Huỳnh Thúc Kháng với Đà Nẵng
Đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng từng có mặt ở Đà Nẵng ít nhất một lần vào năm 1907 khi tiễn chân Trần Quý Cáp xuống tàu đi Khánh Hòa nhậm chức.
Lúc ấy, Trần Quý Cáp đang bị Công sứ Quảng Nam Charles thuyết phục Khâm sứ Trung Kỳ Fernand Lévecque cho chuyển vào làm Giáo thụ phủ Ninh Hòa nhằm cách ly người chủ xướng Duy tân khỏi phong trào cách mạng đất Quảng. Trong bài thơ khóc Trần Quý Cáp vừa bị kẻ thù sát hại với án chém ngang lưng năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng bùi ngùi nhắc lại cuộc tiễn đưa giữa hai người đồng tâm đồng chí trong Bộ-ba-Quảng-Nam (chữ dùng của Hồ Tá Khanh trong Thông sử Liên Thành Công ty để gọi Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng): Khả lân nhứt biệt thành thiên cổ/ Đà Nẵng phân khâm tửu thượng ôn, và tự dịch: Chia tay chén rượu còn đương nóng/ Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
Tuy nhiên, hai sự kiện sau đây: một là việc Huỳnh Thúc Kháng và nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước trong Hưng Nam hội như Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Lê Văn Huân, Trần Đình Nam... họp hội nghị ở Đà Nẵng vào ngày mồng 10-9-1926 bàn việc xin phép nhà cầm quyền Pháp cho thành lập Việt Nam tấn bộ dân hội có trụ sở đặt tại Đà Nẵng (nhưng Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này); hai là sự ra đời vào tháng 4-1927 của Công ty Huỳnh Thúc Kháng chuyên ngành in và báo chí cũng đặt trụ sở ở Đà Nẵng, mới được xem là đánh dấu mối quan hệ gắn bó giữa Huỳnh Thúc Kháng với Đà Nẵng.
Một bài báo trên báo Tiếng Dân nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong tiêu đề và nhiều chỗ trong các bài viết, cụ Huỳnh dùng chữ “Tây Sa” để chỉ quần đảo Hoàng Sa.
Từ giữa năm 1926 đến giữa năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng chủ yếu sống ở Đà Nẵng, trong nhà Nguyễn Xương Thái - lúc ấy đang là Thư ký Sở Thương chính Tourane. Vào khoảng thời gian này, Huỳnh Thúc Kháng đã gặp Đào Duy Anh cũng đang sống tại Đà Nẵng để bàn việc thành lập Việt Nam Tấn bộ dân hội, Công ty Huỳnh Thúc Kháng và ra báo Tiếng Dân.
Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm xuất bản lần đầu năm 1989, Đào Duy Anh kể về cuộc gặp mặt này: “Một buổi sáng, tôi nhận được thư của anh Đặng Văn Tế báo cho biết chiều hôm ấy cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng một số bạn bè của anh ở Tourane sẽ xuống Mỹ Khê tắm biển và nhân ghé thăm tôi, anh dặn tôi chuẩn bị cho khách ăn cá biển.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã già, nhưng gặp lại cảnh biển mà cụ từng quen thuộc ở Côn Lôn, cụ rất thích thú nên bơi và lặn không kém gì thanh niên. Tắm xong tôi mời khách lên nhà, dưới rừng phi lao. Hôm ấy cụ Huỳnh cao hứng đọc cho chúng tôi nghe rất nhiều thơ và câu đối cụ và các bạn tù khác làm ở Côn Lôn, cùng những bài cụ mới làm từ sau khi được tự do.
Trong khi ăn cơm, cụ Huỳnh hỏi đến tình hình tôi nghỉ mát ở Mỹ Khê. Sau khi tôi bày tỏ ý định vào Sài Gòn làm báo, thì anh Nguyễn Xương Thái - người sau này sẽ từ chức thư ký Thương chính mà theo báo Tiếng Dân - ngắt lời tôi rằng: “Việc gì anh phải đi Sài Gòn, cứ ở đây khắc có báo cho anh làm thôi”. Thế là anh khuyên tôi ở lại cùng với anh em giúp cụ Huỳnh xây dựng tờ báo Tiếng Dân”.
Huỳnh Thúc Kháng và các cộng sự còn muốn tranh thủ sự thông thoáng trong quản lý báo chí và xuất bản của một đô thị nhượng địa như Tourane/Đà Nẵng thời Pháp thuộc để xin đặt tòa soạn báo Tiếng Dân tại thành phố bên sông Hàn. Theo thông tin trong bài Báo Tiếng Dân(1927-1943): vài tư liệu mới, ngày mồng 8-10-1926, Huỳnh Thúc Kháng chính thức làm đơn gửi Xử lý Thường vụ Toàn quyền Pierre Marie Antoine Pasquier xin được phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Việt mới, với tên Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane. Ngày 26-11-1926, Huỳnh Thúc Kháng nhờ Đốc lý Tourane chuyển thư cho Khâm sứ Trung Kỳ D’Elloy, nêu rõ thêm chi tiết về tòa soạn và trị sự của Tiếng Dân (báo có nhà in riêng, về tài chính sẽ lập một công ty vô danh; phụ tá cho Huỳnh Thúc Kháng có Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên, một thư ký kế toán và một thư ký phụ trách văn thư) - ngày 27-11-1926, Đốc lý Tourane chuyển thư này cho D’Elloy.
