Làm báo thời bao cấp
Những năm 80 của thế kỷ XX, báo chí - nhất là báo chí địa phương, có chung đặc điểm là ngợi ca, tô hồng dù cuộc sống đầy khó khăn vất vả.
Không thể vô hiệu hóa được tiếng nói phản biện của Đài TTTP, lãnh đạo huyện chuyển anh Trần Quang Bửu sang cơ quan khác, điều chị Phạm Thị Như Lại về làm Trưởng đài TTTP. Lúc bấy giờ, qua thực tế, tôi cũng đã “cứng cáp” với nghề báo hơn. Ngoài viết bài cho đài huyện, tôi còn viết bài cộng tác với Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, Thông tấn xã Việt Nam và một số tờ báo ở trong Nam ngoài Bắc. Mặt trái đời sống xã hội ở vùng quê nhấp nhô gò đồi lúc bấy giờ đã “vượt biên giới huyện” lan tỏa trong tỉnh trong nước.
Hồi đó, nhà báo Phan Tấn Tu ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng lên Tiên Phước công tác, được tôi dẫn đi thực tế khắp nơi để rồi sau đó anh có bài “Trăn trở sông Tiên” khiến các vị lãnh đạo huyện không hài lòng. Bởi dưới thời chị Phạm Thị Như Lại cầm trịch Đài TTTP, chị đã thay đổi “chiến thuật” bằng cách chỉ đạo tôi viết bài chống tiêu cực đăng trên các báo trước, sau đó mới phát trên đài huyện. Là người “bất trị”, vì thế chị Phạm Thị Như Lại đã phải ra đi, nhường chiếc ghế Trưởng đài TTTP cho anh Nguyễn Tá.
1. Tôi vẫn còn nhớ, lúc bấy giờ sau 5 năm cầm súng làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K, tôi chuyển ngành về quê làm phóng viên Đài Truyền thanh Tiên Phước (TTTP). Thấy tôi có “năng khiếu” viết về mặt trái của đời sống xã hội, anh Trần Quang Bửu - Trưởng đài, khuyến khích tôi chống tiêu cực bằng cách mở chuyên mục “Ý kiến người sông Tiên” trên sóng đài huyện. Đương nhiên, nhiều vị lãnh đạo ở huyện bất bình, tỏ thái độ răn đe vì “xốn tai” bởi những bài viết có nội dung phê phán. Anh Trần Quang Bửu chẳng những không nao núng tinh thần mà còn động viên tôi vững tay bút. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Luật Báo chí chưa có, Đài TTTP hoạt động dưới sự chỉ đạo về nội dung của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Ban Tuyên giáo Huyện ủy yêu cầu kiểm duyệt các bài viết cho chuyên mục “Ý kiến người sông Tiên” trước khi đài huyện phát sóng. Anh Trần Quang Bửu tương kế tựu kế, chuyển những bài viết về “người tốt việc tốt” vào chuyên mục “Ý kiến người sông Tiên”, còn những bài viết chống tiêu cực cơ cấu vào chuyên mục “Phóng sự điều tra” để phát sóng.
2. Là người thứ ba nắm quyền lãnh đạo Đài TTTP, anh Nguyễn Tá biết rõ hai vị tiền nhiệm ra đi vì “lý do tế nhị” nhưng anh vẫn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em phóng viên viết bài chống tiêu cực. Lúc bấy giờ, ngoài viết báo tôi còn tập tành viết văn. Sau bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 19.5.1989, tôi viết tiếp bút ký “Tiếng chim không báo điềm lành” đăng trên tạp chí Đất Quảng số 60/1990. Cả hai đều phản ánh tình trạng tham ô nhũng lạm tràn lan ở các hợp tác xã nông nghiệp trong huyện, khiến xã viên đói ăn rách mặc, đau ốm triền miên.
