www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lạ lùng nghề nuôi ong 'tử thần'

 Đến huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ông bạn xứ này đãi tôi 'combo' các món chế biến từ nhộng ong vò vẽ tại một quán địa phương. Hỏi nhộng ong sao có nhiều thế, thì chủ quán nói: 'Chừ dân ở đây nuôi cả ong vò vẽ, ăn mút mùa không hết'.

Nhấp ly rượu sim, ông bạn cao hứng bảo nuôi ong ruồi hiền lành lấy mật là thường quá rồi. Dân xứ Tiên (Tiên Phước) nuôi cả “ong tử thần” này để phục vụ nhu cầu ẩm thực. Nuôi ong vò vẽ còn góp phần bảo vệ mùa màng, tăng năng suất các loại cây ăn quả. Mỗi mùa ong, các hộ có thể thu nhập hàng chục triệu đồng từ nhộng ong. Rồi ông bạn “chỉ điểm” tôi đến làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh để gặp môt trong những tay nuôi ong có 'số má' ở Tiên Phước. Đó là anh Huỳnh Văn Tam.

Chơi với ong “tử thần”

Trong vườn trồng các loại cây ăn trái và cây cau của người đàn ông sinh năm 1981 này treo lủng lẳng 150 tổ ong vò vẽ đủ kích cỡ. Có tổ đường kính đến nửa mét. Giáp mặt với đội quân ong có thể chích chết người, đang bay lượn vù vù trong lãnh địa của chúng, tôi khá lo lắng, nhưng anh Tam trấn an: “Không có chi mô. Mình phá tổ thì chúng mới tấn công. Nếu không phá thì chúng hiền hơn cả muỗi”.

Lúc đầu tôi tưởng để nuôi ong vò vẽ thì sẽ tìm ong chúa trong rừng, hoặc tạo ong chúa để dụ ong thợ, ong đực về xây tổ như các loài ong cho mật. Nhưng Tam cho biết 150 tổ ong vò vẽ đang nuôi đều “chuyển hộ khẩu” từ các vùng rừng núi về đây. Người nuôi ong phải lên rừng ở các huyện lân cận như Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn... để tìm tổ ong.

“Lên rừng quan sát đường bay của ong là lần tìm ra tổ. Ong bay lượn lờ, xàng xê là chúng đi tìm mồi hoặc là ong thợ đi tha gỗ mục về xây tổ. Theo dấu những chú ong bay thẳng, người nuôi ong sẽ tìm ra tổ của chúng”, Tam cho biết.

"Người đi tìm tổ ong mắt phải tinh và đôi chân phải khỏe để băng đèo lội suối, leo dốc... mới theo kịp dấu ong bay. Vì thế, hành trình đua theo đường bay nhanh như gió của những chú ong hướng về tổ, cũng tiềm ẩn rủi ro. “Chỉ riêng đoạn theo dấu ong bay để tìm tổ chúng thì phải khỏe và lanh. Bởi rứa, nghề ni hầu hết thanh niên trai tráng mới dám “chơi”", Tam tâm sự.

Một tổ ong vò vẽ nuôi trong vườn anh Tam. Ảnh: Quang Viên

Một tổ ong vò vẽ nuôi trong vườn anh Tam. Ảnh: Quang Viên

Chúng tôi hỏi đoạn xâm nhập lấy tổ ong, anh Tam cho biết “dễ như chơi”. Theo đó, ong vò vẽ thường làm tổ dưới thấp. Người nuôi ong phát hiện tổ, họ sẽ dùng lá bịt cửa tổ, sau đó dùng kéo bấm cành hoặc cưa cành, rồi bọc toàn bộ tổ ong vào bao ni lông có lỗ thoát hơi, hoặc túi lưới đem về. Với loài vò vẽ làm tổ trong ụ đất, người nuôi ong phải đào lỗ xung quanh tổ, bắt ong chúa, ong thợ... và lấy tầng tổ ong đem về vườn đào lỗ tương tự để ong tiếp tục xây tổ, đẻ nhộng...

Tổ ong vò vẽ có nhiều tầng. Ảnh: Quang Viên

Tổ ong vò vẽ có nhiều tầng. Ảnh: Quang Viên

Tam và những người nuôi ong khác bảo chuyện lấy tổ ong “dễ như chơi”, nhưng thật sự đây là công đoạn nguy hiểm nhất. Nếu chủ quan hoặc sơ hở để ong tấn công sẽ gây đau nhức, sốt, thậm chí tử vong.

“Khi lấy tổ ong vò vẽ về nuôi hay lấy nhộng ong nuôi trong vườn mà không trang bị đồ bảo hộ thì sẽ nhận hậu quả nghiêm trọng. Bởi rứa, tiếp cận tổ ong vò vẽ thì phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng”, anh Huỳnh Ngọc Yến, người nuôi ong ở thôn 1, xã Tiên Cảnh (còn gọi là Yến ong), nói. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có một số người đi lấy tổ ong vò vẽ phải trả giá đắt vì chủ quan, bất cẩn. Mới đây (ngày 23/7), một người ở Quảng Nam đi khai thác tổ ong vò vẽ đã tử vong do bị nhiều con ong đốt.

Một nghề kỳ thú

Chúng tôi đến vườn ong của anh Yến. Anh chia sẻ mình nuôi ong từ vài năm nay. Mỗi năm, mùa ong kéo dài từ tháng 4 đến khoảng tháng 10. Các tổ ong đem từ rừng về sẽ được treo trên cành bất kỳ cây nào trong vườn như: cau, mít, ổi, thanh trà... ở độ cao chừng 1 đến 2 mét. Ong tự kiếm ăn và tìm nguồn nước uống, không phải lo thêm thức ăn gì. Ong là loài sống có trật tự và mỗi con luôn xác định đúng tổ của mình một cách tuyệt đối.

Mỗi tổ thường có một con ong chúa, to gấp ba lần ong thường. Ong chúa sinh rất nhiều ong thợ, ong kiếm mồi, ong “vệ sĩ” canh cửa tổ... Ong chúa chỉ nằm 'phè phỡn', ăn cho to béo rồi đẻ trứng. Khi tổ ong to bằng đầu người, ong chúa bị gặm hết cánh. Người nuôi ong vò vẽ có thêm một phát hiện rất thú vị: con ong chúa mới sẽ xuất hiện từ ấu trùng được đẻ ở thân các cây lách, gốc lách.

Một người bạn cùng anh Yến đi lấy tổ ong vò vẽ trong rừng về nuôi. Ảnh: Hiền Diệu

Một người bạn cùng anh Yến đi lấy tổ ong vò vẽ trong rừng về nuôi. Ảnh: Hiền Diệu

Vườn ong của Yến mùa này khoảng 100 tổ. Những tổ ong vò vẽ trong vườn chàng trai 28 tuổi này rất đẹp. Có tổ to tầm cỡ nồi cơm điện, vằn vện như phân trâu khô nhưng thực ra là được những chú ong xây từ vỏ cây mục. Có tổ dạng hình bầu bầu, thêm cuống dài như tổ loài chim dột dột to 'khủng'. Mỗi tổ ong vò vẽ có khoảng 2-3 tầng, nhiều nhất là 6-7 tầng.

“Sau khi tổ bị phá vỡ vì những lần thu hoạch ong non, bầy ong nhanh chóng xây lại tổ trong khoảng 3-4 ngày. Để duy trì nhiệt độ và độ ẩm trong tổ, đến trưa nắng nóng, nhiều con ong đậu ngay cửa tổ, dùng cánh quạt gió làm mát không gian trong tổ. Ong xác định tổ rất chính xác, hầu như chưa bao giờ bị nhầm. Nếu bay nhầm tổ, chúng sẽ bị đồng loại tấn công lập tức”, anh Yến cho biết.

Kinh nghiệm của chủ vườn là mỗi lần lấy ong non sẽ để lại một góc tầng cỡ bàn tay và có ong con. Quan trọng hơn là giữ ong chúa đừng rơi khỏi ổ. Tổng các lần lấy ong non ở tổ to nhất, có thể được 4kg. Giá nhộng ong đang vào mùa khoảng 300 ngàn đồng một kg được bán cho các nhà hàng, quán ăn ở H.Tiên Phước, TP.Tam Kỳ. Nếu gửi đi xa, chủ nuôi ong sẽ cấp đông lập tức rồi bỏ trong thùng xốp, phủ đá lạnh để gửi đi.

“Khác với việc bắt ong tự nhiên chỉ thu lấy nhộng được một lần, ong dẫn về vườn nuôi, thu hoạch được hai đến ba lần mới hết mùa. Thời gian giữa hai lần lấy nhộng khoảng 30- 40 ngày. Nghề nuôi ong xem như nghề tay trái mà thu nhập cao, nhưng rất ít người dám nuôi. Tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, chỉ có khoảng 4-5 hộ chuyên nuôi ong”, anh Yến thổ lộ.

Món ngon, bài thuốc từ nhộng ong vò vẽ

Ong vò vẽ là loài ong có lượng nhộng 'khủng' so với các loài khác như: ong ngựa, ong trang, ong lá... Nhộng ong vò vẽ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất béo, đường, khoáng chất... Theo Đông y, nhộng ong có tính mát, tác dụng sát khuẩn, chống tổn thương suy yếu nội tạng, chống lão hóa, làm da sắc tươi nhuận, sáng láng mịn màng. Nhộng ong có thể chế biến theo nhiều cách, là món khoái khẩu của nhiều thực khách. Ong tươi rửa nhẹ tay cho ráo nước, trụng nhanh qua nước sôi để thân nhộng tươi màu và căng bóng. Tùy sở thích mà người ta có thể chế biến thành các món: cháo ong, nhộng ong xào dưa cải, nhộng ong trộn chuối cây xúc bánh tráng...

Anh Minh - Diệu Hiền, Báo CA TP HCM