www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lê Cơ - Một đoạn lịch sử bí ẩn mà trong có lắm điều hay

 Tôi nhờ câu trên của Huỳnh Thúc Kháng trong bài Lịch sử của một người lý trưởng, thực hành công việc cải lương và mấy lời thân oan đăng trên báo Tiếng Dân năm 1932 để đặt tên cho chương kết của cuốn sách Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX (NXB Đà Nẵng, 2012).

 

Giới thiệu sách viết về chí sĩ Lê Cơ

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 12.1, Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam TP.Đà Nẵng và gia tộc chí sĩ Lê Cơ sẽ tổ chức buổi giới thiệu sách Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX (do PGS-TS. Ngô Văn Minh biên soạn) tại trụ sở Nhà xuất bản Đà Nẵng, lô 103 đường 30 tháng 4, phường Hòa Cường Bắc, TP.Đà Nẵng.

Bởi Lê Cơ tuy chỉ mới xuất thân từ một người học trò trường Ba chứ không phải là người trong hàng khoa bảng. Lê Cơ chưa hề đi ra nước ngoài, ông không phải là một người lập ngôn, lập thuyết như Phan Châu Trinh, cũng không đứng ra gầy dựng cả một tổ chức có tính chất một đảng như Phan Bội Châu với Duy tân hội. Hầu như ông chỉ là một người thuần túy hành động.

            Thế nhưng, ngày nay xét lại quá trình hoạt động của ông, nhất là với những hoạt động cải cách tại một làng quê cụ thể, và mở rộng ra 30 xã thôn trong vùng, rồi đến những hoạt động của ông trong phong trào chống sưu cao thuế nặng với hình ảnh oai hùng, phi ngựa xông thẳng vào phủ đường báo cho viên tri phủ biết cái sức mạnh của nhân dân khi họ đã hấp thụ tư tưởng dân quyền, và rồi cuối cùng là người chỉ huy đội nghĩa quân của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trong vụ mưu khởi nghĩa ở Huế đêm ngày 3 rạng ngày 4.5.1916, cho thấy ông đã có mặt trong 3 phong trào yêu nước, chống Pháp ở đầu thế kỷ XX. Trong đó, hoạt động cải cách của ông là nổi trội hơn cả, được người đương thời nhắc đến nhiều hơn, và các nhà nghiên cứu hiện nay cũng nói đến sự đóng góp này của ông nhiều hơn. Xưa nay thường có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Thế nên, việc ông tiên khởi thực hiện công cuộc cải cách tại một làng quê cụ thể, mà trước đó ông là người theo Nho học, lại hầu như chưa từng rời bước khỏi quê hương Quảng Nam của mình cũng đủ cho thấy cái quyết tâm dám nhận lãnh trách nhiệm của một con người.

           Ở đây không thể tách Lê Cơ ra thành một người độc lập trong công cuộc cải cách, bởi chúng ta đều biết rằng, người đưa ra chủ thuyết duy tân, gói gọn trong 9 chữ, hay có thể gọi là Tam Dân - của Việt Nam - Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh là Phan Châu Trinh. Cùng với Phan Châu Trinh có một người hoạt động luận thuyết và tuyên truyền hăng hái nữa là Trần Quý Cáp với Sĩ phu tự trị luận và những bài thơ cổ động phong trào, nhấn mạnh đến tinh thần hợp quần và quảng học vấn. Kế đến là Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, khi Lê Cơ đứng ra thực hiện công cuộc cải cách tại quê nhà thì Phan Châu Trinh hãy đang còn làm quan thừa biện ở Bộ Lễ tại Huế, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp còn đang là những cử nhân, tú tài dự thi Hội, rồi thi Đình ở kinh đô.

