HTX Nông dược xanh Tiên Phước: Áp dụng máy móc, công nghệ trong SX
Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông dược xanh Tiên Phước nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ đầu tư máy móc, công nghệ, là điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác.
Cải tiến công nghệ
HTX Nông dược xanh Tiên Phước là một trong những điển hình về HTX kiểu mới, chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm tinh dầu từ các loại dược liệu bản địa như quế, sả và tạo nhiều dòng sản phẩm tinh dầu từ bưởi, cây mần trầu, hương nhu, nghệ, chanh… vốn có nhiều ở vùng quê Tiên Phước nói riêng và xứ Quảng nói chung.
Theo ông Võ Duy Ân, người trực tiếp quản lý khâu sản xuất của HTX, nhận thấy việc chiết xuất tinh dầu ở Quảng Nam còn thô sơ, lạc hậu, khó đáp ứng được năng lực cạnh tranh, ông và các thành viên HTX đã lặn lội ra tận miền Bắc để lựa chọn dây chuyền công nghệ chiết xuất tinh dầu và công nghệ này giúp HTX có thể tận thu được tinh dầu quế, sả, cho phép lấy tinh dầu ở các giai đoạn khác nhau để tạo ra được nhiều loại sản phẩm từ cao cấp tới bình dân. Tinh dầu cao cấp tạo ra nước hoa, tinh dầu cao cấp cung ứng cho chuỗi khách sạn, villa, các cơ sở massage, xông hơi trị liệu; tinh dầu tận thu tạo ra các loại nước lau sàn, nước xịt phòng tắm, nhà vệ sinh, nước rửa chén, nước tẩy trang, nước khử mùi…
“Từ máy móc, công nghệ nhập về, tôi bắt đầu nghiên cứu cách cải tiến lại bằng cách tra vào các bộ phận thu tinh dầu có thể lấy tinh dầu ở các giai đoạn theo ý đồ của mình, tùy theo mức độ đặc hay loãng của tinh dầu. Nhờ việc cải tiến sản xuất mà HTX vẫn sống được, sản phẩm bán ra nhiều” - ông Võ Duy Ân nói.
Bên cạnh đó, HTX đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chứa nước có dung tích 60m3 để làm mát hệ thống máy móc nấu tinh dầu, giúp làm mát máy, giúp cho công đoạn nấu tinh dầu được tiện lợi, xuyên suốt. HTX còn chủ động tạo “không gian xanh” với quầy trưng bày sản phẩm đẹp mắt, thân thiện trên diện tích 50m2 và phòng trưng bày nằm trên không gian của hồ chứa nước làm mát máy, tạo cảnh quan hài hòa.
Đa dạng sản phẩm
Chia sẻ về quy trình sản xuất tinh dầu, ông Ân cho hay, để cho ra một sản phẩm tinh dầu chất lượng cần trải qua một quy trình khép kín và bảo đảm vệ sinh. Lá quế, sả sau khi thu hoạch về đem phơi khô, dùng máy cắt và băm nhỏ lá quế, sả cho vào kho ủ trong vòng 1 tháng để lên men. Khi quá trình lên men kết thúc, tiến hành chưng cất để thu tinh dầu. Quá trình chưng cất được tiến hành bằng cách đun sôi nước và lá quế, sả hơi bay lên được dẫn qua ống dẫn và được làm lạnh bằng cách cho qua bồn nước để ngưng tụ tinh dầu. Dung dịch thu được có màu vàng là tinh dầu quế, có màu trắng là tinh dầu sả. Sau khi chưng cất xong thu được 1 lượng tinh dầu lẫn lộn cùng nước, để tách tinh dầu khỏi nước phải cho qua 1 bộ lọc, phân li để tách tinh dầu ra khỏi nước. Cuối cùng, khi lọc xong cho tinh dầu vào bồn chứa, sau đó chiết rót ra chai, lọ đã thiết kế sẵn có dán tem nhãn, truy xuất mã vạch.
Những năm qua, HTX đã nỗ lực nghiên cứu, chế tạo các dòng sản phẩm chính từ tinh dầu quế, sả cùng tinh dầu các loại dược liệu vốn có nhiều như nha đam, bồ kết, hương nhu, cây mần trầu, bạc hà, nghệ... với hơn 40 chủng loại sản phẩm. Để nâng cao năng suất, đa dạng sản phẩm hơn nữa, ông Ân còn chủ động mua sắm một số loại máy móc khác phục vụ sản xuất như hệ thống máy vận chuyển nguyên liệu gồm lá, cành quế đưa vào nồi nấu tinh dầu, hệ thống có thể giúp mở, đậy nắp nồi nấu nguyên liệu tinh dầu nhờ hệ thống ròng rọc.
“Khi chưa đầu tư cải tiến một số công đoạn nhỏ, tôi buộc phải thuê và trả lương cho 2 nhân công để làm những việc đơn giản đóng, đậy nắp nồi nấu nguyên liệu công suất lớn, đưa nguyên liệu vào nồi nấu mỗi ngày, vốn là các giai đoạn nặng nhọc” - ông Ân cho biết thêm.
Hoàng Liên - Báo Quảng Nam