www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Kết nghĩa với thôn nghèo

Nhờ công tác kết nghĩa với thôn khó khăn và nhận đỡ đầu trẻ em được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tiên Phước thực hiện khá hiệu quả, nên hai năm qua tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng ở vùng sâu, vùng xa giảm rất nhiều.

           Chia sẻ khó khăn

       Năm 2012, huyện Tiên Phước ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình kết nghĩa với thôn khó khăn và nhận đỡ đầu trẻ em nghèo giai đoạn (2012 – 2015). Đến nay các đơn vị, trường học trong huyện được chia làm 15 khối thực hiện kết nghĩa với 15 thôn khó khăn và 2 làng đồng bào dân tộc Co (Tiên An và Tiên Lập). Để có nguồn kinh phí hỗ trợ các thôn khó khăn và nhận đỡ đầu trẻ em, mỗi cán bộ, công nhân viên chức hàng tháng đóng góp từ 20 – 50 nghìn đồng.

       Đồng thời các cơ quan, đơn vị trích thêm nguồn ngân sách của mình hỗ trợ cho các thôn khó khăn và trẻ em nhân các ngày khai trường, lễ, tết... Từng khối cơ quan phát huy lợi thế của ngành mình tổ chức nhiều hoạt động thiết thực phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế giúp các đơn vị kết nghĩa phát triển kinh tế - xã hội và chống tái nghèo.

 

Khối cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tiên Phước tặng quà cho thôn kết nghĩa.Ảnh: N.H
Khối cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tiên Phước tặng quà cho thôn kết nghĩa.

 

       Ông Trần Văn Phú – Thôn trưởng (thôn 1), xã Tiên Lập nơi có đồng bào Co làng Suối Dưa chia sẻ: “Bà con ở trong thôn 1 nói chung và bà con dân tộc Co ở làng Suối Dưa rất vui mừng, phấn khởi vì được các cơ quan, đơn vị quan tâm giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Các cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị xuống sinh hoạt, vui chơi và tuyên truyền giúp bà con nơi đây hiểu rõ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đồng thời nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị mà nhiều gia đình biết cách làm ăn phát triển kinh tế, nhiều trẻ em trong làng có điều kiện đến trường”.

         Tính riêng trong năm (2012 – 2013) có 129 cơ quan, đơn vị tham gia kết nghĩa với thôn nghèo và hỗ trợ học sinh khó khăn. Tổng kinh phí hỗ trợ của các khối cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đối với các thôn được kết nghĩa gần 100 triệu đồng. Ông Lê Văn Phụng – Trưởng phòng LĐ-TB&XH, kiêm Phó ban chỉ đạo Chương trình kết nghĩa thôn khó khăn và nhận đỡ đầu trẻ em huyện Tiên Phước cho biết: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị. Tuy số tiền không lớn nhưng đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong lực lượng cán bộ, công chức, người lao động đối với các gia đình khó khăn, trẻ em nghèo. Phong trào kết nghĩa đã góp phần giúp các thôn từng bước giải quyết được những thiếu thốn; chia sẻ, động viên các hộ nghèo, gia đình neo đơn, người gặp nạn… vươn lên trong cuộc sống”.

         Tiếp sức đến trường

“Chương trình kết nghĩa thôn khó khăn, nhận đỡ đầu trẻ em nghèo được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và đã đi vào nề nếp. Hầu hết các khối, khi xây dựng kế hoạch kết nghĩa đều bám sát nhu cầu thực tế ở cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực, theo hướng bền vững, tạo ra phong trào để cộng đồng cùng tham gia”.
(Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Hường Văn Minh)

         Trong hơn 2 năm, có gần 250 trẻ được các khối cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 100 – 300 nghìn đồng/em. Tổng kinh phí các khối cơ quan, đơn vị hỗ trợ gần 150 triệu đồng. Ông Võ Văn Ba – Phó Đài Truyền thanh – truyền hình Tiên Phước đơn vị kết nghĩa với (thôn 2) xã Tiên Cảnh chia sẻ: “Tuy số tiền không lớn nhưng giúp các thôn khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, sản xuất, giúp trẻ em nghèo có điều kiện đến trường. Đây cũng là nơi để cán bộ, công nhân viên chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”.

        Còn em Lê Văn Tới, học sinh lớp 8/1, là con đồng bào dân tộc Cor làng (Suối Dưa), Tiên Lập nói: “Hằng tháng nhận được 200 nghìn đồng tiền hỗ trợ em rất vui, phấn khởi và hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các cô chú ở cấp trên”.

          Để có nguồn kinh phí hỗ trợ ngoài việc vận động cán bộ, công chức, người lao động, các khối cơ quan trên địa bàn huyện còn lồng ghép các nguồn lực từ các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo và việc làm; xây dựng nông thôn mới; các chương trình từ thiện có liên quan và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia.

                                                                Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam