Làm du lịch sinh thái ở quê tôi
Năm 2014 tôi đi công tác bên Nhật Bản, sau những ngày làm việc ở thành phố Osaka, tôi được ông Kojima Phó chủ tịch tập đoàn Nishitetsu mời xuống Kyoto chơi. Kyoto là một cố đô nổi tiếng của Nhật Bản với hơn 1000 năm lịch sử và tồn tại. Nishiteshu là một tập đoàn đa ngành lớn lâu đời của Nhật Bản, hơn 100 năm tuổi có trụ sở chính tại Fukuoka nhưng nhà ông Kojima lại ở Kyoto.
Hôm tôi xuống Kyoto, ông Kojima cùng gia đình gồm vợ và con gái ông đón tôi, đưa tôi về khu nghỉ dưỡng có tên là Hoshinoya mà ông đã đặt sẵn. Sau khi làm thủ tục check in tại Sanbasi cạnh cây cầu cổ Togetsu một điểm tham quan đông nghẹt khách du lịch tại Kyoto, tôi được đưa lên con thuyền gỗ nhỏ để tới nơi nghỉ ngơi, cách Sanbasi hơn 10 phút đi thuyền.
Hoshinoya tọa lạc bên bờ sông Ooigawa là một làng cổ nhỏ và là chỗ ẩn dật nghỉ dưỡng của các quý tộc của Nhật Bản xưa. Hoshinoya hầu như được giữ còn nguyên vẹn mộc mạc, nhìn vừa xưa vừa nay. Khu nghỉ dưỡng có hình thức kết hợp giữa dòng chảy truyền thống của Nhật Bản hòa quyện với nét đẹp của phong cách hiện đại. Ta có thể tận mắt thấy phong cảnh yên bình, cảm giác thoát tục và tưởng tượng cách sống của quý tộc Nhật Bản trước kia. Kiến trúc tinh tế, bố cục hài hòa, giản dị, tôi có cảm giác được đắm chìm vào chiều dài của lịch sử, trải nghiệm cuộc sống khác với thường nhật và tiếp xúc với thiên nhiên Kyoto cùng văn hóa "wabi-sabi".
Lối đi nhà cổ trong Hoshinoya
Hoshinoya có 25 phòng gọi là “quán trọ”, ở Nhật họ gọi là các “ryokan”, và có một đội ngũ nhân viên luôn lịch sự, tận tâm phục vụ. Các phòng đều ấm cúng, thanh lịch và đem lại cảm giác thiền định với bồn tắm lộ thiên thiên nhiên lấy cảm hứng từ những ryokan cổ điển.
Khi ăn tối với nhau, Kojima nói với tôi rằng, ở Hoshinoya có thể trải nghiệm phong cảnh lãng mạn quanh năm, chứng kiến sự thay đổi màu sắc lá cây của 4 mùa, mùa xuân có hoa anh đào, mùa hè ngập tràn màu xanh, mùa thu được nhuộm đỏ, mùa đông chìm trong tuyết trắng... Mặc dù tập đoàn Nishitetsu của ông đang quản lý trên 20 khách sạn hạng sang trên toàn nước Nhật nhưng ông muốn mời tôi ở chỗ này mục đích để tạo cho tôi cảm giác bất ngờ, thay vì cái ồn ào náo nhiệt ở Tokyo, Osaka, Kobe mấy ngày qua, tôi sẽ được đắm mình trong thiên nhiên êm đềm chỉ có ở đây mà thôi. Khu nghỉ dưỡng luôn full, đầy khách nhưng lúc nào cũng giữ được vẻ tỉnh mịch yên ả.
