Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng
Sáng nay (15.4), tại huyện Tiên Phước, UBND tỉnh tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – nguyên quyền Chủ tịch nước nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nước. Lễ truy tặng diễn ra đúng dịp 66 năm ngày mất của cụ.
Dự lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Phó trưởng Ban kinh tế trung ương Nguyễn Xuân Cường; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Lam; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Ban thi đua – khen thưởng trung ương; lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho lãnh đạo tỉnh và gia tộc cụ Huỳnh. |
Dự lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng có đồng chí Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Cửu, cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đoàn đại biểu Quốc hội cùng lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo huyện Tiên Phước, xã Tiên Cảnh, gia tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh…
Chủ tịch nước tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Cửu. |
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đọc tóm tắt tiểu sử, công lao, thành tích của cụ Huỳnh Thúc Kháng: cụ sinh ngày 01.10.1876 tại làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước trong một gia đình nông dân, gốc Nho học. Thuở nhỏ lấy tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, đi học lúc 8 tuổi, đến năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm Canh Tý (1900), cụ dự thi Hương và đậu Giải nguyên. Năm Giáp Thìn (1904), cụ đỗ Tiến sĩ, cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, cụ bị bắt trong năm Mậu Thân (1908), rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do.
Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, cụ Huỳnh Thúc Kháng cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, cụ từ chức. Năm 1927, cụ sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản (1943). Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Viếng hương Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng. |
Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước. Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại gia đình chị Võ Thị Tuyết, thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn (xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
Viếng hương mộ thân sinh cụ Huỳnh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi về nước đã đánh giá công lao to lớn của cụ: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh – quyền Chủ tịch nước, sự săn sóc của Quốc hội, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều khó khăn, công việc kiến thiết đất nước cũng có nhiều tiến bộ…”.
Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời, cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc". Với nhiều công lao, thành tích to lớn, ngày 27 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân dân huyện Tiên Phước và gia tộc cụ Huỳnh. |
Sau phút mặc niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó trưởng Ban thi đua – khen thưởng trung ương Vương Văn Đỉnh công bố quyết định khen thưởng Huân chương Sao Vàng của Chủ tịch nước dành cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Chủ tịch nước trò chuyện thân mật với thân nhân cụ Huỳnh Thúc Kháng. |
Chủ tịch nước kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi gương cụ Huỳnh Thúc Kháng đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu cao cả dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…