            Thế thì về chủ thuyết duy tân ắt rằng Phan Châu Trinh cũng chỉ mới bàn bạc bước đầu với Lê Cơ, và tại quê nhà Lê Cơ lẳng lặng trù tính mọi việc mà bên cạnh ông chỉ có cử nhân Lê Xuân Lượng và những người dân tâm huyết trong làng. Ông vừa làm vừa nảy ra sáng kiến. Ông thực hiện công cuộc cải cách được 2 năm Phan Châu Trinh mới cáo quan, cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp sau khi đỗ tiến sĩ mới hợp thành Bộ Ba Quảng Nam đi vào các tỉnh Nam Trung kỳ để hô hào duy tân - không chỉ về lý thuyết mà cả những kinh nghiệm từ mô hình duy tân ở Phú Lâm. Bởi khi ấy, Lê Cơ đã biến Phú Lâm, như Huỳnh Thúc Kháng về sau nhận định, từ “một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch quê mùa, mà bổng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tín phục mà người xa, nhứt là người đã nếm mùi Âu hóa, đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công cuộc sắp đặt của một ông lý”.

Lê Cơ là một con người rất đặc biệt, ông đã đi qua tất cả các trào lưu, có mặt trong tất cả các biến cố lịch sử trọng đại nhất suốt thời chuyển thế kỷ, cũng là chuyển động vừa nối tiếp vừa song song của các phong trào cứu nước lớn trong thời của ông, và đều ở hàng đầu… Cuốn sách công phu và nhiều phát hiện này viết về Lê Cơ, nhưng cũng là viết về cả một thời kỳ cận đại nhiều ý nghĩa vì những gì nó đã tạo nên cho lịch sử, và cả những gì nó còn bỏ dở.

Đây là một nghiên cứu lịch sử, nhưng đúng như những công trình nghiên cứu lịch sử chân chính, nó kể về người hôm qua và ngày hôm qua để nghiêm túc nói về hôm nay, đặt vấn đề với người hôm nay. Nó nói về những gì lịch sử để lại và hôm nay phải được đảm nhận lấy để tiếp tục hoàn thành. Lịch sử bao giờ cũng là một thông điệp.NGUYÊN NGỌC

Rõ ràng, với công cuộc cải cách của mình, Lê Cơ đã thể hiện một nếp nghĩ mới, một phương thức làm ăn mới. Tư tưởng của ông thể hiện trong những việc làm cụ thể của ông. Công cuộc cải cách của ông là ngọn lửa đầu tiên của phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, và làng quê Phú Lâm luôn đi đầu, làm điển hình cho phong trào Duy tân ở Trung kỳ. Nếu phong trào Duy tân ở Quảng Nam bấy giờ là một làn sóng thì công cuộc duy tân tại Phú Lâm là khởi điểm và luôn là đỉnh sóng của làn sóng duy tân đó.

               Xét công cuộc cải cách của Lê Cơ chúng ta thấy có biết bao điều mới lạ. Dù rằng chủ thuyết Duy tân xuất hiện từ năm 1902, nhưng phải đến thời điểm Lê Cơ đứng ra lập 2 cơ sở trường dạy chữ quốc ngữ và thương điếm trong năm 1904 mới thực sự đánh dấu mốc khởi đầu của phong trào Duy tân ở nước ta lúc bấy giờ. Trường dạy chữ quốc ngữ ở Phú Lâm là trường tân học đầu tiên của phong trào Duy tân và việc lập lớp nữ học ở Phú Lâm cũng là đầu tiên trong số các trường Duy tân bấy giờ. Ở trường học Phú Lâm, Lê Cơ đã thực hiện hướng nghiệp cho học sinh, lại đưa cả chương trình quân sự học đường vào giảng dạy trong các buổi tập thể dục. Việc mở trường tân học, lại có cả lớp nữ với một chương trình giảng dạy thiết thực, phong phú là một kết quả rất lớn trong công cuộc cải cách ở Phú Lâm do Lê Cơ tiến hành.

              Lại một sự cấp tiến, đầy tính nhân văn và cũng rất có ý nghĩa thời sự đối với xã hội hóa giáo dục nữa, đó là ông đã chủ trương lấy hội buôn nuôi trường học (chứ không phải lấy trường học để nuôi doanh nghiệp!) và học để nâng cao dân trí, để lập thân, lập nghiệp và phụng sự đất nước bằng chính sở học của mình, chứ không phải chỉ chăm vào mỗi mục đích đi thi lấy bằng để tiến thân trên hoạn lộ.