Nhưng cái điều bất ngờ nhất tôi muốn nói ở đây là tôi chợt nhận ra ở Hoshinoya có cái kiểu gì đó rất giống với một làng cổ ở Tiên Phước quê tôi. Đó chính là các ngõ đá và nhà cổ. Thật sự mà nói cái làng cổ ở quê tôi nó không cổ lắm và phong cảnh cũng không đẹp bằng phong cảnh như ở đây nhưng nét hoang sơ, giản dị, đặc thù địa lý rất giống nhau. Điều đặc biệt giống nhất là người Nhật họ giữ lại những bờ đá xếp ngăn nắp hoang sơ hàng trăm năm, cỏ đá rêu xanh bao quanh ngõ đá và những ryokan cổ kính đầy nét văn hóa xưa của Nhật thời Meiji. Khách đến đây chỉ có tĩnh dưỡng và hưởng thụ một thiên nhiên đậm chất văn hóa Nhật. Uống trà, dạo xem bờ đá, tĩnh tâm đọc sách, thiền, ngắm dòng sông buổi sáng yên bình lặng lờ trôi, thế thôi…
Ngõ đá tại Hoshinoya-Kyoto
Chỉ có vậy thôi nhưng cách làm du lịch của họ thật năng động. Biến một làng quê êm ả với ngõ đá, vườn cây, đầy chất thiên nhiên trở thành thiên đường nghỉ dưỡng cao cấp. Giá phòng mà Kojima trả cho tôi một đêm là 1.200 USD, tôi ở 2 đêm hết 2.400 USD. Một cái giá rất cao cho một “lữ quán” chỉ ngắm phong cảnh và trải nghiệm văn hóa cuộc sống như vậy. Người Nhật làm du lịch quá giỏi, “móc túi” khách du lịch quá tài, quan trọng bị “móc hầu bao” nhưng khách đều hài lòng. Văn hóa đúng là vô giá. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều về du lịch quê mình. Năm 2016, tôi có quay lại Nhật Bản công tác, muốn ghé Hoshinoya lần nữa để xem kỹ lại văn hóa đá của họ nhưng bận quá, không đến được, thật tiếc.
Một chổ ngồi uống cafe buổi sáng tại Hoshinoya
Ở quê tôi Tiên Phước hoàn toàn có thể làm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như thế này với văn hóa đá và nhà cổ. Tôi thấy có nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp làm du lịch sinh thái trên quê hương nhưng không có vốn và không có ý tưởng để biết làm sao, tôi nghĩ các bạn có thể tiến hành ngay được. Để làm du lịch ở quê và muốn quê mình trở thành một địa điểm du lịch quốc tế nổi tiếng, chúng ta phải làm từng bước một, “think big, start small” nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ và cách làm phải khác biệt.
Đầu tiên, theo tôi các bạn nên làm Farmstay tức là du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú. Làm Farmstay chứ không phải Homestay nhé. Ở bước đầu này các bạn đừng chạy theo phong trào làm Homestay vì làm Homestay nếu tính không kỹ rất dễ thất bại, cần trường vốn vì khách lưu trú không đều đặn nên bạn rất dễ bị lỗ và chi phí duy trì. Đồng thời, hầu hết khách Homestay đều là các bạn teen trẻ, nên đôi khi họ muốn đến chỉ để check-in, chụp hình “sống ảo”, “chill phết” xong là họ về mà không lưu trú nên mình cũng dễ “bể trận” lắm, dễ đến dễ đi "easy come easy go"...Cho nên mình phải tính cách kinh doanh làm sao cho bền vững, có chiều sâu và đặc biệt phải có nguồn thu, lấy ngắn nuôi dài, không chạy theo đám đông.
Làm Farmstay nó có cái thuận lợi là một số bạn đã có hợp tác xã trang trại nông nghiệp rau sạch hữu cơ có sẵn, đất đã thuê hoặc sở hữu rồi, các bạn chỉ cần làm thêm vài cái nhà gỗ lắp ghép hoặc nhà gỗ thông minh di động hoặc vài cái nhà làm bằng tre thiết kế đẹp, độc, lạ tý là có thể đưa vào khai thác được. Vì sao làm nhà gỗ hoặc tre nứa mà không xây dựng cho kiên cố bằng xi măng, vì vật liệu vậy cho gần gũi thiên nhiên môi trường và quan trọng bạn đỡ phải tốn số tiền lớn chuyển quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang thổ cư, đỡ thời gian xin giấy phép xây dựng. Đã khó rồi nên mình phải biết tiết kiệm, tính toán.
