Hồn thiêng Tiên Phước
Cách đây 35 năm, trong lúc đi chuẩn bị chiến trường Tiên Phước, đoàn cán bộ của Trung đoàn đặc công 493 Quân khu 5 do đồng chí Lê Sơn Hổ, làm quyền trung đoàn trưởng bị địch phục kích, nên 8 đồng chí đã hy sinh. Đại tá Huỳnh Sơn Bá, 78 tuổi, nguyên Phó Chính ủy 1 Trung đoàn 493 nghẹn ngào kể …
Một thời để nhớ
Khi ấy, Tiên Phước là một chi khu quận lỵ, được địch xây dựng rất kiên cố. Ta tổ chức tiến công nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. Trong chiến dịch mùa thu năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định giải phóng 2 quận lỵ Quế Sơn và Tiên Phước nhằm tiếp tục tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, mở rộng thêm vùng giải phóng Nam Quảng Ngãi và Tây Bắc Quảng Nam, góp phần đắc lực cho cuộc đàm phán ở Paris. Ban Chỉ huy mặt trận Tiên Phước được thành lập do Thiếu tướng Lư Giang làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm Chính ủy mặt trận. Trung đoàn đặc công 493 mới được thành lập, có các Tiểu đoàn đặc công 409, 424 (ghép 2 Tiểu đoàn 402 và 404) làm chủ lực cùng với tiểu đoàn bộ binh 80, các đại đội pháo binh, xe tăng và lực lượng vũ trang của tỉnh tham gia giải phóng Tiên Phước. Thế nhưng mới bước vào chiến dịch, Quyền Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên Tiểu đoàn 409 cùng 4 chiến sĩ đã hy sinh. Quân khu phải điều đồng chí Đào Ngọc Tú, Trưởng phòng đặc công - Phó Chỉ huy mặt trận trực tiếp Chỉ huy Trung đoàn 493.
|
Thắp hương tưởng niệm mộ Liệt sĩ Lê Sơn Hổ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Mỹ. |
Đêm 2-9, Tiểu đoàn 409 đánh vào cao điểm 211, một cứ điểm then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tiên Phước. Song do trời mưa tầm tã, nước dâng cao tràn ngập cả núi đồi khiến các đơn vị lạc đường, không bố trí được đội hình đã định. Tình thế thật khó khăn nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn quyết tâm trụ bám tiêu diệt địch. Được pháo binh và tên lửa chống tăng của trên chi viện, Tiểu đoàn 409 liên tục tấn công suốt ba ngày đêm vẫn không dứt điểm được. Đã vậy, trong một cuộc đọ súng quyết liệt với địch lúc 15 giờ chiều ngày 3-9, đồng chí Trung đoàn phó Đàm Quang Hà và hàng chục chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Ban Chỉ huy mặt trận phải đưa Tiểu đoàn 80 vào thay thế Tiểu đoàn 409, thít chặt vòng vây, đập tan cao điểm 211 trong đêm 5-9. Từ cao điểm 211, ta đặt pháo nòng dài 130 ly bắn thẳng vào đội hình địch. Liên đoàn biệt động quân ngụy đóng ở sân bay Tiên Phước tháo chạy tán loạn. Xe tăng thiết giáp của ta cùng các lực lượng vũ trang liên tục tấn công trong 5 ngày đêm đã giải phóng hoàn toàn Chi Khu quận lỵ Tiên Phước vào trưa ngày 10-9…
Nhớ lại những ngày oanh liệt ấy, Trung tá Nguyễn Văn Thành 79 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 493 giương đôi kính dày cộp kể: sau khi ta giải phóng được Tiên Phước và 4 xã Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, bọn Mỹ đã dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá dữ dội. Chúng điều thêm 5 tiểu đoàn của Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 ngụy cùng phản kích đánh chiếm lại Tiên Phước. Trung đoàn 493 cùng với một số đơn vị bộ binh đã ngoan cường chiến đấu cho đến ngày 3-11 mới hoàn toàn rút khỏi trận địa. Trong một trận bom B52, ông đã may mắn thoát chết kỳ lạ nhưng sức ép của bom đã vĩnh viễn đục mờ đôi mắt sáng và làm điếc hẳn tai trái của ông… Nhiều cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã chết ngạt ngay trong công sự dưới các trận bom B52 ác liệt ấy. Sau trận Tiên Phước, Quân khu 5 đã rút ra bài học xương máu là: Đặc công phải đánh theo cách đánh của đặc công, phải bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm; không thể đánh theo kiểu binh chủng hợp thành (đặc công, bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp) kéo dài cả 2 tháng trời đằng đẵng gây tổn thất cho bộ đội ta.
