www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hạ tầng Tiên Phước - 40 năm đầu tư xây dựng

Quê hương, đất nước đã bước sang mùa xuân thứ 40 trong hòa bình, độc lập. Bốn mươi năm qua, huyện Tiên Phước đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng lĩnh vực giao thông, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

         Sau ngày quê hương giải phóng cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Trường học, bệnh viện tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu,  điện chỉ  là mơ ước của bao người,  đường sá đều nhỏ hẹp, gồ ghề bởi đá to, đá nhỏ, ổ gà, ổ voi.  Cả huyện chỉ có một tuyến đường Tam Kỳ - Tiên Phước (nay là Quốc lộ 40B) nền đường cấp phối chỉ đảm bảo cho việc lưu thông của các phương tiện cơ giới,  mùa mưa không thể lưu thông được. Còn lại là đường mòn dành cho người đi bộ và phương tiện thô sơ. Chính vì vậy, đời sống của nhân dân lúc bấy giờ hết sức khó khăn, nhất là việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, chủ yếu là đi bộ và gánh vác. 

Trước thực tế đó, Đảng bộ và nhân dân huyện tập trung mọi nguồn lực của người dân để mở các tuyến đường xung yếu về các xã và vùng trọng điểm của huyện như đường Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà;  Tiên Hiệp - Tiên Ngọc - Tiên Lãnh; Tiên Lập - Tiên An và các tuyến đường đến các trung tâm xã với khẩu hiệu “Tiên Phước làm giao thông  nông thôn như đồng bằng làm thủy lợi”, để phát triển mạng lưới giao thông tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Bước vào những năm 1980, bắt đầu có sự hỗ trợ đầu tư của Tỉnh và Trung ương, huyện tập trung từng bước xây dựng hệ thống cầu,  cống và mở rộng các tuyến đường đất  giao thông trọng yếu. Tuyến đường ĐT 616 được Tỉnh đầu tư nâng cấp, đặc biệt cầu Sông Tiên được xây dựng đưa vào sử dụng năm 1994 đã mở ra sự thông thương thông suốt quanh năm giữa Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.   

 
Nhân dân hân hoan mừng lễ thông xe cầu Tiên Giang - Tiên Lộc
 

Xác định đầu tư phát triển giao thông là khâu đột phá, làm động lực thúc đẩy  phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, HĐND huyện đã  ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động từng nhiệm kỳ và hàng năm để chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo thành phong trào phát triển giao thông mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn huyện. Nhân dân có trách nhiệm đóng góp công sức, hiến đất để mở rộng các tuyến đường, mở mới các tuyến giao thông liên thôn, liên xóm. Huyện tập trung huy động, lồng ghép, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư  để phát triển mạng lưới giao thông theo hướng quy mô, kỹ thuật ngày càng cao hơn.  Nhờ đó, mạng lưới giao thông từng bước  mở rộng, làm thay đổi đáng kể đời sống, sản xuất  của nhân dân trên địa bàn.

  Chỉ tính riêng trong trong 4 năm (2010 - 2014) tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng  trên địa bàn huyện đạt trên 500 tỷ đồng,  trong đó mạng lưới giao thông được ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều nhất. Huyện tập trung nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng và cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm. Hệ thống đường huyện được đầu tư sửa chữa, nâng cấp mặt đường với chiều dài 27 km, xây dựng mới tuyến Tiên Châu - Tiên Hà dài 8,5 km, hoàn thành 7 km đường thuộc dự án đường tránh lũ Tiên An - Trà Đông, xây dựng nhiều cây cầu lớn  như cầu Tiên Giang, cầu Sông Khâng, cầu Tài Thành ... với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng. Trong năm 2014, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường về trung tâm xã Tiên Lộc dài 3  km và tuyến từ trung tâm xã Tiên Hà đi cầu sông Khâng dài 7  km với tổng kinh phí xây dựng trên 50 tỷ đồng. 

Đồng thời các  tuyến đường tỉnh qua địa bàn huyện như ĐT.614, ĐT.615,  QL40B  đã sửa chữa, nâng cấp, thảm bê tông nhựa mặt đường.  Như vậy, từ chỗ hạ tầng giao thông hầu như chưa có gì sau ngày giải phóng, đến nay các tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cơ bản thông suốt đến trung tâm 15 xã, thị trấn và đến tận các thôn trên địa bàn. Hệ thống các công trình cầu, cống cũng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa, nhất là đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.  Cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đã có,  huyện còn chú trọng điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông, bổ sung một số tuyến ĐH quan trọng kết nối các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, vùng trồng cây đặc sản, khu di tích, danh thắng, khu du lịch  nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Là một huyện có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên chủ trương phát triển giao thông của huyện luôn được sự đồng thuận rất lớn từ  nhân dân. Điển hình trong năm 2012, huyện đầu tư xây dựng tuyến đường Tiên Châu - Tiên Hà  dài  8 km, nhân dân rất phấn khởi tự nguyện hiến  đất và tài sản trên đất trị giá gần nửa tỷ đồng. Giờ đây trên tuyến đường nhựa bằng phẳng đã có hàng trăm lượt phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày, chi phí vận chuyển giảm, giá trị hàng hóa nông sản tăng, nông dân không còn lo bị tư thương ép giá do đường sá quá khó khăn. 