Để có vốn hoạt động và đầu tư nhà gỗ làm du lịch, các bạn nên kêu gọi vốn hoặc tìm nhà đầu tư chứ nếu bán rau lẻ theo cách phổ thông sợ rất lâu mới tích lũy được vốn lớn. Các bạn chủ Hợp tác xã nông nghiệp nên liên kết lại với nhau, hình thành cộng đồng, chủ động tổ chức ra thành phố kêu gọi nhà đầu tư góp vốn đầu tư tiền trước vào trang trại của mình, làm cổ đông của HTX mình luôn. Cổ đông để làm thành viên trong hệ thống nhận rau và thực phẩm sạch chứ không phải cổ đông chia lợi nhuận hay cổ tức nhé. Cái kiểu này tạm gọi là “trang trại chia sẻ” hay “farm sharing”.
Mỗi tháng mình sẽ "ship" rau sạch và các sản phẩm thức ăn khác ở quê cho họ 4 hoặc 5 lần gì đó, giá thấp hơn họ mua ở siêu thị khoảng 5-10%. Họ chỉ cần đầu tư đưa tiền cho mình một lần mà ăn thực phẩm sạch trọn đời, họ được quyền kiểm soát chất lượng tại trang trại mà mình đầu tư. Chỉ cần mỗi nhà đầu tư mua gói cổ phần cỡ từ 100 triệu đồng trở lên của một trang trại, với 10 hoặc 20 cổ đông như vậy một HTX sẽ có ngay hơn 1- 2 tỷ đồng và về triển khai đầu tư nhà gỗ, vốn lưu động. Đồng thời nếu là cổ đông của HTX của bạn, bạn sẽ ưu đãi thêm cho họ 2 đêm nghỉ miễn phí cuối tuần cùng gia đình, con cái để trẻ em được trải nghiệm ở trang trại. Được đi thăm bất cứ Farmstay nào trong hệ thống ở quê vì đã liên kết với nhau. Như vậy nhà gỗ của mình cũng thành ngôi nhà thứ hai “second home” của họ cuối tuần. Biến họ thành khách lưu trú của mình luôn.
Một Farmstay rau sạch thiết kế đơn giản nhưng cực kỳ hút khách du lịch quốc tế ở Thái Lan
Xu hướng ngôi nhà thứ hai để nghỉ cuối tuần giờ ở thành phố họ rất cần. Các gia đình trung lưu ở thành phố có nhu cầu dùng rau sạch rất lớn, 100 triệu hoặc hơn vừa được là cổ đông, vừa được dùng thực phẩm sạch, vừa có ngôi nhà thứ 2 cuối tuần, vừa có chổ cho con cái du lịch trải nghiệm nông thôn không phải là lớn đối với họ, do mình chưa biết cách marketing đánh trúng tâm lý phân khúc khách hàng này thôi. Các bạn cố gắng hướng khách đến xu hướng này nhé.
Khi hệ thống cộng đồng các Farmstay này hình thành, các khách hàng cổ đông giàu có ở thành phố bắt đầu về thăm các nông trại, trải nghiệm, nghỉ dưỡng cùng gia đình cuối tuần và kết hợp thăm các phong cảnh danh thắng ở quê. Chúng ta dần có lượng khách du lịch đều đặn và thương hiệu du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp ở quê hương bắt đầu nâng lên, khách du lịch nội địa bắt đầu để ý tới rất lớn vì có mô hình lưu trú hữu dụng và thực tế. Có cầu ắt tự nhiên cung khỏe. Đây là chiến lược marketing du kích “guerilla marketing”.
