đây của Lê Thị Hiền Minh ở đại học Canada bỗng soi sáng một khía cạnh bất ngờ và lại quan trọng đến mức gần như quyết định để thấu hiểu ông. Rồi Trần Cao Vân, Thái Phiên của khởi nghĩa 1916… Đấy là mới kể những nhân vật “hàng đầu”. Còn những bất thành năm 1916 với danh nghĩa vua Duy Tân dù trù định điểm nổ ra ở Huế, song các yếu nhân trong bộ tham mưu chủ chốt hầu hết là người Quảng Nam…

Không gian và thời gian vào loại nóng bỏng và quan trọng nhất trong thời kỳ lịch sử cận đại này của nước ta đã được nhiều tác giả nghiên cứu, phân tích, cắt nghĩa, song chắc chắn còn phải được công phu đào xới, nhận diện, lý giải, không chỉ đối với cả giai đoạn, với từng phong trào, mà cả từng nhân vật, đều đặc sắc và độc đáo như vẫn thường thấy trong những khúc quanh ngặt và gấp của lịch sử. Một Nguyễn Duy Hiệu, người có sự hy sinh vào hàng lẫm liệt nhất trong những người anh hùng cận đại, còn chưa được ngay các nhà sử học hiểu biết và đánh giá đầy đủ (thậm chí ở Hà Nội và TP.HCM đến nay còn chưa có được một con đường mang tên ông, cạnh những khuôn mặt lâu nay vẫn được coi là ở “hậu cảnh”, “thứ yếu”, có thật họ là thứ yếu không? Tìm hiểu cặn kẽ những con người đó có khi lại có thể giúp ta giải mã được rõ thêm nhiều vấn đề cốt lõi của giai đoạn rất phong phú và cũng rất phức tạp này.

Lê Cơ chính là một nhân vật như vậy.

Lâu nay Lê Cơ vẫn được coi khá phổ biến là “một nhà duy tân thực hành”. Ngay cách gọi ấy dường như đã có ngầm ý rằng ông không ở trong số những người khởi xướng, về mặt tư tưởng duy tân ông có phần đến sau, không trực tiếp, và ông chủ yếu là người triển khai trong thực tế – một cách xuất sắc – những tư tưởng lớn của các nhà duy tân, đứng đầu là Phan Châu Trinh…

Công trình nghiên cứu này của Ngô Văn Minh chứng minh một điều khác: bức tranh duy tân và cứu nước đầu thế kỷ XX, chỉ tính riêng ở Quảng Nam và khúc giữa của miền Trung thôi, cũng đã phong phú hơn ta vẫn hình dung nhiều. Lê Cơ, nhân vật chính của công trình nghiên cứu này, tiểu sử, nhân cách, tư tưởng, hành tung, sự nghiệp, số phận của ông là một bằng chứng đầy ấn tượng.

Không đỗ đạt như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, nhưng rõ ràng Lê Cơ là một nhà trí thức và là một trí thức thâm hậu, đã làm chủ vững chắc những giá trị cơ bản nhất của văn hóa phương Đông. Điều này không chỉ được chứng tỏ hùng hồn trong nhân cách và hành xử lừng lững suốt cuộc đời anh hùng của ông, mà còn biểu hiện trong một sự kiện thậm chí còn quan trọng hơn: chính vì đạt được đến cốt lõi tư tưởng phương Đông, nên cũng như nhiều nhà duy tân đầu thế kỷ XX, ông đã đến được rất nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc với những tư tưởng mới tới từ phương Tây. Vẫn thường có một quy luật: chỉ từ một đỉnh cao này người ta mới vươn đến được một đỉnh cao mới khác. Trong trao đổi và tiếp nhận, luôn đòi hỏi một vốn đối ứng tương xứng.

Cũng không ra Huế như các nhà duy tân khác hồi bấy giờ, nhưng Lê Cơ – bằng con đường nào? qua thương cảng Hội An, cũng là một cửa mở quan trọng nhập khẩu “sách mới” chăng? – đã có sự tiếp xúc riêng và độc lập với các Tân thư, thậm chí có thể trước cả người anh em con cô con cậu của mình là Phan Châu Trinh. Riêng và độc lập không chỉ là có thể không cần qua tay Phan Châu Trinh (mang sách từ Huế về), mà quan trọng hơn, cách tiếp nhận của ông cũng có chỗ khác, và là chỗ khác rất độc đáo. Ta biết Lê Cơ từng nói: “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Không thể làm được trong toàn thiên hạ, thì thử nghiệm trong một làng vậy). Chắc không chỉ có thế. Có thể có rất nhiều điều đáng suy nghĩ khi ông chọn làm thử nghiệm ở “nhất hương”.