Ngày mồng 6-12-1926, D’Elloy gửi thư cho Huỳnh Thúc Kháng - thông qua Công sứ Hội An - báo rằng đã nhận được thư liên quan đến việc ra báo Tiếng Dân do Đốc lý Tourane chuyển, và nêu rõ D’Elloy đồng ý nhưng với điều kiện tòa soạn phải đặt ở Huế. Huỳnh Thúc Kháng vẫn kiên trì thuyết phục nhà cầm quyền Pháp cho phép đặt trụ sở Tiếng Dân tại Tourane. Ngày 14-12-1926, Huỳnh Thúc Kháng gửi thư viết tay cho D’Elloy nhấn mạnh sở dĩ chọn Tourane là bởi nếu dời ra Huế thì phí tổn di chuyển quá nặng trong khi Công ty Huỳnh Thúc Kháng nghèo. Ngoài ra, Huỳnh Thúc Kháng còn viện lý do Tourane là thành phố thương mại, trong khi Huế là một trung tâm văn hóa, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và chính kiến dị biệt, chắc chắn có những tư tưởng không phù hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân… Tuy nhiên, D’Elloy kiên quyết không chịu nhượng bộ và cuối cùng tòa soạn Tiếng Dân vẫn phải đặt tại Huế.
Nếu hồi ấy, Khâm sứ Trung Kỳ D’Elloy chấp nhận đề nghị đặt trụ sở Tiếng Dân tại Tourane thì chắc tờ báo yêu nước này đã có điều kiện thuận lợi hơn về thời tiết chính trị - do ít áp lực hơn về chế độ kiểm duyệt chứ không phải do không có tư tưởng không phù hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân, như Huỳnh Thúc Kháng cố tình biện bạch với D’Elloy - nhằm thể hiện chính kiến của những người sáng lập. Đương nhiên dẫu đặt tòa soạn báo ở đâu - Tourane hay Huế - thì Tiếng Dân vẫn luôn trung thành với quan điểm cầm bút/tuyên ngôn làm báo của Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”, hoặc: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”. Đây mới là thực chất cái gọi là “chủ trương ôn hòa” của báo Tiếng Dân mà Huỳnh Thúc Kháng từng viện dẫn để thuyết phục Khâm sứ Trung Kỳ.
Trên trang web donghuongtienphuoc.com có tài liệu ghi rằng vào năm 1933, vợ sau của Huỳnh Thúc Kháng là bà Hồ Thị Chưởng từ quê nhà Tiên Phước ra tòa soạn báo Tiếng Dân thăm chồng nhưng nhằm lúc ông vào Đà Nẵng nên hai người không gặp nhau, sau đó bà bị bệnh tả và mất ở Huế vào khoảng tháng 10 cùng năm. Không biết vào thời điểm này Huỳnh Thúc Kháng vào Đà Nẵng có công chuyện gì, song sự việc này cũng chứng tỏ thời kỳ làm báo Tiếng Dân, Đà Nẵng là nơi Huỳnh Thúc Kháng có nhiều mối quan hệ cần trực tiếp giao dịch xử lý.
Trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng còn có một đóng góp đáng kể vào mặt trận ngoại giao học thuật thông qua việc viết nhiều bài báo bàn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong báo Tiếng Dân số 1284 ra ngày 23-7-1938, với bút danh Sử Bình Tử, Huỳnh Thúc Kháng viết bài đề cao giá trị tư liệu của sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, đồng thời khẳng định với các tài liệu đã sưu tập được về Hoàng Sa thì “thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy (…) nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta…”.
Như vậy là từ rất sớm, Huỳnh Thúc Kháng đã quan tâm đến thư tịch cổ nhằm tìm kiếm những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý để góp phần vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo và quan trọng hơn là trên cơ sở những chứng cứ đầy đủ hơn bất kỳ nước nào khác, từ thập niên 30 của thế kỷ trước, Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định trước công luận rằng Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của nước ta. Đóng góp học thuật ấy của Huỳnh Thúc Kháng đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự đối với Đà Nẵng là địa phương có huyện đảo Hoàng Sa đang còn trong tay Trung Quốc.
Ngày 21-4-1947, được tin Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, với lòng tiếc thương vô hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ điếu bằng chữ Hán: Ô hô!/ Vân phong vân khí ám/ Đà hải triều thanh bi/ Tứ nguyệt lệ vân tố/ Huỳnh Bộ trưởng yên quy?/ Nội vụ bộ kim nhật/ Tài đức giả kỳ thùy?/ Đồng bào nẫm dư triệu/ Thống khấp lệ lâm ly, và tự dịch: Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau!/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu! Điều đáng nói là trong bài thơ này, Huỳnh Thúc Kháng được người làm thơ nhắc đến như là người con của thành phố bên sông Hàn, với hai địa danh đặc trưng là biển Đà Nẵng và đèo Hải Vân.
Thật ra, trong tư duy đương thời, các địa danh biển Đà Nẵng, núi Hải Vân hay núi Ngũ Hành là cách hình dung chung về quê hương đất Quảng, chẳng hạn như khi Phan Bội Châu khóc thương Tiểu La Nguyễn Thành: Nghĩ một người đã tạo ra em, thành tựu cho em, mà bây giờ kẻ mất người còn, hồn trời phách đất! Mây Hải Vân mờ mịt bóng gươm vàng! Bể Đà Nẵng chập chờn cơn sóng bạc!, hoặc: Than ôi! Núi Hải Vân còn đó, biển Đà Nẵng còn đó, ai là người Tiểu La tiên sinh thứ hai? Tuy nhiên cách hình dung ước lệ như vậy cũng/càng chứng tỏ mối quan hệ gắn bó giữa Huỳnh Thúc Kháng với Đà Nẵng. Vì vậy, từ những năm 50 của thế kỷ trước, ở Đà Nẵng đã có đường Huỳnh Thúc Kháng và ngày nay trên địa bàn quận Thanh Khê cũng có một trường THCS mang tên ông...
Bùi Văn Tiếng - Báo Đà Nẵng