Bước tiếp theo sau Farmstay, các bạn bắt đầu có vốn và nguồn thu, chúng ta nên mở rộng Farmstay hoặc kết hợp với nhà đầu tư khác đầu tư mở mới khu nghỉ dưỡng du lịch thu hút khách nước ngoài theo xu hướng Wellness Tourism, tức là du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Những mô hình nghỉ dưỡng kiểu này nên làm các Bungalow với các vật dụng tự nhiên, đơn giản, gần gũi thiên nhiên, có thể làm nhà tranh vách đất, thêm cái hồ bơi vô cực nữa thì tuyệt. Các khu này tên tiếng Anh thường gọi là Retreat, Hideaway, Escape, Ecolodge…
Hiện nay, nhu cầu của khách nước ngoài cho mảng du lịch Wellness này rất lớn, đây là những khách có tiền muốn làm mới cuộc sống, duy trì năng lượng, tái tạo tinh thần. Họ thường đi du lịch theo dạng trọn gói liệu trình: Yoga, Meditation, Detox, Spa có nghĩa là: Yoga, Thiền, Thanh lọc cơ thể và Spa làm đẹp. Những khu nghỉ dưỡng này thường nằm trên vùng miền núi, làng quê, gần sông suối, gần rừng thiên nhiên, không gian yên tĩnh để khách trải nghiệm, hòa mình cùng thiên nhiên. Tiên Phước có vị trí địa lý lý tưởng, rất thích hợp cho xu hướng và mô hình du lịch mới này. Thường thường khách này có khi đi một mình "solo travel" hoặc một nhóm "group travel" cùng nhau. Thời gian lưu trú khoảng 7 ngày trở lên. Hiện nay, Chiang mai-Thái Lan và Bali-Indonesia đang thu hút khách nước ngoài dạng này rất mạnh.
Chỗ Spa cho khách ở một Wellness Retreat nằm giữa rừng ở Bali
Cùng với lượng khách nội địa của Farmstay, khách du lịch nước ngoài theo xu hướng Wellness đến lưu trú. Hạ tầng du lịch cũng đã cơ bản hoàn thiện. Lúc đó Tiên Phước bắt đầu có thương hiệu và sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái mới lạ của Việt Nam. Lúc này, các bạn bắt đầu tiếp tục chiến dịch marketing và thu hút một loại hình khách du lịch nước ngoài lưu trú kiểu mới về Tiên Phước. Đó là khách nước ngoài du mục kỹ thuật số “digital nomad”.
Đây là những khách trẻ thế hệ Millennials có trình độ, vừa đi du lịch vừa làm việc, thích tự do, không cần văn phòng. Họ đến từ các thành phần khác nhau khắp nơi trên thế giới như lập trình viên máy tính, những nhà marketing online, những nhà viết tiểu thuyết, nhà báo, nhà nghiên cứu, kế toán, bảo hiểm, luật sư, kiến trúc sư…Phổ biến nhất là dân công nghệ thông tin, người viết phần mềm, phát triển Internet…Dạng khách du lịch này họ thích về các khu nhà nghỉ dưỡng miền quê trên núi thiết kế phong cách kiểu boutique, đẹp, tối giản “minimalism”, có không gian làm việc chung “co-work”, sống chung ”co-live”, giá cả phải chăng, sống thành cộng đồng với nhau “networked community”, kết bạn phát triển mối quan hệ toàn cầu với những người cùng chí hướng “like-minded”. Thời gian lưu trú thường 1 tháng trở lên. Hiện nay thị trấn Ubud ở Bali là điểm đến số 1 cho dân du mục kỹ thuật số trên thế giới tại châu Á. Mà thị trấn Ubud phong cảnh và kiểu thiên nhiên cũng rất giống với Tiên Phước.
Một phong cảnh tại thị trấn Ubud
Theo nghiên cứu của tôi, hiện nay dân du mục kỹ thuật số đang dần chuyển hướng qua Việt Nam, họ chọn Đà Nẵng và các vùng quê phụ cận Đà Nẵng để qua du lịch và ở làm việc, bán kính cách sân bay quốc tế khoảng 2h đi xe hơi là thuận lợi. Ước tính sẽ có 1 tỷ dân du mục toàn cầu vào 15 năm tới, tiềm năng dài hạn rất lớn. Theo xu thế du lịch hiện nay thì các Resort xa hoa ven biển đang dần trở nên ít hấp dẫn, nhàm chán với du khách quốc tế, họ thích trải nghiệm văn hóa làng quê và khám phá mạo hiểm hơn khi đi du lịch. Tiên Phước rất thích hợp và tiềm năng trở thành điểm lựa chọn này. Du lịch cho dân Wellness và du mục kỹ thuật số nên được xem là “át chủ bài” của Tiên Phước trong tương lai. Nếu đi đúng hướng, 10 năm nữa Tiên Phước sẽ là địa điểm du lịch sinh thái Wellness nổi tiếng cho người nước ngoài, và là ngôi nhà chung không thể thiếu của dân du mục toàn cầu nơi thu hút sáng tạo công nghệ hàng đầu Đông Nam Á. Cộng đồng công nghệ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung về đây tích hợp ở và làm việc, trở thành một thị trấn Ubud thứ 2 ở Châu Á.