So với Phan Châu Trinh, Lê Cơ có những hoàn cảnh và điều kiện vừa kém lại vừa hơn. Ông mới đỗ “trường ba”, tức chưa có cái tú tài, chưa có được một uy thế về danh vị để giương ngọn cờ hiệu triệu toàn thiên hạ. Ông biết uy thế và địa bàn chủ yếu của ông trước hết là ở một làng. Nhưng chính cái làng đó, Phú Lâm, lại là chỗ mạnh đặc biệt của ông. Phú Lâm của Lê Cơ khác với Tây Lộc của Phan Châu Trinh. Tuy thời ấy cùng thuộc huyện Tiên Phước, nhưng Tây Lộc chỉ hơi dựa lưng vào ven núi, còn thì ngửa mặt ra với trống trải đồng bằng. Phú Lâm khác hẳn: một thung lũng trù phú, vừa kín, có thế che chắn bốn mặt núi non, vừa thông thương với những yếu địa hiểm trở khác khi cần lui về phía sau, và với cả không gian đồng bằng rộng lớn khi muốn phát triển ra phía trước. Có thể là chiến khu lợi hại, công thủ đều thuận, mà thậm chí cũng có thể thành một “vương quốc” độc lập, kín đáo cho những thực nghiệm xã hội lớn được mưu tính, để rồi sẽ lan rộng. Không phải ngẫu nhiên mà về sau vùng thung lũng này đã là một trong những căn cứ quan trọng nhất của những người cộng sản thời tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Quảng Nam, sau đó lại là căn cứ kháng chiến vững chãi thời chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ. Ở cái “hương” rất đắc địa đó, Lê Cơ thuộc một dòng họ lâu đời. Một dòng họ trí thức còn rất gần với dân, là tinh hoa nảy sinh từ cuộc sống lâu dài của chính nhân dân lao động ở đây. Ông lại là lý trưởng làng Phú Lâm. Nên hiểu nhiều lý trưởng thời đó. Họ có thể là thủ lĩnh của dân, lại có cái thế hợp pháp với chính quyền thực dân để lại là đại diện dõng dạc cho nguyện vọng và ý chí của dân trước chính quyền ấy (mấy năm sau, cuộc Trung Kỳ dân biến long trời lở đất 1908 sẽ bắt đầu chính từ một bữa giỗ tại nhà một lý trưởng ở Đại Lộc)…

Với tất cả những điều kiện ấy, Lê Cơ đã chọn rất đúng con đường “hành chi nhất hương”. Đương nhiên tư tưởng và chủ trương của ông thống nhất sâu sắc với Phan Châu Trinh, nhưng họ không phải là một, càng không phải người này chỉ phụ thuộc người kia. Họ hành động song song và đầy sáng tạo, vừa có “hợp đồng” nhất định với nhau ở một mức nào đó, vừa bổ sung và phối hợp với nhau một cách tự nhiên. Đó có lẽ cũng là đặc điểm của các phong trào và các nhân vật trong thời kỳ đặc biệt sôi động này.

Lê Cơ đã tiến hành một cuộc thí điểm đặc sắc tư tưởng duy tân bắt nguồn từ ảnh hưởng lớn của Tân thư, ở một làng, tức một tế bào cơ bản của xã hội. Trong công trình công phu này, nhà nghiên cứu Ngô Văn Minh đã cho thấy tính toàn diện và sâu sắc của công cuộc cải tạo xã hội trong thực nghiệm của Lê Cơ ở Phú Lâm. Có thể nói không có tư tưởng nào, lĩnh vực nào, khía cạnh nào trong chủ trương của nhóm duy tân Phan Châu Trinh không được đưa ra thử nghiệm và trở thành hiện thực hết sức sinh động ở đây.

Đến đây, không thể không nảy ra một câu hỏi: vậy Lê Cơ đã đọc, hoặc bằng cách nào đó đã biết đến và tiếp nhận ảnh hưởng của các Tân thư nào, các tác giả Tân thư nào? Hẳn có thể là những Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, những Montesquieu, Rousseau… Song, để nghĩ được đến và thực hiện một thực nghiệm xã hội quan trọng và sâu sắc như ông đã làm, có phải ông đã từng biết tới những nhà được gọi là “không tưởng” như Henri de Saint Simon và Claude Fourier? Quả thật với sự nghiệp ở Phú Lâm của ông, Lê Cơ của Phú Lâm có dáng dấp của các nhà không tưởng nổi tiếng kia. Một câu hỏi như vậy cứ muốn được đặt ra, và nếu câu trả lời là có thì có thể Lê Cơ là người đã đi xa hơn cả trong các nhà duy tân cùng thời với ông… Phải chăng?

