Chiều ngày 4/11/2024, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước Phạm Văn Đốc có buổi đối thoại trực tiếp với Nhân dân 3 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc và Tiên Hiệp. Các đồng chí Trầm Quế Hương Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Minh Xinh Phó Chủ tịch HĐND huyện, Nguyễn Chính Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan đến dự buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại có nhiều lượt ý kiến nhân dân 3 xã gửi đến các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành chức năng. Cụ thể người dân xã Tiên Hiệp nêu ý kiến về tuyến đường ĐH6.TP Tiên Hiệp đi Tiên Ngọc được xây dựng từ năm 2020 nhưng khi hoàn thành tuyến đường thì đường ống thoát nước chảy thẳng xuống đồng ruộng làm hư hỏng diện tích đất đang sản xuất của bà con; tuyến đường ĐH10.TP từ xã Tiên Hiệp đi Tiên Ngọc đã được đầu tư xây dựng khá lâu nhưng đến nay vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng một số đoạn nên vẫn còn dang dở; hiện một số khu vực xa trung tâm xã Tiên Hiệp điện thắp sáng quá yếu, chập chờn, giờ cao điểm người dân không sử dụng được...
Ngoài ra, người dân Tiên Ngọc cũng đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai giữa Trại tạm giam của Công an tỉnh với một số hộ dân ở thôn 3, thôn 4 xã Tiên Ngọc; đề nghị huyện, xã không nên xây dựng phương án khai thác cây keo lai nằm trong rừng phòng hộ để trồng các loại cây khác mà giữ nguyên hiện trạng các diện tích keo dân đã trồng trái phép trên đó để tạo thành rừng, nếu có người khai thác trái phép thì xử lý theo pháp luật. Vì thực trạng hiện nay trên địa bàn 3 xã vẫn còn tình trạng người dân khai thác keo nằm trên diện tích rừng phòng hộ chưa được xử lý dứt điểm...
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất của người dân để xây dựng Khu tái định cư Đồng Lầy (Tiên Lãnh) nhưng đến nay huyện chưa bố trí tái định cư cho bà con; hệ thống Cụm truyền thanh trên địa bàn xã Tiên Hiệp đã được huyện phê duyệt đầu tư hệ thống truyền thanh IP năm 2024, đến nay chưa thực hiện; nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 1, xã Tiên Hiệp và một số tuyến đường giao thông liên thôn, xóm trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư sửa chữa cũng được bà con phản ánh với lãnh đạo huyện tại buổi đối thoại...
Sau khi tiếp thu các ý kiến của bà con Nhân dân, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng (Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Trạm Kiểm lâm huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Ban Quản lý Dự án huyện, UBND huyện…) trực tiếp trả lời, làm rõ các kiến nghị của người dân ở 3 xã với tinh thần cầu thị, trách nhiệm.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, huyện mong người dân chia sẻ với những khó khăn của huyện khi nguồn thu ngân sách còn nhiều hạn hẹp, nguồn vốn cấp trên bố trí huyện ưu tiên cho các xã về đích xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông mới. Mong muốn người dân thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đồng thuận tích cực tham gia hiến đất, vật trên đất giúp chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình công cộng, dân sinh đạt hiệu quả kế hoạch đề ra.
Đối với Dự án Khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở Đồng Lầy (Tiên Lãnh) do Phòng NN&PTNN làm Chủ đầu tư. Các hộ đã thống nhất bàn giao đất để xây dựng công trình năm 2016 và tổ chức phê duyệt phân lô tổng mặt bằng vào năm 2020 với tổng số là 80 lô đất ở. Huyện đã tổ chức bố trí tái định cư cho 18 hộ di dời thuộc vùng sạt lỡ đến khu vực này để xây nhà ở, ổn định đời sống. Hiện nay, các ngành chức năng đang tiếp tục rà soát lập thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để thực hiện. Dự kiến hoàn chỉnh trình tỉnh thu hồi đất, giao đất hoàn thành trong năm 2024. Sau đó thực hiện xây dựng giá đất tái định cư, xây dựng phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân có liên quan theo đúng quy định.