             Các hoạt động cải cách về mặt xã hội như bài trừ hủ tục, ăn ở hợp vệ sinh… cũng cho thấy, như cách nói ngày nay thì hơn 100 năm trước, ông đã làm cho Phú Lâm thực sự là một làng văn hóa điển hình, đã thực hiện tốt đời sống văn hóa cơ sở.

              Về kinh tế, việc ông vận động nhân dân phát triển các ngành nghề thủ công, dùng hàng nội hóa, thực hành tiết kiệm, nhất là vấn đề lập Thương hội, Nông đoàn, Hợp xã cũng nhằm nâng đỡ người nghèo, nâng cao vị trí của người lao động, hạn chế sự bóc lột của địa chủ, cường hào, làm cho giá trị con người được tiến dần lên sự bình đẳng trong cuộc sống.

           Lê Cơ đã làm chuyển biến mạnh mẽ kết cấu hạ tầng tâm lý của người nông dân: từ tự ti với thân phận của người dân nghèo suốt đời cày rẻ cấy thuê đến ý thức hợp tác làm ăn tập thể, không phải cạnh tranh mạnh được yếu thua mà là “dĩ nông hợp quần, dĩ thương hợp quần”, hợp tác, tương trợ nhau trong công việc làm ăn (thời 9 năm kháng chiến chống Pháp chúng ta cũng thực hiện chính hình thức tổ chức sản xuất tập thể tương tự như vậy với tên gọi Nông đoàn tập thể và về sau này là hợp tác xã); từ độc canh làm ruộng, làm rừng sang mở mang thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (ngày nay gọi là chuyển dịch cơ cấu kinh tế); từ chỗ chỉ biết có mỗi thứ chữ Nho là chữ Thánh hiền, sang học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Nhật; từ chỗ chỉ biết bên ngoài hầu như có mỗi văn minh Trung Hoa đã chuyển sang tiếp thu trào lưu tiến bộ của văn minh phương Tây, biết đến học thuyết dân chủ, nhân quyền của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Lư Thoa (Rousseau); cho đến cả lối sống hàng ngày như ăn mặc, búi tóc cũng đều sửa đổi. Chỉ mỗi việc cắt búi tóc củ hành thôi cũng đã là một cuộc cách mạng về ý thức, bởi đấy vốn được xem là biểu hiện “quốc hồn quốc túy”, là nơi “bất cảm hủy thương”.

             Tìm hiểu những hoạt động cải cách của Lê Cơ, một mặt chúng ta hiểu được những điểm chủ chốt trong lý thuyết Duy tân của Phan Châu Trinh và những nhà duy tân cải cách đương thời được cụ thể hóa sinh động trong đời sống thực tế ở một làng quê, mặt khác cũng cho thấy những nét độc đáo trong cách nghĩ cách làm của Lê Cơ đã bổ sung như thế nào cho chủ thuyết đó.

             Và một điểm nữa, cũng qua hoạt động tuyên truyền của cả hai phái Duy tân và Duy Tân hội tại Phú Lâm cùng với những gì Lê Cơ đã tổ chức thực hiện ở đây như dạy quân sự học đường, lập trường Dục Thanh, cho thấy ông là một nhà duy tân đặc sắc nhưng vẫn tán thành việc chuẩn bị cho bạo động.

            Có thể thấy, ngoài Phan Châu Trinh là người có chủ thuyết hẳn hoi nên dứt khoát cho rằng trong tình cảnh hiện thời phải bất bạo động - thực chất Phan Châu Trinh chỉ chống bạo động non, chứ ông không phản đối việc chuẩn bị cho bạo động về lâu dài khi có điều kiện, tức là khi đã khai thông được dân trí, chấn hưng được dân khí, bồi dưỡng được dân sinh. Lúc ấy, như ông từng phát biểu, rằng “đông tay vỗ nên bộp” mà “mưu tính đến việc khác”. Với Lê Cơ và nhiều sĩ phu đương thời, họ chỉ “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn”, miễn sao đánh đuổi được giặc Pháp để giành lại độc lập cho nước nhà. Hơn nữa, hoạt động công khai với những việc làm ôn hòa là cải cách về văn hóa - xã hội nhưng chế độ thực dân vẫn thẳng tay đàn áp, buộc họ không còn lựa chọn nào khác là phải chuyển sang bạo động để may ra còn có thể cứu vớt trong muôn một.