Để hiện thực hóa được điều này, cần sự chung tay rất lớn của tất cả mọi người, đặc biệt các bạn trẻ cùng quê, học giỏi biết tiếng Anh, tâm huyết, khát vọng, biết “think global, act local”. Các bạn trẻ ở bài xuất khẩu trước, tôi khuyên mở Đại lý tư vấn xuất khẩu và marketing kỹ thuật số. Nay các bạn thêm vào chức năng du lịch nữa nâng cấp lên là Trung tâm Tư vấn du lịch - xuất khẩu - marketing kỹ thuật số, tạm gọi là “Travel-Export and Digital Marketing Consulting Centre”. Các bạn sẽ giúp các ông bà chủ hợp tác xã nông nghiệp, các chủ Farmstay, các khu nghỉ dưỡng và cả địa phương làm marketing, quảng bá quê hương Tiên Phước ra toàn cầu. Các bạn làm Vlogger, Blogger, Youtuber…tích cực quảng bá quê hương bằng tiếng Anh trên các forum, mạng xã hội hoặc tạp chí nước ngoài. Áp dụng luôn chiến thuật marketing B2B sales, Peer to Peer referrals, WOMM, cả online lẫn offline…Đồng thời, các bạn nên viết các content bằng tiếng Anh cực hay, cực độc, có hồn để thu hút khách nước ngoài, tạo Trend du lịch về Tiên Phước. Đây là chiến lược tổng lực Viral marketing.
Khi có cộng đồng dân du mục kỹ thuật số quốc tế về sống, họ cảm nhận được mình, thấy hay họ sẽ viết review tốt về quê mình, từ đó tiếng lành đồn xa “hữu xạ tự nhiên hương”, thương hiệu từ đó mà ra, bất chiến tự nhiên thành. Dân công nghệ nước ngoài rất giỏi viết review và làm marketing online. Trong số dân du mục kỹ thuật số đi du lịch kết hợp làm việc, có rất nhiều phóng viên quốc tế của các kênh truyền thông hàng đầu thế giới như The New York Times, Washington Post, Forbes, WSJ, Vogue, CNN, BBC, CNBC…Chỉ cần các bạn truyền tải được thông điệp, “thổi hồn” được cái văn hóa của quê hương mình vào trái tim họ, họ sẽ có những bài viết hoặc thước phim quý giá về quê hương mình. Chỉ cần Tiên Phước được ghi là địa danh cần viếng thăm trong cuốn sách hướng dẫn du lịch cầm tay Lonely Planet hoặc may mắn có 5 phút trên đài truyền hình CNN, du lịch Tiên Phước sẽ “bùng nổ” toàn cầu ngay.
Ngoài ra các bạn còn hỗ trợ làm dịch vụ gia hạn visa cho khách ở dài hạn, hướng dẫn viên, thiết kế tour trải nghiệm làng quê, dịch vụ đổi tiền, đưa đón sân bay, dạy nấu ăn ẩm thực quê, tổ chức các events… Giúp các chủ Farmstay kết nối các ứng dụng công nghệ đặt phòng hiện đại trên Airbnb, Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Luxstay…Tận dụng tối đa các kênh OTA “Online Travel Agent” để thu hút khách, buộc khách phải tự tìm về với quê mình.
Một thắng cảnh tự nhiên ở Tiên Phước
Mình phải tạo nên sự khác biệt, mình phải là người đi đầu tiên. Phải tự tin chính mình, biến điều không thể thành có thể. Phải làm sao để tất cả mọi người cùng hưởng lợi, nhất là người nông dân nghèo quê mình. Phải bền bỉ giữ lửa đam mê đến cùng vì “Rome wasn't built in a day”. Mình phải làm marketing ngược, làm thương hiệu sao buộc khách phải tự tìm về mình chứ mình không đi tìm khách nữa, lúc đó mình thành công. Đời người như dòng nước chảy xiết, không gặp tảng đá lớn, sao có thể bắn tung những bọt sóng diễm lệ như những đóa hoa?. Xem tuổi trẻ mình như đóa mai ngạo nghễ tuyết sương, khát vọng mùa xuân và ánh nắng, chống chọi gió mưa và khổ nạn để biểu lộ vẻ kiêu sa kiên trì. Hào quang luôn đứng đằng sau ánh bạc của sự hồ nghi.
