Hỗ trợ phát triển cây tiêu bản địa
Cách đây vài ngày, lên huyện Tiên Phước tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Chín Tiên Thọ. Nghe hỏi về đời sống gia đình, anh Chín hồ hởi nói: “Ở đây, do đất đai quá cằn cỗi, nước tưới không chủ động nên hàng chục năm qua việc sản xuất lúa chỉ đủ gạo ăn chứ chẳng dư dả gì. Cũng may, nhờ có mô hình trồng tiêu chuyên canh nên mới có tiền sửa chữa nhà cửa, lo cho con cái ăn học và bao chuyện phải không”.
Anh Chín Tiên Thọ sở hữu khu đất vườn đồi rộng hơn 2.000m2. Năm 2005, được ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước chuyển giao kỹ thuật, anh Chín tiến hành cải tạo đất và đóng giếng bơm rồi tìm mua giống tiêu bản địa có chất lượng cao về trồng với tổng cộng 200 choái, vườn tiêu phát triển rất tốt. Anh Chín chia sẻ: “Bình quân mỗi năm tui thu được 250kg hạt khô từ 200 choái tiêu ấy, bán ra cũng được 150 - 175 triệu đồng. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhờ được ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ một phần kinh phí, tui tiếp tục trồng thêm 100 choái tiêu. Hiện nay, số choái tiêu này cũng sinh trưởng khá mạnh và hy vọng thời gian tới sẽ mang lại giá trị kinh tế cao”.
Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, để tiếp sức cho nhà nông trong việc thực hiện mô hình trồng tiêu bản địa, thời gian qua huyện đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, nếu nông dân đầu tư trồng tiêu với quy mô 20 choái trở lên thì được huyện hỗ trợ mỗi choái 50 nghìn đồng, còn nếu trồng 100 choái trở lên thì mỗi mô hình được hỗ trợ 10 triệu đồng. Ông Hiệu nói: “Bằng nguồn kinh phí do tỉnh cấp và ngân sách địa phương, từ năm 2012 đến nay UBND huyện Tiên Phước đã chi không dưới 10 tỷ đồng cho việc hỗ trợ nông dân phát triển giống tiêu đặc sản bản địa. Theo thống kê, 5 năm trở lại đây người dân trên địa bàn huyện đã trồng thêm 52.509 choái tiêu, tương ứng với 47,7ha đất. Như vậy, hiện nay toàn huyện có tổng cộng 155ha tiêu được trồng phân tán và tập trung. Bình quân hằng năm 1ha tiêu mang lại cho nông dân Tiên Phước khoảng 1 - 1,4 tỷ đồng, đây quả là một con số hết sức ấn tượng”.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, chính quyền huyện Tiên Phước vừa trình UBND tỉnh xem xét đề án Phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2017 - 2025. Nếu đề án này được phê duyệt, trong 8 năm tới Tiên Phước sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư trồng mới ít nhất 150ha tiêu bản địa.
Tư Ruộng - Báo Quảng Nam