Đối với vấn đề việc tranh chấp đất giữa trại tạm giam với người dân thôn 3, thôn 4 xã Tiên Ngọc. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Công an tỉnh và UBND huyện phối hợp thu tập thông tin cùng giải quyết.
Đối với hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông IP, Trung tâm Văn hóa Thể thao - Truyền thanh truyền hình huyện đã tiếp tục triển khai ở 5 xã Tiên Hiệp, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Lộc và Tiên Thọ. Đến cuối tháng 9, năm 2024 đã đưa vào sử dụng. Hiện huyện Tiên Phước có tổng số 183 cụm loa truyền thanh (mỗi cụm từ 2 - 4 loa) ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông truyền thanh IP được trang bị đồng bộ cho 15 xã, thị trấn.
Đối với việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ trồng keo lai, khai thác cây keo thì hiện nay, UBND huyện không có chủ trương xây dựng phương án và nghiêm cấm việc khai thác việc khai thác cây keo trong rừng phòng hộ. UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã công bố quy hoạch 3 loại rừng trong đó phân định rõ ranh giới quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) trên địa bàn để Nhân dân được biết. Chỉ đạo UBND xã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng trong đó quản lý chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn (trong đó có diện tích trồng cây keo) để tái tạo thành rừng.
Đối với nhóm vấn đề về điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đại diện Ban Quản lý Điện lực Tiên Phước cho biết, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện Tiên Phước từ năm 2021-2024 là 34,794 tỷ đồng; trong đó đầu tư cho xã Tiên Hiệp trong năm 2024 là 1,5 tỷ đồng (xây dựng mới đường dây trung, hạ thế và Trạm biến áp Tiên Hiệp 6 XT471T42; xây dựng mới đường dây hạ thế sau Trạm biến áp Tiên Hiệp 3 XT471T42).
Ngoài ra, từ năm 2022 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đầu tư 3 hạng mục công trình trên địa bàn xã Tiên Hiệp, quy mô đầu tư 70m đường dây trung thế 22kV, 4km đường dây hạ thế và 2 trạm biến áp 100kVA- 22/0,4kV. Các hạng mục này đang triển khai thi công nhưng còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên chưa hoàn thành để nghiệm thu đóng điện.
Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Đốc cho biết, việc tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là dịp để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Qua đó, tạo đồng thuận trong nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Người đứng đầu huyện đề nghị các cơ quan, ban, ngành, các địa phương khẩn trương từ nay tới cuối năm 2024 cần có hướng xử lý, giải quyết dứt điểm các vấn đề bà con nhân dân nêu ra tại buổi đối thoại.
Riêng đối với vấn đề điện dùng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân ở khu vực xa trung tâm xã Tiên Hiệp bức xúc không thể sử dụng trong giờ cao điểm. Đồng chí Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy cho rằng, gần 50 năm sau ngày giải phóng thống nhất đất nước đến nay mà một xã đạt chuẩn nông thôn mới như Tiên Hiệp vẫn còn tình trạng người dân thắp đèn dầu trong sinh hoạt do điện yếu, điện chập chờn như vậy là lỗi của cán bộ chúng ta. “Tôi đề nghị ngay sau buổi đối thoại này, UBND huyện cùng với lãnh đạo xã Tiên Hiệp và đơn vị Điện lực Tiên Phước ngồi lại với nhau, xem thử vướng mặt bằng ở đoạn nào, khúc nào không thể kéo đường dây điện thì giải quyết dứt điểm ngay, làm sao hạ thế điện sớm nhất để vụ sinh hoạt, sản xuất cho bà con nhân dân. Gần năm 50 sau ngày giải phóng mà chúng ta để người dân thiếu điện trong sinh hoạt, sản xuất là lỗi của chúng ta”- Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Đốc nhấn mạnh.
Nguyễn Hưng - Đài TTTH Tiên Phước