Trọn nghĩa tình đồng đội
|
Lễ đặt bia tưởng niệm 191 liệt sĩ Trung đoàn đặc công 493 Quân khu V tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiên Phước ngày 14-7-2007. |
Trung tuần tháng 7 này, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 493 đã trở lại chiến trường xưa - Tiên Phước. 35 năm qua, các cựu chiến binh của trung đoàn đau đáu điều này: “Cùng nhau chung một chiến hào. /Cùng nhau chia tiếng bom gào, đạn rơi… /Cùng nhau ôm một khoảng trời./Trông sao Bắc Đẩu, đâu người thân thương? ”. Thiếu tướng Phạm Huy Thăng, Tư lệnh Binh chủng hoá học, ngày ấy là trung sĩ 21 tuổi làm liên lạc cho Ban chỉ huy Trung đoàn 493, đã “thay lời muốn nói” cho những người còn sống với người đã khuất, bằng những vần thơ mộc mạc ấy. Và nếu kể cả 40 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 80 đã ngã xuống trong chiến dịch ấy con số thành 191 liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên đất thiêng Tiên Phước.
Phó Chính ủy Huỳnh Sơn Bá bùi ngùi đọc bài điếu tại lễ đặt bia tưởng niệm 191 liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiên Phước. Ông khẳng định, sự hy sinh của đồng đội đã đem lại những thành công to lớn. Hơn 3.000 tên địch ở quận lỵ Tiên Phước đã bị ta tiêu diệt. Đặc biệt, chủ lực địch bị thu hút vào mặt trận Tiên Phước - Quế Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang mặt trận 4 (Quảng Đà) tấn công tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân, góp phần vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Thu 1972, tạo áp lực cho cuộc đàm phán Paris. Các anh ở suối vàng cũng thỏa lòng cũng vì tại nơi đây, đầu năm 1975 ta đã mở màn chiến dịch, nhanh chóng tiêu diệt địch rồi tiến về Tam Kỳ, ra Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngắn hơn thời gian các anh đã từng chốt giữ Tiên Phước ngày ấy.
Sau năm 1975, anh em bàn giao sơ đồ mộ chí cho địa phương quy tập các liệt sĩ về nghĩa trang Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh. Song do nhiều nguyên nhân nên nhiều liệt sĩ chưa có tên trên mộ, có liệt sĩ vẫn chưa xác định được chính xác vị trí... nên đến bây giờ các anh vẫn đang nằm đâu đó trong lòng núi đồi Tiên Phước. Nghĩa tử là nghĩa tận. Bao nhiêu năm nay, các cựu chiến binh trung đoàn còn sống trên cả nước âm thầm, lặng lẽ chung tay, góp sức cùng Tiên Phước tìm kiếm mộ phần, chăm lo sửa sang hương khói, tiếp đón các gia đình liệt sĩ về thăm lại chiến trường xưa. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng tròn 35 năm ngày chiến đấu tại mặt trận Tiên Phước, các anh về dựng bia tưởng niệm 191 liệt sĩ của đơn vị.
35 năm xa cách, những cựu chiến binh Trung đoàn đặc công 493 mới có dịp gặp mặt. Thiếu tướng Thăng ôm chầm Tiểu đoàn trưởng năm xưa - Trung tá Trần Văn Luyện, người Cẩm Châu (Hội An). Ông Nguyễn Khương Lân, từ Hà Nội vào, tần ngần thắp nén nhang trên nấm mộ Trung đoàn trưởng Hổ. Y sĩ Long - nguyên cán bộ Quân y Bệnh viện 17 nhớ lại những ngày mổ phẫu thuật căng thẳng “rã rời cả hai tay”. Tất cả về đây, đất thiêng Tiên Phước dựng bia tưởng niệm, nhớ ngày ra đi…
Nguyễn Thanh Bình - Báo Quảng Nam