Đôi khi một địa điểm du lịch trở nên thành công, thu hút nhiều khách không phải vì cảnh đẹp hay ẩm thực ngon, mà vì yếu tố con người. Chỉ cần một nụ cười ấm áp, một ánh mắt cởi mở chân thành, một thái độ chuyên nghiệp cũng để lại cho du khách sự bình yên đến lạ kỳ. Mỗi một bạn trẻ hãy là một “Đại sứ du lịch” cho quê hương. Hình ảnh của bạn cũng là hình ảnh của quê hương mình. Ngoài cái được lợi lớn là tiền bạc thì các bạn sẽ hiểu hơn về du lịch của cộng đồng dân công nghệ, học được sáng tạo, tri thức được soi sáng, tâm hồn được rộng mở, được phụng sự quê hương. Thiên thời địa lợi nhân hòa, biết đâu sẽ có một startup kỳ lân công nghệ nổi tiếng toàn cầu được “code” và xuất phát từ quê hương Tiên Phước mình. Hoặc một tiểu thuyết lừng danh thế giới được viết từ bối cảnh Tiên Phước thì sao. Lỡ mơ rồi, mơ cho lớn luôn, đời thay đổi khi ta thay đổi mà.
Một con ngõ êm đềm ở làng cổ Lộc Yên - Tiên Phước
Tiên Phước là miền đất văn hóa chưa được khai thác khám phá, vùng đất khởi đầu phong trào Duy tân, đất “địa linh nhân kiệt”, là con chim Phượng Hoàng ngủ quên chưa được đánh thức tái sinh. Du lịch bền vững rất quan trọng trong hệ sinh thái phát triển chung cả về văn hóa, môi trường và kinh tế. Ý tưởng này là sự kết hợp giữa văn hóa, tâm linh, du lịch, nông nghiệp bền vững và quản lý đất với việc thu hút nhân tài công nghệ, tạo hạ tầng kỹ thuật một cách độc lập, sáng tạo. Đón đầu xu hướng quốc tế, tạo sự chủ động dựa trên nền tảng tiềm năng sẵn có của mình theo tiến trình hội nhập thời đại công nghệ hóa toàn cầu.
Xây đắp một cộng đồng tốt, cải thiện điều kiện sống của người dân là việc cần làm trước tiên của du lịch sinh thái ở Tiên Phước, bảo tồn nguồn gen bản địa, gìn giữ môi trường bền vững cho thế hệ mai sau. Hạn chế áp dụng tiêu chí “nông thôn mới” vào làng cổ để tránh “bê tông hóa” phá vỡ cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng từ xưa. Tạo một nền kinh tế nông nghiệp sinh học thuận tự nhiên “permaculture”, phát triển giáo dục theo hướng đạo đức, ươm mầm nghệ thuật, phát huy xã hội nhân văn. Hội nhập ứng xử công dân toàn cầu, tôn trọng tính sáng tạo, đa dạng hiện đại trong sức sống và văn hóa tín ngưỡng, lan tỏa văn hóa tinh thần cộng đồng, làm chủ tâm mệnh, tưởng nhớ tiền nhân. Con người dần đối xử nhau chan hòa hơn, bác ái hơn, mỗi thành viên trong cộng đồng đều có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Dần dần tạo nên một xã hội yêu thương, bao dung, hạnh phúc, tự do, phồn vinh và văn minh. Nếu lạc mất mình trong vòng quay cuộc đời, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ lỡ cả ý nghĩa cuộc sống. Du lịch gắn với văn hóa, trái tim thì bền vững, còn gắn với thực dụng thì chỉ “chóng nở chóng tàn”.
Đã đến lúc con chim Phượng Hoàng cần được đánh thức để giang cao đôi cánh bay vào bầu trời xanh của tự do và thịnh vượng ! It’s now or never…
Theo Một Người Con Tiên Phước Xa Xứ