Quyết định 19, 27 của UBND tỉnh thực sự là  luồng sinh khí mới cho phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn của huyện. Nếu như giai đoạn 2001 - 2009 toàn huyện bê tông hóa được 76 km đường và xây dựng trên 130 cống  các loại với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Thì giai đoạn 2010 - 2014 toàn huyện đã  đầu tư bê tông hóa hơn 82 km, sửa chữa, nâng cấp mặt đường, làm mới một số cầu cống trên các tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 130 tỷ đồng. Những tuyến đường bê tông ngày càng trải dài, vươn xa trên khắp nẻo đường quê không chỉ tạo sự thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn làm cho bộ mặt nông thôn thêm khang trang, sạch đẹp.

Những vùng thuộc diện giao thông cách trở trước đây như thôn 6 xã Tiên Phong, thôn 10 xã Tiên Thọ, thôn 1 xã Tiên Lập, thôn Thanh Khê xã Tiên Châu, thôn 3 xã Tiên Cảnh, nhiều khu dân cư thuộc vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp, Sơn - Cẩm - Hà nay đã có đường bê tông bằng phẳng. Mỗi tuyến đường được xây dựng là niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ gia đình.  Bởi theo nhiều người, từ bao đời nay họ chưa bao giờ dám nghĩ đường bê tông kiên cố sẽ chạy qua ngõ nhà mình, vậy mà điều đó đã trở thành hiện thực. 

Trong chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn  những năm gần đây, huyện tập trung ưu tiên cho những tuyến có nền đường rộng  6,5 m vừa tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, vừa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ trương này cũng được nhân dân đồng tình hưởng ứng,  hầu hết các địa phương nhân dân đều tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất và ra quân làm mặt bằng, mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xóm đảm bảo chiều rộng theo quy định. 

Điển hình như tại xã Tiên Phong, trong 3 năm 2011 - 2013 nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp trên 3.000 m2 đất, hơn 4.000 ngày công và tiền mặt, tài sản trên đất trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng 14 tuyến đường liên thôn, đến nay đã bê tông hóa được 10  tuyến với tổng chiều dài hơn 10 km. Tại  xã các Tiên Sơn, Tiên Ngọc nhân dân  đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng xây dựng mặt bằng hàng chục tuyến liên thôn, liên xóm đón đầu chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn của huyện. 

  Đối với khu vực nội thị thị trấn Tiên Kỳ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện, hệ thống giao thông cũng được chú trọng mở mang, nâng cấp tạo nên diện mạo của một khu đô thị mới. Cùng với việc xây dựng các tuyến đường đôi, nâng cấp, mở rộng và đặt tên đường cho các tuyến nội thị, huyện cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh, Trung ương đầu tư nhiều công trình trọng điểm như xây dựng Đường tránh lũ, Kè sông Tiên, mở rộng thị trấn và các vùng phụ cận làm cho bộ mặt thị trấn thêm khang trang, hiện đại.  Chiếc cầu thứ hai bắc qua sông Tiên nằm trên tuyến Nam Quảng Nam đoạn tránh thị trấn Tiên Kỳ vừa được xây dựng tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trấn về hướng Đông Nam.

Việc kết hợp được nguồn lực đầu tư của nhà nước với sự đóng góp của nhân dân theo phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phong trào làm giao thông tạo ra nguồn lực, sức mạnh to lớn để  thực hiện có  hiệu quả một  chương trình mang ý nghĩa đột phá. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, xây dựng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, giao thông thuận lợi là cơ sở để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. 

Giờ đây sau 40 năm với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của nhân dân,  huyện Tiên Phước đã xây dựng được một hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn  kết nối thông suốt bên ngoài. Tổng chiều dài mạng lưới giao thông của huyện 850 km, bao gồm 03 tuyến đường liên huyện ĐT 614, ĐT 615, QL 40B dài 48.5 km; 16 tuyến đường huyện dài 183,5 km; 142 tuyến đường xã  dài 234.6 km, 11 tuyến đường đô thị trung tâm huyện dài 4.8 km và 379  km đường dân sinh. Hệ thống đường bộ toàn huyện đã được phân cấp quản lý chặt chẽ, hàng năm được duy tu sửa chữa, đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

Trong những năm đến huyện sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh, của Trung ương, khai thác tối đa nguồn lực tại chỗ, huy động sức dân tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi, phát huy khả năng liên kết phát triển vùng để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

                  Dương Văn Thủ - Trưởng phòng KT & HT Tiên Phước