Lãnh đạo huyện chưa kịp có ý kiến gì thì tôi lại viết phóng sự điều tra, phanh phui những tiêu cực ở Công ty Xuất nhập khẩu huyện. Lần này, lãnh đạo huyện quyết tâm “buộc tội” và cho tôi nghỉ việc. Tôi chỉ có một buổi chiều để tìm cách đối phó, bởi tối hôm đó Huyện ủy tổ chức cuộc họp do Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì. Anh Nguyễn Tá không được mời họp nhưng thấy tôi “đơn thương độc mã” nên quyết định cùng đi. Bị chặn lại ở cửa ra vào, anh cãi: “Tôi là người duyệt phát bài báo đó. Tôi cũng có liên quan...”. “Nhưng Nguyễn Tam Mỹ không viết anh lấy chi mà duyệt? Chúng tôi làm việc với người viết, không làm việc với người duyệt phát bài báo đó”. Vị lãnh đạo huyện phẩy tay bảo.
Bước vào phòng họp, tôi thấy ngoài Ban Thường vụ Huyện ủy, còn có đại diện các cơ quan thuộc khối nội chính: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… Thường ngày, họ mỉm cười thân ái với tôi nhưng bấy giờ trông ai cũng mặt lạnh như tiền. Tôi hơi chột dạ. Chủ trì cuộc họp quy kết cho tôi hai cái “tội” tày đình: Dùng ngòi bút chống phá chính quyền cách mạng và kháng cự lại sự chỉ đạo về công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Cuộc họp kéo dài đến 12 giờ đêm vẫn chưa buộc tội được tôi. Anh Trương Thạnh lúc bấy giờ làm Chánh Văn phòng Huyện ủy, chạy đi mua mấy chục ổ bánh mì đem về phát cho mọi người ăn lót dạ để giải quyết dứt điểm “trường hợp Nguyễn Tam Mỹ”. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có tài hùng biện để phản bác lại sự quy chụp vô lý đó. Cuộc họp kéo dài đến 2 giờ sáng vẫn không có đủ cơ sở để buộc tôi thôi việc. Cuối cùng, chủ trì cuộc họp “xuống xề” ép tôi nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm vì dùng nhiều từ hơi nặng nề trong bài phóng sự điều tra. Anh Nguyễn Tá cứ đi đi lại lại ở hành lang, thấy tôi từ phòng họp bước ra, vội hỏi: “Thế nào, em?”. Tôi cười: “Vẫn là lính của anh! Chỉ bị phê bình vì dùng từ ngữ hơi nặng nề khiến người trong cuộc bức xúc…”. Anh ôm tôi thật chặt!
3. Được cán bộ đảng viên chân chính và quần chúng nhân dân ủng hộ, sau “sự kiện” đó, anh Nguyễn Tá chỉ đạo tôi viết phóng sự điều tra về cơ chế xin - cho và thói cửa quyền ban phát của Phòng Tài chính huyện. Chẳng ai có ý kiến gì. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của đài bị cắt, lương của cán bộ, phóng viên, công nhân viên của đài cũng bị chậm trễ. Một tháng rồi hai tháng. Một quý rồi hai quý… Đài huyện ngừng hoạt động. Các đài truyền thanh cơ sở Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Hiệp, Tiên Sơn, Tiên Thọ… cũng đóng cửa. Cán bộ, phóng viên, công nhân viên của đài huyện buộc phải tự bươn chải kiếm sống. Anh Nguyễn Tá ở nhà phụ giúp vợ bán hàng tạp hóa. Chị Hoàng Ngọc nhận đơm cúc áo thuê cho các tiệm may để độ nhật. Vợ chồng Thái Mỹ nấu chè đậu ván mở quán bán ngay trước cổng đài huyện để kiếm đồng ra đồng vào. Còn tôi bỏ cơ quan đi viết báo cộng tác với các tờ báo ở trong Nam ngoài Bắc. Gần một năm sau, cán bộ, phóng viên, nhân viên mới được trả lương, đài huyện mới được cấp kinh phí hoạt động trong tình trạng èo uột. Rồi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Tôi được rút lên tỉnh làm phóng viên Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam.
Thời gian trôi qua. Bây giờ nhớ lại những năm tháng làm báo thời bao cấp, trong tôi lẫn lộn bao niềm vui nỗi buồn. Và đó là những kỷ niệm nhớ mãi không quên…
Nguyễn Tam Mỹ -Báo Quảng Nam