Chúng ta biết thực nghiệm đẹp đẽ của Lê Cơ ở thung lũng Phú Lâm đã bị dở dang. Nghĩa là công cuộc tìm đường cứu nước thống thiết một lần nữa lại bế tắc. Khai dân trí và cải tạo xã hội vừa manh nha nhóm lên, thật đẹp, liền lập tức chuyển thành bạo lực. Cuộc bùng nổ 1908, nhìn lại, rõ ràng là tất yếu. Kẻ thù không chấp nhận hòa bình. Chính sự đàn áp tàn bạo của chúng đã đẩy một phong trào muốn tìm con đường hòa bình vào bạo lực không thể tránh. Và chúng cũng lập tức tận dụng cơ hội đó để đánh tan tất cả, cả chủ trương và hành động hòa bình lẫn bạo lực.

Trong tình thế bi kịch này, ứng xử của Phan Châu Trinh và Lê Cơ có khác nhau. Phan Châu Trinh cố đi tiếp con đường hòa bình… cho đến tuyệt vọng. Lê Cơ khác. Ngay từ thí điểm Phú Lâm, ông đã để ngỏ một cửa ra bạo lực. Nên khi bùng nổ Trung Kỳ dân biến ông đã là một trong những người dẫn đầu, một lãnh tụ. Và như ngày nay chúng ta được biết, sau khi thoát tù từ 1911, ông đã trở thành một trong những nhân vật chính yếu, một vị tướng đảm nhiệm một cánh quân quan trọng cuộc khởi nghĩa vũ trang bất thành với danh nghĩa vua Duy Tân ở Huế năm 1916. Nói cho đúng, cũng là một cuộc khởi nghĩa tuyệt vọng, một bước quay lại muộn màng, và cũng dở dang thôi…

Nhìn lại, quả Lê Cơ là một con người rất đặc biệt, ông đã đi qua tất cả các trào lưu, có mặt trong tất cả các biến cố lịch sử trọng đại nhất suốt thời chuyển thế kỷ, cũng là chuyển động vừa nối tiếp vừa song song của các phong trào cứu nước lớn trong thời của ông, và đều ở hàng đầu. Cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông, số phận của ông chính là lịch sử của cả thời kỳ anh hùng và bi tráng đó. Ông là nhân vật tiêu biểu của đêm trước xiết bao khó nhọc của buổi bình minh mà thế hệ ông trằn trọc chuẩn bị cho dân tộc.

Gần một trăm năm đã trôi qua từ ngày Lê Cơ hy sinh ở nhà tù Lao Bảo, một sự hy sinh thật lẫm liệt mà cũng thật bế tắc đau đớn. Ông để lại cho ta công cuộc cải tạo xã hội đã được ông bắt đầu sớm, cụ thể và sáng suốt một cách khác thường, mà lại dở dang của ông. Nhà sử học Daniel Héméry gọi di sản được để lại đó là những nan đề (les problématiques) của phát triển, nay vẫn còn nguyên, dù độc lập dân tộc đã được giải quyết bằng mấy cuộc chiến tranh anh hùng.

Đảm nhận chúng hôm nay, tiếp tục sự nghiệp dở dang của Lê Cơ và thế hệ ông, đương nhiên phải là chính chúng ta.

Cuốn sách công phu và nhiều phát hiện này viết về Lê Cơ, nhưng cũng là viết về cả một thời kỳ cận đại nhiều ý nghĩa vì những gì nó đã tạo nên cho lịch sử, và cả những gì nó còn bỏ dở.

Đây là một nghiên cứu lịch sử, nhưng đúng như những công trình nghiên cứu lịch sử chân chính, nó kể về người hôm qua và ngày hôm qua để nghiêm túc nói về hôm nay, đặt vấn đề với người hôm nay. Nó nói về những gì lịch sử để lại và hôm nay phải được đảm nhận lấy để tiếp tục hoàn thành. Lịch sử bao giờ cũng là một thông điệp.

Chúng ta cám ơn tác giả về thông điệp nghiêm trang được chuyển tải đó

                                        Nguyên Ngọc - Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo