Khi người dân đồng lòng
Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước) đang dần tiến về đích. Người dân đồng lòng ủng hộ là yếu tố hết sức quan trọng giúp Tiên Châu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn xóm.
Đồng thuận
Những ngày này, con đường qua trung tâm xã Tiên Châu tất bật không khí lao động. Người dân hai bên đường đồng loạt đập bỏ tường rào, tháo dỡ công trình trên đất, chặt bỏ, di dời cây cối để nhường đất làm đường. Con đường qua trung tâm xã Tiên Châu dài 600m được mở rộng nhờ có sự đồng lòng của 53 hộ dân hai bên đường. Giá trị đất đai và công trình kiến trúc, cây cối trên đất được người dân hiến ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Người xung phong đi đầu hiến đất làm gương là bà Đỗ Thị Lệ Thủy. Tường rào, cổng ngõ nhà bà Thủy xây dựng kiên cố đã đập bỏ; sát tường rào có cây sứ trắng hơn 100 năm tuổi, từng được trả giá hơn 500 triệu đồng, cũng được di dời. Tính ra bà Thủy hiến tổng cộng gần 100m2 đất và đập bỏ tường rào với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng.
Tuyến đường qua trung tâm xã Tiên Châu đang được mở rộng nhờ sự đồng lòng của người dân. Ảnh: D.L |
“Ban đầu tôi thấy tiếc khi phải phá bỏ tường rào, di dời cây sứ. Nhưng khi nghe mấy anh chị trong ban vận động ở xã nói chuyện, thấy nhà tôi giống như là mắc xích để mở đường bởi tường rào kiên cố hơn, nếu chịu đập bỏ đi thì người khác cũng sẽ làm theo. Tôi không tiếc chi đất đai, chỉ sợ bứng cây sứ dời vô nó không sống được. Xã nói sẽ hỗ trợ tôi di dời cây sứ, tôi yên tâm nên đồng ý đập bỏ tường rào, hiến đất cho con đường mới. Sau khi nhà tôi đập bỏ tường rào, bà con xung quanh cũng đồng thuận ngay, con đường đã bắt đầu làm. Tưởng tượng con đường mới được làm xong, vừa sạch sẽ vừa khang trang, nhà cửa cũng đẹp hơn, tôi thấy vui vì mình đã làm đúng” - bà Thủy thổ lộ.
Còn ở thôn Thanh Bôi nằm phía bên kia sông Tiên chạy qua xã Tiên Châu, lâu nay điều kiện đi lại rất khó khăn, mùa mưa bão dễ bị cô lập. Hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, người dân đã cùng nhà nước mở rộng, bê tông hóa được 3km đường làng, ngõ xóm. Ông Nguyễn Cầu có nhà nằm ở cuối con đường của tổ đoàn kết số 35. Tuyến ngõ xóm dẫn vô nhà ông Cầu dài 1,2km, mãi từ sau giải phóng đến nay vẫn chưa thể bê tông hóa được vì địa hình cách trở. Khi xã Tiên Châu thông báo chủ trương làm đường bê tông ngõ xóm, người dân có đất đai, cây cối bị ảnh hưởng đều xung phong hiến đất làm đường.
Ông Cầu cho biết: “Những hộ có đất ở đầu đường thường thì cho đất, chặt bỏ cây có giá trị như lòn bon, cau, thanh trà. Nhà tôi ở cuối thì hiến công cán, đóng góp tiền của để mở mặt bằng. Tôi tham gia đóng 19 triệu đồng để thuê thi công mặt bằng, còn công thì không biết bao nhiêu mà kể. Hễ thôn kêu gọi thì toàn bộ dân ở trong xóm đều bỏ hết việc nhà để đi làm đường, không kể lớn nhỏ, ai cũng ra đường để làm, gọi đâu làm đó, nhỏ làm việc nhẹ, lớn làm việc nặng hơn, chỉ mong sao nhanh chóng có con đường đi”. Nhờ sự đồng thuận của người dân, trong khoảng 1 tháng nữa, người dân ở tổ đoàn kết số 35 sẽ có con đường bê tông rộng 3m sạch sẽ để đi lại.
Phấn đấu về đích nông thôn mới
Những con đường ĐT, ĐH, ĐX, liên thôn, liên xóm của xã Tiên Châu được đổ nhựa, bê tông hóa giúp thay đổi diện mạo của một xã đang trên đường xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ con đường bê tông nối liền 2 thôn Hội Lâm - Hội An của xã Tiên Châu dài 1,3km đều chạy ngang qua những khu vườn cây trái của người dân. Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu nói, nếu không có sự đồng thuận từ người dân thì hệ thống đường giao thông của xã khó hoàn thành. Chỉ trong năm 2019, xã Tiên Châu đã làm được hơn 13km đường các tuyến, với giá trị hiến đất đai, cây cối, tiền của người dân ước tính hơn 10 tỷ đồng, chưa kể sự đóng góp ngày công.
Ông Tuấn cho biết, đến nay Tiên Châu đã đạt 17/19 tiêu chí và đang cố gắng hoàn thành tiêu chí giao thông cùng quốc phòng - an ninh để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019. “Để đạt được tiêu chí về giao thông, phải nói rằng sự đóng góp của người dân hết sức lớn. Quá trình vận động cũng lắm khó khăn, nhưng khi tìm được hộ dân có mắc xích quan trọng, vận động thực hiện trước, hộ khác nhìn vào đó như tấm gương đồng thuận làm theo. Sự đồng thuận của người dân chính là yếu tố then chốt giúp công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã về đích đúng mục tiêu phấn đấu” - ông Tuấn nói.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam