www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làng nhà cổ Hội An....ở Tiên Phước

 Làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được gọi là… làng cổ vì trong làng hiện có 10 nhà cổ. Trong số đó, cổ nhất, đẹp nhất là nhà của bà Nguyễn Thị Tuần và nhà ông Nguyễn Đình Đồng.  

Ở làng Hội An, nói về nhà cổ, có câu chuyện được lưu truyền khá hấp dẫn rằng hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong làng có một người phụ nữ goá chồng nhưng giàu nức tiếng. Đó là bà Nguyễn Thị Đáng. Không ai biết bà giàu có bằng cách nào, giàu nhờ người chồng đã quá cố, do ông bà để lại hay tự mình xoay xở. Chỉ biết khi chồng mất, bà có đến 6 người con.

       Nhờ giàu có, dư dả, nhiều tiền lắm bạc, khi các con đã khôn lớn, bà mới cho gọi các con, hỏi muốn bà cho cái gì, ruộng đất hay nhà cửa, thậm chí của cải. Con có đứa thích ruộng tốt, có đứa lại nghiêng về nhà cửa đàng hoàng. Thích ruộng tốt bà cho ruộng tốt. Còn muốn nhà đàng hoàng bà cũng chiều. Dĩ nhiên, dù có chọn ruộng tốt, bà cũng cho tiền làm nhà, dù không thể to và đẹp bằng đứa con thích nhà đẹp. Và, trong số 10 ngôi nhà cổ ở Hội An có hai ngôi nhà đẹp nhất do bà Nguyễn Thị Đáng cho tiền để con mình xây dựng. Đó là nhà Nguyễn Thị Tuần và nhà ông Nguyễn Đình Đồng.

 


                                                    Nhà bà Nguyễn Thị Tuần
Nhà bà Nguyễn Thị Tuần, sinh năm 1940, và là cháu dâu kêu bà Nguyễn Thị Đáng bằng bà cố bên chồng, có đường nét kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc sắc sảo. Nhà có tất cả 6 hàng cột, mỗi hàng 6 cột, tổng cột 36 cột. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác, tất cả cột đều bằng gỗ mít láng bóng. Trên các vì kèo đều được chạm khắc hình đầu lân tinh xảo và sắc nét.
Đặc biệt, trên hai tấm gia thu hai bên vừa làm tấm gỗ đỡ kèo nóc vừa dùng để trang trí, tăng thêm vẻ đẹp của ngôi nhà được khắc chạm nhiều hình thù đẹp mắt. Bộ phận trỏng quả có đế đặt trên lóng trính có hình trái bí.
Căn trung và hai bên căn trung đều có khung gỗ trang trí với nhiều hình thù như hình bát quái, hình chữ thọ được làm cách điệu, trang trí bằng song gỗ,miếng gỗ… Hai gian đầu hồi, rồi gian trước, gian sau đều có vách ngăn bằng ván gọi là phên lụa nhằm chia ra gian thờ cúng, tiếp khách với các gian chứa đồ đạc, vật dụng trong nhà.
                                               Bên trong nhà bà Nguyễn Thị Tuần
Được biết, khi bà Nguyễn Thị Tuần về làm dâu thì bà Nguyễn Thị Đáng mất đã lâu. Nhưng, theo truyền khẩu, ngôi nhà được thợ mộc làng Vân Hà nổi tiếng thi công ròng rã ba năm mới xong. Nguyên thuỷ, cửa nhà bằng tranh. Loại cửa này làm rất công phu. Mỗi cánh cửa, thợ làm cả tháng mới xong.
Còn nhà ông Nguyễn Đình Đồng, sinh năm 1943, cũng được làm từ rất lâu. Ông cho biết ngôi nhà do ông cố ông, người có thời làm lý trưởng làng Hội An, thuê thợ làm. Nhà ông Nguyễn Đình Đồng về cơ bản không khác nhiều so với nhà bà Nguyễn Thị Tuần. Tuy nhiên, nếu nhà bà Nguyễn Thị Tuần có nhiều chạm trổ, điều khắc cầu kỳ, sắc sảo thì nhà ông Nguyễn Đình Đồng trang trí với những hoa văn, hoạ tiết khá đơn giản.
Theo các bô lão, lúc bấy giờ, gần như những nhà giàu có trên đất Tiên Phước khi làm nhà đều bằng mọi cách phải lặn lội xuống tận làng mộc Vân Hà để mời cho bằng được thợ giỏi lên xây nhà. Nhà nào làm lâu, có khi thợ đem cả vợ con lên ăn ở hàng tháng, hàng năm liền.
Ngôi nhà ông Nguyễn Đình Đồng đang ở, theo tương truyền, cũng làm đến... 3 năm mới xong. Chuyện dựng nhà thì dễ rồi. Khó ở chỗ làm sao để cột kèo, trính, đòn tay... và biết bao thứ nữa phải ăn khít với nhau. Rồi công chạm trổ, rất tỉ mỉ và tinh vi.
Ngói, nguyên xưa là thứ ngói rồng, mua ở Hội An, chính xuất xứ từ làng gốm Thanh Hà nổi tiếng của phố cổ. Vâng, đã làm nhà, với nhà giàu đất Tiên Phước xưa, toàn là hàng "xịn", đồ "xịn" đương thời. Nhà xây rồi, còn có cái để nở mày nở mặt với thiên hạ. Không thì... mang tiếng giàu làm gì!

