Hướng đến kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Nhớ về Cụ Huỳnh Thúc Kháng - một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, một nhà báo can trường.
Ngày 4/4/2019 tới đây, một nhà bia ghi danh thông tin cùng những lời dạy của Bác Hồ với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tái hiện tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một lần nữa tên tuổi của cụ Huỳnh Thúc Kháng - một ký giả nổi tiếng lại được nhắc đến.
Giữ trọn tiết tháo của một kẻ sĩ, chỉ biết tận tâm tận lực với quốc gia
Năm 1926, cụ Huỳnh ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được bầu làm Viện Trưởng. Nhưng chỉ 2 năm sau, cụ rút khỏi nghị trường sau bài diễn văn nổi tiếng đọc tại Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 01/10/1928, mà dư luận lúc bấy giờ cho đó là một bản cáo trạng công khai lên án chế độ thực dân tàn bạo và lỗi thời.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Văn Thước, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạch Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sớm nổi danh là một đại khoa trẻ tuổi, được xếp đầu trong 3 người hay chữ (tam hùng) đất Quảng Nam là: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu.
Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải Nguyên (Thủ khoa) năm Canh Tý (1900) khi 21 tuổi và đỗ Tam giáp Tiến sĩ Hội Nguyên, năm Giáp Thìn (1904) tại trường thi Thừa Thiên, nhưng không chịu ra làm quan mà tham gia phong trào yêu nước, bị thực dân Pháp đày đi Côn Lôn (Côn Đảo) 13 năm. Mãn tù, Khâm Sứ Trung Kỳ Pasquier lại chiêu dụ cụ ra làm quan. Cụ Huỳnh dứt khoát: “Tôi chỉ có cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan cho nên mới bị đi tù, trước đã thế huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy”
.
Ngày 10/8/1927 báo Tiếng Dân ra số đầu, cụ Huỳnh bắt đầu làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Huế. Báo Tiếng Dân chủ trương chống chính quyền bảo hộ. Hầu hết các bài xã luận đăng trên Tiếng Dân đều do cụ Huỳnh Thúc Kháng viết với mục đích kích thích lòng yêu nước của độc giả. Báo Tiếng Dân ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn giữa lúc nhân dân miền Trung đang chờ đợi sự xuất hiện một tờ báo đứng đắn bằng Việt ngữ. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần hai kỳ.
Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, báo ra ba kỳ một tuần. Mặc dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở của báo khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930.
Tuy có ra trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích từ “Tiếng Dân” trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”.
Rất nhiều lần Sở Kiểm duyệt của thực dân Pháp buộc Tòa soạn phải sửa chữa theo ý muốn của chúng, nhưng cụ Huỳnh nhất định không chịu và bảo: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”.
“Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao…Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không nản chí, oai vũ không sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lúc bấy giờ, Ginouvea, Phó Công sứ Đà Lạt, người Pháp, hống hách thường coi nhân viên dưới quyền - người Việt Nam như tôi mọi. Một hôm, hắn chửi thậm tệ một viên phán sự gia. Mấy ngày sau, trên tờ Tiếng Dân, người ta thấy đăng tin này với lời lẽ phê phán gay gắt.
Tòa Khâm sứ Huế liền yêu cầu viên Công sứ Đà Lạt báo cáo ngay nội dung sự việc. Sau đó, viên công sứ Đà Lạt viết thư cho cụ Huỳnh yêu cầu cụ cho biết tên tác giả viết tin ấy. Cụ Huỳnh trả lời: “Nếu báo Tiếng Dân đăng sai, ông cứ truy tố tôi, còn tên người viết thì tôi không thể cho ông biết được”.
Sau sự việc này, Tòa Khâm sứ Huế ra thông tư cấm các quan chức người Pháp không được có những lời khiếm nhã đối với viên chức người Việt Nam. Trong đời làm báo của mình, cụ Huỳnh đã xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo chính trị, nhưng cụ Huỳnh không quên đăng các bài thơ, văn tuyển chọn, thường là của Phan Bội Châu, Phan Tây Hồ, Bích Khê và nhiều cây bút tên tuổi khác. Chế độ kiểm duyệt thời đó bắt buộc mọi bài vở phải dịch sang tiếng Pháp thành 3 bản, gửi tòa Khâm sứ trước khi in. Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ không thể chấp nhận thái độ “khó bảo” đó của cụ Huỳnh, ngày 21/4/1943, đã ra quyết định đình bản Báo Tiếng Dân.
Với người làm báo và cầm bút trong chế độ thuộc địa không có tự do báo chí, thì vùng vẫy được như cụ Huỳnh và Báo Tiếng Dân của cụ quả là dũng cảm vì lòng yêu nước thương nòi. Với 1766 số Báo Tiếng Dân đã góp phần nuôi đốm lửa nhiệt huyết ái quốc trong lòng dân chúng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cụ Huỳnh đã ở độ tuổi 70. Đối với cụ, Cách mạng tháng Tám đã mở ra cho đất nước một mùa xuân:
Hồn nước từ đây trời mở cửa
Đố ai ngăn đặng ngọn Xuân trào!
Cũng năm ấy, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt.
Người cầm đuốc soi đường
Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào làm việc tại Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đóng tại Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời do lâm bệnh nặng, hưởng thọ 71 tuổi.
Hay tin cụ Huỳnh mất, xa xôi ngàn trùng, công tác bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đau đớn viết mấy câu thơ bằng chữ Hán gửi vào phúng: “Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu”.
Là một chí sĩ lão thành, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, suốt đời hy sinh phấn đấu vì dân, vì nước. Là một nhà báo kỳ cựu, cụ Huỳnh nêu cao ý chí khảng khái bất khuất trước khó khăn gian khổ, và tấm lòng thành làm nghề báo vì lợi ích xã hội, không chạy theo danh tiếng hay tiền bạc.
Trong thư báo tin lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao…Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không nản chí, oai vũ không sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng không những là một nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng, mà còn là một nhà báo can trường.
Trân trọng người chí sỹ yêu nước như vậy, lại lấy tên đặt cho trường đào tạo cán bộ báo chí trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gian khó trăm bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm vào 43 học viên những kỳ vọng lớn lao, những cơ sở lý luận và thực tiễn của một nền báo chí cách mạng. Điều đáng mừng là cả 43 học viên Trường đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến này đều trở thành những trụ cột của báo chí, văn hóa văn nghệ nước nhà.
“Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”, (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 – Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc)…
Vào những ngày cuối của năm 1946, sau khi công bố Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Chiến khu Việt Bắc. Đến ngày 20/5/1947, Người về đến đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và dừng chân tại vùng này.
Cuối năm 1948, Bác chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh (lúc này cũng đóng ở Điềm Mặc) mở trường dạy làm báo – một trong những việc cấp bách phải làm.
Chấp hành chỉ thị, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh cho triệu tập vào trường 43 người. Từ năm 1949 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn thiếu thốn đủ mọi bề của nhà nước dân chủ nhân dân mới thành lập, Đảng và Chính phủ mở lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam.
Về tên trường, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho bàn bạc kỹ trong ban chỉ đạo, cuối cùng: “Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”, (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 – Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc)…
Trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt của mình, với 42 học viên mà hầu hết là những cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước.
Rất quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho các học viên.
Trong bức thư đề ngày 9/6/1949 của Người có đoạn viết:… Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”!
Tiếp thu lời dạy của Người, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần làm rạng danh truyền thống báo chí cách mạng, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.
Minh Khuê - Báo Công Luận