www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lễ hội Kỳ Yên của người Tiên Phước

Từ xa xưa, cứ mỗi độ Xuân về, người dân ở các miền quê Tiên Phước lại tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên (hay cầu an) là một trong những lễ hội được nhân dân tổ chức quy mô, long trọng nhất trong mỗi cộng đồng làng. Lễ hội được tổ chức ngay tại không gian Đình Làng với tâm nguyện cầu “Phong điều vũ thuận” - mùa màng bội thu, “Quốc thái dân an” - làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh. Ngày Kỳ Yên cũng là ngày tế Tiền Hiền - Hậu Hiền, Tiền Bối - Hậu Bối. Chúng tôi đã tìm về những ngôi làng ở các miền quê của Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh… để nghe các bậc cao niên kể lại những kỳ Lễ hội vẫn còn đọng nguyên trong ký ức.

Lễ Kỳ Yên bắt nguồn từ nếp nghĩ quý trọng công lao của các bậc tiên tổ có công, biểu thị tư tưởng truyền thống uống nước nhớ nguồn, một hình thức tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng bồi đắp cho địa phương. 

Lễ Kỳ Yên diễn ra trong những ngày đầu xuân, khi vụ mùa đã xong, thời tiết thuận lợi. Nghi lễ được tiến hành theo sự hướng dẫn chủ lễ; theo nghi thức, ngay từ sáng sớm, Ban quý tế cử người bưng một khay gỗ có trầurượuhươngđèntiền lễ  cùng 4 quân hầu cầm 4 món thuộc Lỗ bộ (các loại binh khí) và Ban nhạc lễ ra tận cổng để rước Tổ hát bội vào đình, rồi đặt trang trọng sau hậu trường. Sau khi an vị Tổ hát bội xong, một đám rước với đầy đủ chiêngtrốngcờlộng cùng đội nhạc lễ, đội lân... đi đến nhà thủ sắc (sắc phong do Vua ban). Đi đầu đám rước là chiêng, trống, kèn, kế đó là các vị chức sắc, những người trong Ban tế tự - những người này có nhiệm vụ như là những người dẫn đầu đám rước. Tiếp là hai viên chức trong làng, một người ôm ấn - kiếm của thần và một người khác bưng dàn Lỗ bộ nhỏ. Tiếp sau là những người ăn mặc như lính hầu đi hai bên, mỗi bên khoảng 4 người, tay cầm cờ phướn, đao, kiếm, thương. Thủ sắc được rước bằng long đình theo đường bộ.

Khi đám rước đến nơi giữ sắc thần thì các vị chức việc vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế, gọi là lòng văn nghinh, ngắn gọn, chức việc đứng đầu bưng hộp đựng sắc trao cho Chánh ban quý tế rồi đem ra đặt vào long đình, để đưa sắc về đình.

Đến đình, cử hành một nghi thức an vị: Tế một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà. Sau lễ này, các chức việc dâng hương ra mắt thần theo sự chỉ đạo của chủ lễ xướng. Trong thời gian sắc thần để ở đình, dân chúng đến lễ bái và dâng hoa quả, bánh trái và tiền bạc đóng góp phần tài chính cho việc tế lễ Kỳ Yên.

  Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc. Nghi thức khi hồi sắc phải tế một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà, đọc một bài văn tế gọi là lòng văn tống. Nghi trượng hồi sắc giống như nghi trượng thỉnh sắc. Khi sắc tới nơi cất giữ cũ lại cử hành lễ an vị với một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Sau đó đám rước tự giải tán.

Ngày đầu tiên là lễ Túc Yết tức là cúng tế vị Tiền hiền, người đã có công khai khẩn, lập làng, đồng thời lễ tế cũng bày tỏ lòng tri ân đến những vị có công khai cơ, những người có công với đất nước. Theo các vị cao niên, khi đến giờ hành lễ các thành viên của Ban tế tự phải mặc áo dài, khăn đóng đứng sắp hàng hai bên cùng với ban nhạc lễ. Toàn bộ nghi lễ đều tiến hành theo lệnh của người thủ xướng đứng hai bên hương án kế vị chủ tế. Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, dâng trà, dâng rượu, đọc văn tế, vái lạy đều phải đúng theo  lời của người thủ xướng, do đó người thủ xướng là người hay chữ nhất trong làng, vì mới có thể thuộc lòng các điển lễ, tế tự theo các truyền thống lễ hội từ xưa. Các phụ lễ có nhiệm vụ giúp chánh tế dâng lễ vật theo nhịp phách của dàn nhạc diễn tấu để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trong lễ Túc Yết còn có lễ mở sắc thần để nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân, vì vậy người thủ xướng luôn được dân làng trọng vọng nhất.

Sau các phần nghi thức lễ cúng tế là phần Hội, đây là phần sôi động tươi vui nhất trong kỳ lễ. Trong ngày hội, ai ai cũng đua nhau ăn mặc đẹp, trang điểm lịch sự, đi lại vui chơi, giao tiếp thân tình. Đây cũng là dịp trai đi tìm vợ, gái đến tuổi kén chồng có cơ hội gặp nhau để kết tình trao duyên. Lễ hội là dịp trưng bày tài nghệ, sự khéo léo của dân chúng, là dịp chị em phụ nữ thi tài làm bánh, thổi xôi (thông qua lễ vật dâng cúng), cũng là dịp để các nghệ nhân giới thiệu tài chưng kết bằng hoa quả, cây lá, giới thiệu bộ đỉnh đồng, cái lọ cắm hoa. Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vị bô lão trong bộ áo dài, khăn xếp ngồi đánh trống chầu hay những nam thanh, nữ tú hân hoan tìm về nguồn cội dân tộc. Không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng sau mùa hội Kỳ Yên. Thông thường trong phần Hội có phần “Xây chầu - Đại bội”, tức là đánh trống cầu cho mưa thuận gió hòa và hát múa cầu cho bốn mùa cây trái tốt tươi. Đây là phần hát múa mà dân làng phải chọn được những nam nữ có giọng hát hay, múa giỏi để trình diễn, sau đó là một tuồng hát bội do các bô lão lựa chọn. Trong dịp Lễ, dân làng cũng tổ chức ăn uống linh đình, người ta giết trâu, bò, heo,… và thếch đãi cả khách qua đường. Niềm hân hoan đó còn đọng lại trong dân gian Tiên Phước:

Tháng giêng vui lễ Kỳ Yên
Tạ ơn tiên tổ trời thiêng độ trì
Muôn dân trăm họ khắc ghi
Đồng tế Túc Yết hội kỳ mùa xuân
 

Lễ hội Kỳ Yên chính là một trong những yếu tố văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Tiên Phước đang thực hiện chiến lược phát triển du lịch, xây dựng vùng đặc trưng của Trung du xứ Quảng. Năm 2018, huyện Tiên Phước dự định sẽ tái hiện Lễ Kỳ Yên trong Lễ hội VH-TT các huyện miền núi, hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới trong chiến lược bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Lễ hội ở vùng quê Tiên Phước trong những năm tiếp theo.
 
                          Công Dung - Kim Thiện, Phòng VHTT Tiên Phước