www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hoang mang người sống 'vùng đất đen' gây ung thư

 Hàng chục năm nay, hơn 40 hộ dân ở thôn 3 và thôn 4, xã Tiên An (huyện Tiên Phước - Quảng Nam) luôn 'sống trong sợ hãi' bởi đất ở các khu vực này có một màu đen khác thường, được gọi với cái tên 'vùng đất đen'.

 Gần đây khi có thông tin đất đen chứa phóng xạ gây ung thư, cả làng hoang mang, thanh niên địa phương mặc cảm, không dám đi xin việc ở những nơi khác.

Theo nhiều người dân, nơi đây từng là vùng thăm dò khoáng sản nên đất ở các khu vực này có một màu đen khác thường và được gọi với cái tên ngắn gọn là vùng đất đen. 

Vùng đất đen này có diện tích khoảng 1 hecta nằm giữa hai thôn 3 và thôn 4 của xã Tiên An. Mặc dù đất có màu đen sẫm như than chì, nhưng khu đất vẫn tơi xốp và có thể trồng trọt một số loại cây lâu năm như là keo lá tràm, bạch đàn, cao su...



Tuy nhiên một số loại rau trồng ngắn ngày như cà chua, xà lách, cải… thì đều không thể sống sót. Mạch nước ngầm ở đây rất trong. Nếu dùng tay chà xát mạnh, đất sẽ bóng lên như ruột bút chì. Khi đưa ra ánh sáng, phần đất dính trên tay sáng ánh kim, khiến cho người dân nghi ngờ nguồn nước sinh hoạt có khả năng bị ô nhiễm.

Gần mấy chục năm nay, hơn 40 hộ dân thôn 3 và thôn 4, xã Tiên An vẫn phải im lặng sống trong sự lo sợ nguồn nước ô nhiễm bởi không biết kêu ai. Gần đây khi có thông tin đất đen chứa phóng xạ gây ung thư, cả làng hoang mang, thanh niên địa phương mặc cảm, không dám đi xin việc ở những nơi khác. 

Gia đình anh Đoàn Ngọc Long đã ở đây từ đây từ 30 năm nay, để tránh lớp đất đen này, anh Long phải đào giếng sâu đến 20 mét. Nhà anh được xây dựng ngay trên vị trí từng thăm dò địa chất của các đoàn nghiên cứu Liên Xô từ những năm 80. Quanh nhà anh vẫn còn những dấu vết thăm dò năm xưa. 

“Bà con ở đây lo lắng khi nghe đất đen nhiễm xạ, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và con cháu đời sau. Có mấy đoàn về đo đạc, kiểm tra nhưng không thấy trả lời gì. Thấy nước trong thì chúng tôi dùng thôi, chứ không biết có nhiễm chất gì trong đó không. Bây giờ vào thế bí, không có đất thì phải ở đây thôi. Đi không nỡ mà ở cũng không xong. Khu vực này cũng đã có nhiều người bị bệnh ung thư rồi”, anh Long lo lắng. 

Nhiều hộ dân khác ở vùng đất đen xã Tiên An cũng cho biết, mặc dù còn nhiều nghi ngại, hoang mang nhưng họ vẫn phải sử dụng nguồn nước để sinh hoạt. Đã nhiều lần các đoàn chuyên gia nước ngoài vào địa phương thăm dò, nhưng đến nay họ vẫn không biết gì thêm về vùng đất kỳ lạ này. 


Đất đen có màu lóng láng như than chì.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, thì: “Không riêng gì ở xã Tiên An, trên địa bàn Quảng Nam có thêm 2 nơi cũng có loại đất đen như vậy là ở huyện Đại Lộc và Nam Giang. Tại 3 địa phương trên, sau khi được phát hiện loại đất đen, Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài đã về tìm hiểu, nghiên cứu rất lâu. 

Sau khi nghiên cứu và có kết quả, Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam đã bàn giao 3 bộ hồ sơ về kết quả nghiên cứu loại đất đen trên cho tỉnh Quảng Nam. Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã bàn giao 3 bộ hồ sơ trên cho chính quyền địa phương các huyện. Vì đây là 3 bộ hồ sơ 'mật' nên không thể cung cấp thông tin cụ thể trên báo chí được. 

Tuy nhiên loại đất đen này có chứa một chất phóng xạ với nồng độ dị thường nên chúng tôi đã khuyến cáo người dân địa phương không nên đầu tư cơ sở vật chất kiên cố trên vùng đất này, chẳng hạn như trường học, trạm y tế. Người dân sinh sống trên vùng đất đen cũng không nên trồng những loại cây ăn quả, cây lúa, sắn, ngô, khoai. Đặc biệt, không cày xới hay làm sạch mặt đất, vì khi cày xới đất, chất phóng xạ có sẵn trong đất sẽ thoát ra không khí ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em”.

Thế nhưng tất cả các lý giải trên đều không giải đáp được thắc mắc của người dân về nguồn nước, môi trường sống ở vùng đất đen độc hay không độc mà còn khiến bà con thêm hoang mang. Gần 2 tháng sau khi tin đồn đất đen chứa phóng xạ gây ung thư, rất nhiều các chuyên gia khoa học đến rồi lại đi mà không đưa ra nhận định chính thức để trấn an nhân dân, còn chính quyền địa phương thì thụ động trong hướng xử lý. 

Người dân Tiên An vẫn phải đối mặt với lo lắng môi trường sống ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và con cháu đời sau. Họ cũng không dám tu sửa hoặc xây dựng nhà cửa vì không biết nay mai cuộc sống sẽ ra sao. Cuộc sống khốn khó đủ bề. 
 
                                      Theo Long Anh - XZone/Tri thức thời đại