www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lựa chọn động lực tăng trưởng

Hôm qua 14.10, bên lề ngày làm việc của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu xung quanh các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển nhanh và bền vững…

 

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước

“Phát triển thành vùng trọng điểm kinh tế vườn, trang trại”

Kinh tế vườn, trang trại vốn là thế mạnh của Tiên Phước. Mục tiêu phát triển địa phương thành “vùng trọng điểm kinh tế vườn, trang trại của Quảng Nam” sẽ cần đến việc đầu tư giao thông, thủy lợi, nâng cấp hồ đập, khai thác tối đa nguồn nước sông, suối ngầm và đầu tư các công trình tưới bằng hệ thống nước tự chảy, giếng, bể, ao chứa nước.

Nguồn lực đầu tư sẽ dựa vào ngân sách nhà nước, nội lực nhân dân và xã hội hóa. Một quy hoạch tổng thể, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch chi tiết, phân vùng sản xuất đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi sẽ được rà soát. Nhà vườn xanh, sạch, đẹp sẽ được tôn tạo, chỉnh trang, liên kết vườn, trang trại chất lượng hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả sạch, sản lượng lớn để phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Tiên Phước sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách mới của trung ương, tỉnh, thu hút các doanh nghiệp hợp tác đầu tư giống, vật tư, công nghệ và bao tiêu sản phẩm, xây dựng và nhân rộng điển hình mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) trong phát triển kinh tế vườn, trang trại.

Cuộc cách mạng phát triển này sẽ dựa trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, sơ chế sau thu hoạch. Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, nông hộ, trang trại bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng; tập trung cải tạo, chọn lọc, xây dựng các vườn ươm giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo thuận lợi cho kinh tế hộ, các chủ trang trại tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm.

Tiên Phước sẽ chủ động khai thác, huy động các nguồn lực, tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ hiện hành, xây dựng, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành cơ chế mới hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản, khôi phục phát triển cây dược liệu, keo nguyên liệu, dó bầu, quế... Ngân sách huyện sẽ tăng mức hỗ trợ kinh tế vườn, trang trại gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, Tiên Phước cũng đã xác định sự thành công của chương trình này phụ thuộc rất lớn vào tín hiệu của thị trường, sức năng động của doanh nghiệp và cơ chế chính sách nhà nước. Vì vậy, địa phương sẽ tăng cường tiếp cận thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị, máy móc sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt tiêu Tiên Phước, lòn bon, thanh trà. Vận động doanh nghiệp, trang trại xây dựng các trang website để giới thiệu sản phẩm; xúc tiến mạnh trong việc quảng bá, ký gửi sản phẩm đặc sản vào các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, hội chợ và các tour du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm đặc hữu của địa phương.

Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước

Phát triển nông nghiệp hàng hóa bằng cách nào?

Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, ngoài 3.600ha đất sản xuất các mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại, mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ 2.400ha lúa. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy việc canh tác vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, trong đó nguyên nhân phần lớn là do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức.

Ông Hiệu nói: “Trong số 3.600ha đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại của Tiên Phước, tính đến thời điểm này mới chỉ có 5% diện tích chủ động nguồn nước tưới. Tương tự, hiện nay toàn huyện cũng mới có 38% trong tổng số 2.400ha đất lúa đảm bảo nước tưới. Chính vì quá khó khăn về khâu thủy lợi nên năng suất lúa và các loại cây trồng chủ lực của địa phương đạt thấp, dẫn đến giá trị kinh tế không cao”.

Theo ông Hiệu, muốn sớm hóa giải “bài toán khó” này, yêu cầu bắt buộc là phải khẩn trương đầu tư xây mới, nâng cấp hàng loạt công trình thủy lợi. Trong đó, bức thiết nhất là các hồ chứa và đập dâng như Thắng Lợi, Suối Chảy, Sây Mưa, Mò Ó, Suối Thỏ trên địa bàn xã Tiên Sơn, Tiên Châu, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Phong. “Bây giờ, muốn thi công 5 công trình trọng yếu đó, cần phải có 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do là địa phương miền núi, ngân sách quá eo hẹp nên huyện Tiên Phước không thể gánh nổi khoản tiền lớn ấy” - ông Hiệu bộc bạch.

                                               Nguyễn Sự - Trịnh Dũng, Báo Quảng Nam