www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khí phách Trần Huỳnh

Theo sách “Danh nhân Quảng Nam”, Trần Huỳnh tên thường gọi là Phó Bẻn (Phó là chức Phó tổng, còn Bẻn là gọi theo tên người con trai đầu của ông). Ông sinh ngày 29-5-1858, tại làng Tân An Tây, Tổng Đức Hào Trung, huyện Hà Đông (sau đổi thành Tổng Phước Giang, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Trần Huỳnh là người có uy tín tại địa phương. Ông từng tham gia phong trào Cần Vương và tiếp thu chủ thuyết Duy Tân của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...

Từ năm 1905-1908, ông tiến hành cải cách làng mình bằng việc lập trường tân học dạy chữ quốc ngữ lấy tên là Trường Tân Xuân và lập Trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên để mưu việc nước về sau. Cũng trong thời gian này, Trần Huỳnh nhân danh Lý trưởng cùng những người nhiệt tâm ái quốc xây dựng một lều chợ lớn (gọi là chợ Cây Cốc) bằng gỗ lợp tranh gồm 11 gian, rộng khoảng 8m, dài khoảng 55m, cao 5m. Đây là lều chợ rộng lớn nhất Hà Đông lúc bấy giờ. Nhờ các hoạt động cải cách này mà dân trí và dân khí nhân dân được nâng cao.

                      Mộ cụ Trần Huỳnh tại xã Tiên Thọ - Ảnh: Tuổi Trẻ Tiên Thọ

 

Năm 1912 trở đi, các yếu nhân tại Quảng Nam đã tập trung xung quanh Thái Phiên để vận động khởi nghĩa nhằm đánh đổ thực dân Pháp và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập ra An Nam cộng hòa dân quốc. Cuộc vận động này nhanh chóng lan ra toàn Trung kỳ. Các nhà yêu nước còn vận động được cả vua Duy Tân tham gia. Phong trào phát triển mạnh nhất ở Quảng Nam. Những tháng cuối năm 1915, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Nam càng trở nên khẩn trương, sôi nổi với các hoạt động như: Tăng cường việc lập thêm các đội nghĩa binh, lạc quyên tiền bạc và rèn sắm vũ khí. Phong trào phát triển mạnh ở hầu hết các tổng trong tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, ở tổng Phước Lợi, Trần Huỳnh là nhân vật tham gia tích cực nhất trong cuộc vận động tại tổng này. Tháng 7-1915, Ban Chỉ huy khởi nghĩa Tổng Phước Lợi chính thức thành lập do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh. Năm 1916, công việc tổ chức các mặt càng khẩn trương hơn. Về lương thực, tài chính, ngoài một số đồ do hội viên tự nguyện đóng góp, hội tổ chức một số cuộc tập kích vào một số gia đình giàu có để tịch thu tiền, lúa, đồng khí. Lúc này, Trần Huỳnh đã làm Phó tổng nên ông nhân danh đó mượn đình làng làm kho chứa lúa dưới hình thức là lúa của ông và chia cho người nghèo.

Ngày 3-5-1916, gần 1.000 dân binh đã tập trung về căn cứ Gò Chùa (Gò Đỏ). Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, mọi người uống chung rượu hòa với huyết bò gọi là rượu thề phục quốc và sau đó tiến hành lễ tế cờ xuất quân tại một đám ruộng cạn. Trần Huỳnh đọc tuyên cáo rồi hạ lệnh xuất quân. Đại quân do Trần Huỳnh chỉ huy, cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, bừng bừng khí thế, cờ xí, gươm mác rợp trời, ào ạt tiến về bao vây phủ đường Tam Kỳ. Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã bại lộ nên bị thực dân Pháp nhanh chóng tổ chức đàn áp.

Nhận được tin mật báo về cuộc khởi nghĩa ở Tam Kỳ, công sứ Churks và Tổng đốc Từ Thiệp liền phái 1 trung đội Âu Phi cấp tốc hành quân đi đàn áp. Vì bất ngờ bị quân địch bủa vây nên các ông Trần Huỳnh, Trầm Tùng Lâm, Trần Khuê, Ngô Đốc cùng nhiều người khác bị giặc bắt và bị đày ra nhà tù Quảng Nam. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn luôn tỏ ra khảng khái nhận hết trách nhiệm về mình và luôn an ủi các bạn chiến đấu giữ vững ý chí.

Ngày 27-5-1916, Tòa Nam Án Quảng Nam mở phiên tòa xử riêng những người phá phủ Tam Kỳ. Chúng tuyên án Trần Huỳnh phải đi đày biệt xứ tại Buôn Mê Thuột. Mặc dù bản án là vậy nhưng hèn hạ thay, vào ngày 3-6-1916, giặc Pháp đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Mặc dù cận kề cái chết nhưng Trần Huỳnh vẫn hiên ngang bước ra pháp trường với lời hô vang gửi cho hậu thế: “Dòng giống Hồng Lạc thiên thu - Việt Nam vạn tuế”...

Lời bàn:

Cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quang phục hội ở Trung kỳ năm 1916 là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh chống Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù không nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng nhân dân phủ Tam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng binh Trần Huỳnh đã chủ động đứng lên làm chủ phủ lỵ. Đó là hiện tượng độc đáo, là địa phương duy nhất ở Trung kỳ trong cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916 của Việt Nam Quang phục hội diễn ra khởi nghĩa thực sự.

Tuy cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng sự hy sinh của thủ lĩnh Trần Huỳnh cùng những mất mát, đau thương trong cuộc khởi nghĩa này đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của quân và dân Tiên Phước nói riêng và ở Trung kỳ thời đó nói chung. Hơn 100 năm sau, với lòng ngưỡng mộ và trân trọng cuộc khởi nghĩa Tam Kỳ - một trong những trang sử đáng tự hào ở những thập niên đầu của thế kỷ XX, chúng ta càng thêm tin yêu đất nước, đồng bào mình và càng nỗ lực để sống xứng đáng với những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc được vun bồi qua hàng ngàn năm lịch sử hào hùng.

                                                               N.D - Báo Bình Phước