Kỳ vọng về một vùng quê du lịch
Ngày 29.8.2017, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 3150/QĐ-UBND ban hành kế hoạch hành động về thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (Khóa XXI) về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam.
Trong đó, UBND tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV - KTTT), du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng” giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) của huyện Tiên Phước với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch sẽ có tác động tích cực đến việc phát triển vườn quê Tiên Phước phục vụ du lịch sinh thái đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong huyên.
Ông Đồng Viết Mão, làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh mong muốn huyện, xã hỗ trợ kinh phí từ Đề án 548 giúp gia đình trùng tu lại ngôi nhà cổ. |
Chuyên trang Tiên Phước tháng 11.2017 phản ánh những kỳ vọng của lãnh đạo cũng như người dân tại xã Tiên Cảnh - địa phương được xác định là vùng lõi thực hiện Đề án 548 của huyện.
Ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh: Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu
“Đề án phát triển du lịch sinh thái xã Tiên Cảnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được huyện phê duyệt nhưng việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực. Đề án 548 được UBND tỉnh chấp thuận, hỗ trợ thực hiện đã tạo thuận lợi lớn cho địa phương trong việc kết hợp triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để triển khai đề án một cách có hiệu quả, chúng tôi đã thành lập tổ công tác và phân công các ngành phối hợp với các đoàn thể vận động thực hiện một số mô hình cụ thể. Trước mắt chúng tôi chọn làng cổ Lộc Yên xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu làm điểm để triển khai nhân rộng trên địa bàn. Hiện các tổ công tác đã tổ chức khảo sát xác định được danh sách những hộ có đủ các điều kiện thực hiện các tiêu chí của Đề án 548 để vận động người dân đăng ký thực hiện ngay trong năm 2017. Trong đó, sẽ xây dựng mô hình mẫu về vườn sinh thái theo hướng vừa giữ được nét xưa, vừa phát huy được hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng đặc sản như tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt... Cùng với đó, xã sẽ tranh thủ nguồn hỗ trợ để bảo tồn, phát huy giá trị không gian cảnh quan làng quê, trồng cây xanh dọc tuyến đường vào làng cổ và các tuyến đi bộ trong khuôn viên làng tạo không gian xanh, cảnh quan sạch, đẹp...
Cụ Nguyễn Đình Liên ở làng Lộc Yên: Cần phục dựng nét văn hóa
Được Nhà nước hỗ trợ phục dựng không gian làng cổ, nhà cổ, phát triển du lịch sinh thái, người dân ở đây rất phấn khởi. Các hộ dân đã bắt đầu chất lại bờ đá, trồng chè tàu, khôi phục các khu vườn truyền thống, trùng tu nhà cổ. Những người cao tuổi chúng tôi vui lắm. Ngày xưa, năm nào ở đây cũng có tổ chức lễ hội rước sắc rất nhộn nhịp, uy nghiêm. Các cụ cao niên mặc áo kẹp nẹp, đội nón gõ, rước kiệu. Người dân tham gia từng đoàn rất đông, có cả cờ, lọng để rước sắc (tức là các loại báu vật của vua Hàm Nghi tặng nhân dân như thanh bảo kiếm, áo hoàng bào …) từ nhà người thủ sắc cũ ra đình làng làm lễ cầu quốc thái dân an và rước về nhà người thủ sắc mới. Ngày xuân, làng thường tổ chức hội bài chòi có rất đông người tham gia tạo không khí vui vẻ. Còn mùa đông, việc bừa rạ và bắt cá đồng cũng khá hấp dẫn, dụng cụ để bắt cá như nơm, rổ, nhủi… Cá đồng có thể chế biến được nhiều món ăn dân dã như nướng trụi dầm nước mắm, kho lá gừng không chê vào đâu được. Nếu được Nhà nước hỗ trợ phục dựng lại các sinh hoạt văn hóa này, tôi nghĩ làng cổ Lộc Yên không chỉ thu hút du khách bằng nhà cổ, làng cổ mà còn là sự trải nghiệm thú vị khác...
Ông Đồng Viết Mão ở làng Lộc Yên: Cần hỗ trợ trùng tu nhà cổ
Làng cổ Lộc Yên là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của huyện Tiên Phước. Vào những dịp lễ tết có đông khách đến tham quan chiêm ngưỡng các ngôi nhà cổ, cảnh đẹp làng quê. Hiện làng Lộc Yên có khoảng hơn 10 ngôi nhà cổ 100 - 150 năm tuổi. Nhà tôi có niên đại hơn 100 năm tuổi, mỗi khi trời mưa nhà bị thấm dột, cây gỗ bị mục nhưng không có kinh phí nên chưa thể sửa chữa, nâng cấp. Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí, gia đình sẵn sàng bỏ thêm tiền để sửa chữa, bởi ngôi nhà là nơi thờ cúng tổ tiên, nhìn nó ngày một xuống cấp mình rất đau lòng. Đồng thời nếu huyện hỗ trợ thêm kinh phí, gia đình tôi sẽ đầu tư nâng cấp lại ao cá sau nhà rộng chừng 150m2, chất mới lại bờ đá, trồng thêm một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, phục vụ trong việc phát triển du lịch. Ngoài ra, gia đình tôi cũng như bà con làng Lộc Yên mong muốn huyện, xã nên tổ chức các đợt tập huấn về cách đón tiếp khách du lịch, hướng dẫn khách tham quan, làm các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách...
Ông Đào Minh Chỉnh ở xóm Bàu: Giữ môi trường sanh, sạch, đẹp
Năm 2017, huyện triển khai Đề án 548 về phát triển KTV-KTTT, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025, lấy làng Lộc Yên làm vùng lõi, giúp bà con chúng tôi rất phấn khởi. Để làm được điều này, bà con chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ “Nhà sạch, ngõ đẹp, kinh tế gia đình phát triển”. Hiện câu lạc bộ có 20 thành viên tham gia sinh hoạt mỗi tháng một lần, trong các đợt sinh hoạt bà con trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ vòng công lao động, giúp nhau chất bờ đá, trồng cây ăn quả, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Bước đầu đã tạo ra cảnh quan, môi trường, xanh, sạch, đẹp, các con ngõ, bờ vườn đều chất bằng đá, bờ rào được trồng cây xanh tạo tính thẩm mỹ cao. Trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư phát triển. Do vậy, khi huyện triển khai Đề án 548, người dân có thêm nguồn vốn để chỉnh trang khuôn viên vườn nhà xanh - sạch - đẹp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái làng quê.
Ông Nguyễn Đình Hoan ở làng Lộc Yên: Phát triển kinh tế vườn và du lịch
Năm 2013, tỉnh và huyện đã hỗ trợ gần 800 triệu đồng giúp gia đình trùng tu lại ngôi nhà cổ. Nhà được sửa chữa xong nên không lo việc nó xuống cấp, hư hỏng. Hiện tôi tập trung phát triển KTV, trồng mới các loại cây ăn quả như, thanh trà, lòn bon, sầu riêng, măng cụt... Ngoài ra, gia đình còn đầu tư sửa sang lại cổng ngõ, chất bờ đá, trồng chè tàu, cây cảnh từ con ngõ dẫn vào nhà cổ. Nếu được hỗ trợ kinh phí từ Đề án 548, tôi sẽ đầu tư làm ghế đá, mắc võng, nhà chòi và trồng thêm một số cây ăn quả phục vụ cho du khách nghỉ ngơi, thưởng thức trái cây nhà vườn. Đề án 548 được triển khai, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết bà con trong làng đều tích cực hưởng ứng; hiện tuy chưa có nguồn kinh phí nhưng nhiều hộ đã chất bờ đá, trồng chè tàu, cây xanh cho khuôn viên vườn nhà xanh - sạch - đẹp. Mong muốn của tôi cũng như bà con làng Lộc Yên là huyện, xã cần có phương án, tổ chức tour cho khách tham quan cụ thể giúp người dân chủ động trong việc đón tiếp đoàn. Nếu có tour du lịch bài bản, có nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng, nhất định làng Lộc Yên sẽ ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam