Huy động nội lực trùng tu di tích
Tiên Phước là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, với 2 di tích cấp quốc gia và 13 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi di tích gắn với một sự kiện cách mạng, dấu mốc văn hóa quan trọng của địa phương.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở vùng đất này có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa lịch sử lớn lao về giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, quê hương. Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên, bãi đá Lò Thung, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam… là những địa chỉ thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Xác định việc trùng tu, tôn tạo các di tích là góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nên thời gian qua, huyện Tiên Phước đã huy động nội lực, làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Hàng năm, Phòng VH-TT huyện xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực trạng các di tích lịch sử - văn hóa để có cơ sở lập đề án tổng thể bảo tồn, tôn tạo, đồng thời tiến hành sưu tầm nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến các di tích. Trên cơ sở đó, hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo; nhiều hiện vật lịch sử được sưu tầm và bảo vệ. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích và đã phát huy tốt hướng đi này khi khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân.
Thời gian qua, huyện Tiên Phước đã huy động nội lực, làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Ảnh: THẢO NGUYÊN |
Thông qua việc tuyên truyền, vận động, nhiều cá nhân, tập thể đã có những hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc ngày công lao động vào việc tu bổ di tích. Như nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (xã Tiên Cảnh) được trùng tu với kinh phí hơn 774 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng, còn lại là ngân sách huyện và sự đóng góp của tộc họ và gia đình. Hay mộ cụ Lê Vĩnh Khanh (xã Tiên Cảnh) được đầu tư hơn 522 triệu đồng để trùng tu; Nghĩa trủng Tiên Phú Tây (xã Tiên Mỹ) đã được trùng tu với số tiền hơn 50 triệu đồng; hay các công trình trùng tu tôn tạo khác như di tích Đồng Trại (xã Tiên Cẩm), Gò Vàng (xã Tiên Sơn), Trường Tân học Phú Lâm…
Ông Đặng Công Dung - Trưởng phòng VH-TT huyện chia sẻ, thực tế nếu chỉ từ nguồn kinh phí của Nhà nước, các cấp, ngành đầu tư thì không thể đáp ứng được hết nhu cầu trùng tu tôn tạo di tích trên địa bàn, nhất là những di tích đã xuống cấp trầm trọng cần được tu bổ kịp thời. Vì vậy, huyện Tiên Phước đã vận dụng linh hoạt chủ trương xã hội hóa với phương châm “Nhân dân làm, tộc họ làm, Nhà nước hỗ trợ” trong việc huy động mọi nguồn lực góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích. Cách làm này đã tạo bước đi vững chắc việc thực hiện tốt xã hội hóa công tác trùng tu và quản lý di tích, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa.
Huyện Tiên Phước còn huy động được hơn 700 triệu đồng từ người dân, các tộc họ, bà con Tiên Phước sống xa quê và từ các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài huyện đóng góp trùng tu di tích trên địa bàn. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhiều di tích trên địa bàn huyện đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa; nhiều di tích trở thành điểm đến để các trường học giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương như Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, Đài tưởng niệm Cây Cốc...
Để có được sự đồng thuận của nhân dân, Tiên Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nâng cao ý thức của người dân, các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị của các di tích và sự cần thiết phải giữ gìn, trùng tu di tích.
Đề án “Bảo tồn, tôn tạo di tích, danh thắng giai đoạn 2011-2020” đã và đang được UBND huyện Tiên Phước triển khai, tập trung mọi nguồn lực cho việc quy hoạch quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp sức người, sức của để giữ gìn, tôn tạo di tích.
Thảo Nguyên - Báo Quảng Nam