Có một điều khá đặc biệt là khi xây nhà xong thì ông cố ông Nguyễn Đình Đồng mất. Ấy là năm Bảo Đại thứ mười một, tức năm 1936. Như vậy, nhà làm ba năm, năm 1936 hoàn thành. Nghĩa là khởi công năm 1934. Hơn bảy mươi năm. Vậy mà nhìn ngôi nhà như xưa lắm, xa lắm. Quả thật, nhà ông có tấm hoành phi ghi bốn chữ "Quang thái sinh môn" được trích ra từ câu thơ rất hay "Khả liên quang thái sinh môn hộ" trong tập "Trường hận ca" bất hủ của thi sĩ nổi tiếng Bạch Cư Dị đời nhà Đường nhằm ca ngợi những người con gái làm rạng rỡ gia tộc.

 


 
                                   Nhà ông Nguyễn Đình Đồng
 
Bên cạnh ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo, theo kiểu nhà của tầng lớp trung lưu hồi nửa đầu thế kỷ XX, trong nhà còn lưu giữ một số đồ dùng lúc bấy giờ như cái ảng ngâm giống khá to, rồi hồ cá. Cả hai thứ này đều làm bằng vôi.

Riêng ảng ngâm giống có ghi năm đúc là năm 1928, được để trước hiên nhà. Nét chữ in nổi còn khá rõ. Ngoài ra, cũng còn một số hiện vật thời trước còn lưu lại như ba tấm phản gỗ, chiếc tủ đựng đồ, bình vôi, rồi mấy tủ thờ được chạm khắc khá công phu.

 

     Có thể nói, nhà của bà Tuần, ông Đồng là hai trong 10 ngôi nhà cổ lâu đời nhất, đẹp nhất trong làng nhà cổ Hội An trên đất Tiên Phước. Có thể kể ra đây một số ngôi nhà cổ khác như nhà ông Cả Thông, ông Kháng, ông Vình, ông Trương Tế, ông Hiền, bà Lanh. Nhìn chung, mỗi ngôi nhà rõ ràng có một nét đẹp riêng, có nét khác biệt riêng. Và, những ngôi nhà này thực sự là “bảo tàng” sống, lưu giữ nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Quảng xưa.

 
 
         Ảng ngâm giống được đúc năm 1928 ở nhà ông Nguyễn Đình Đồng
 
Trên mặt nào đó, làng nhà cổ Hội An ở miền đất trung du Tiên Phước, Quảng Nam, là tài sản quý giá, cần được các cấp, các ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt, góp phần bảo tồn những giá trị về lịch sử cũng như về nghệ thuật kiến trúc của người xưa để lại.
 
Theo Phạm Hữu Đăng Đạt ( HVXQ)