              Sự thất bại của Lê Cơ và các đồng chí của ông cả trong hoạt động cải cách và mưu khởi nghĩa đều nằm trong sự thất bại chung của đường lối cứu nước đương thời, mà nguyên nhân căn bản là thiếu một hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường để có được một biện pháp đấu tranh thích hợp: kết hợp bạo lực cách mạng (chứ không chỉ đơn thuần là bạo động) với tuyên truyền về dân chủ, định hướng cho xã hội tương lai, phải chuẩn bị công phu, có một đảng vững mạnh và biết chớp thời cơ đúng lúc mới có thể thành công trong giành, giữ và xây dựng chính quyền mới.

            Qua tìm hiểu hoạt động của Lê Cơ và những sĩ phu cùng thời, nhất là nội dung cuộc họp đầu xuân tại trường Phú Lâm và những diễn biến sau đó đã gợi mở cho chúng ta nhiều điểm đặc sắc trong cuộc vận động chống sưu thuế lúc bấy giờ. Đó không chỉ là một sự tức nước vỡ bờ bình thường, là một sự tự phát chỉ từ một đám giỗ, mà là một kế hoạch bài bản, thể hiện được tài tổ chức, trực tiếp lãnh đạo của các sĩ phu không trong hàng đại khoa. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy điều này ở cuộc vận động khởi nghĩa trong những năm 1911 - 1916 mà Lê Cơ là một yếu nhân.

            Cuộc đời của Lê Cơ quả thật oai hùng. Ở ông toát lên một khí phách bao gồm cả đởm lực, phách lực và thế lực, như Huỳnh Thúc Kháng từng nhận xét: “Về khí phách và đởm lực, Lê Cơ chẳng kém Phan Châu Trinh”. Chính cái diện mạo quắc thước, cái uy tín vươn cành bén rễ trong nhân dân đã tạo nên khí phách và đởm lực của Lê Cơ. Với khí phách đó, Lê Cơ đã sống bất khuất làm cho kẻ thù phải kiêng nể. Với khí phách đó, Lê Cơ đã hiên ngang dẫn dắt công cuộc cải cách ở làng quê Phú Lâm. Với khí phách đó, đối với quan lại cấp trên ông không hề nhún nhường mà còn dám tuyên chiến với cả một bộ máy quan lại, cường hào ác bá; đối với dân xã thì gần gũi chở che. Và cũng với khí phách đó, Lê Cơ đã anh dũng “ra đi” trong năm 1916 mà không hề thẹn với những đồng chí của mình. Đấy cũng chính là nguyên do vì sao sau khi bắt Lê Cơ đày Lao Bảo, thực dân Pháp và quan lại Nam triều ở địa phương cấm người dân không được nhắc đến ông, dẫu chỉ là một cái tên!

            Dù mức độ tôn vinh có khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu hậu thế đều thống nhất ở chỗ: Lê Cơ là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, đã có những đóng góp trong phong trào yêu nước, chống Pháp đầu thế kỷ XX.

             “Ôn cố nhi tri tân”! Trong công cuộc xây dựng một xã hội mới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta lại tưởng nhớ và quý trọng biết bao đối với Lê Cơ - một con người đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm chỉ với một cái tâm trong sáng “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm thi nhất hương”, nghĩa là: Dẫu không làm được việc lớn trong thiên hạ thì cũng thí nghiệm trong một làng. Nhưng những gì ông đã làm đâu chỉ có ý nghĩa trong một làng và trong một giai đoạn lịch sử của những năm đầu thế kỷ XX.

                                        PGS-TS Ngô Văn Minh - Báo Quảng Nam