"Giờ G" giải phóng Tiên Phước là thời điểm nào?
Cách đây 41 năm, cùng với Tây Nguyên, Tiên Phước được chọn làm nơi nổ phát súng lệnh mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 10.3.1975 lịch sử.
Tuy nhiên, “Giờ G” trong sử sách lại “tiền hậu bất nhất” khiến thế hệ trẻ không biết đâu mà lần! Cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858 - 1975)” xuất bản năm 1993, trang 273 ghi rõ: “Đúng 0 giờ 30 phút ngày 10.3.1975, cùng lúc với tiếng súng tấn công mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 2 bộ binh, Tiểu đoàn 10 đặc công được pháo binh, cao xạ (E pháo binh 572, E pháo binh 368, E cao xạ 573) chi viện, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Suối Đá, Cao điểm 211, Chi khu quận lỵ Tiên Phước…”.
Còn cuốn “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tiên Phước (1945 - 1975)” xuất bản năm 1999, ở trang 227 lại ghi: “4 giờ 30 phút ngày 10.3, hai phát pháo hiệu một xanh một đỏ được bắn lên từ Sở chỉ huy Sư đoàn ở chân điểm Dương Côn báo hiệu giờ G đã điểm”.
Tiên Phước hôm nay. |
Hai cuốn sách lịch sử do Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Tiên Phước chịu trách nhiệm xuất bản xác định thời điểm của “giờ G” sai lệch những 4 tiếng đồng hồ! Vậy, “giờ G” xảy ra lúc nào?
Dựa vào những tư liệu đã thu thập được và thực tế mà bản thân đã chứng kiến, tôi cho rằng “giờ G” xảy ra vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 10.3.1975 như cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858 - 1975)” đã ghi rõ.
Lúc bấy giờ tôi 16 tuổi. Nhà tôi ở xóm Chùa, thôn Hữu Lâm, xã Phước Kỳ (nay là thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ), chung quanh có các đồn bót do lính nghĩa quân chốt giữ: Gò Mè, Hố Tre, Dương Ươi, Dương Hợi, Gò Cao… Đặc biệt, ngay phía trước nhà tôi có đồi Mù U - nơi Liên đoàn Địa phương quân 916 thiết lập trận địa pháo 105 ly vào cuối năm 1974, nhằm yểm trợ cho Chi khu Quân sự quận Tiên Phước. Khuya hôm đó (khoảng giao thời giữa đêm ngày 9 và sáng ngày 10.3) tiếng súng bất chợt nổ ran ở các đồn bót chung quanh. Nhà tôi có căn hầm khá chắc chắn làm bằng vỏ sắt đựng thuốc bồi pháo 105 ly, vì thế bà con trong xóm chạy đến nấp nhờ.
Tôi vẫn còn nhớ rõ, khi tiếng súng ở các đồn bót chung quanh tạm ngưng, tôi mò ra khỏi hầm trú ẩn, nhìn về phía Cao điểm 211 và thấy những chớp lửa bùng lên sáng lòa kèm theo những tiếng nổ ùng oàng lộng óc. Mờ sáng 10.3, khi rút rơm cho trâu ăn, tôi thấy bộ đội đào công sự cá nhân khắp nơi trong vườn nhà tôi. Vào thời điểm đó, trận địa pháo 105 ly của Liên đoàn Địa phương quân 916 vẫn còn tồn tại trên đồi Mù U. Tôi biết rõ là do thỉnh thoảng nghe vang lên những loạt đạn M16 bắn vu vơ và bóng lính đội mũ sắt nhấp nhô trên đồi. Rồi khoảng 17 giờ ngày 10.3, Liên đoàn Địa phương quân 916 rút khỏi đồi Mù U, đi hàng dọc băng qua hố Bánh Xe, lên vườn Ông Xã ra ngõ Đồng Nga. Bộ đội đóng trong vườn nhà tôi cũng nhìn thấy đối phương di chuyển nhưng không có động thái gì. Và đêm hôm đó, bộ đội cũng lặng lẽ rút khỏi vườn nhà tôi.
Mười giờ sáng hôm sau (11.3), anh Hai tôi là Thái Nguyên Văn mặc sắc phục Giải phóng quân, khoác súng AK về nhà. Phía ngõ Đồng Nga thỉnh thoảng vẫn rộ lên tiếng súng. Còn trên bầu trời hướng núi Sấu từng chùm đạn pháo cao xạ “nở hoa” vây lấy máy bay trinh sát L19 liệng vòng dòm ngó săm soi. Sau này, anh Hai tôi kể lại “chuyện ngày xưa”: Hồi đó, anh là bộ đội C45 thuộc đơn vị vận tải của Tỉnh đội Quảng Nam. Ăn Tết Ất Mão - 1975 xong, anh được đơn vị đóng tại Quế Tiên (nay là huyện Hiệp Đức) cử đi công tác lẻ ở khu vực đông nam Tiên Phước. Ngày 9.3, từ Trại sản xuất ở Tiên Lãnh, anh theo bộ đội chủ lực qua Phước Hiệp (nay là xã Tiên Lập) và ngủ đêm ở lán trại chỉ huy của một đơn vị công binh Quân khu 5. Anh Hứa Đại Toàn - Chính trị viên phó C45, có người em trai là Hứa Đại Rân làm quân y của đơn vị công binh. Vì thế, trước khi lên đường đi công tác, anh Hứa Đại Toàn nhờ anh ghé thăm người em trai. Tối hôm đó, hai người mắc võng trò chuyện với nhau. Khoảng 3 giờ sáng 10.3, chuông điện thoại hữu tuyến của lán trại chỉ huy đơn vị công binh đổ liên hồi. Nghe điện thoại xong, chỉ huy đơn vị nói như reo: “Quận lỵ Tiên Phước được giải phóng rồi. Quận lỵ Hậu Đức bị bao vây bứt rút, địch cũng chuồn hết”. Đó là thời khắc mà anh Hai tôi nhớ mãi không quên.
Còn một “kênh thông tin” quan trọng nữa, đó là hàng ngàn người dân ở phố chợ Tiên Bình - trung tâm quận lỵ Tiên Phước, cho rằng thời điểm “khai hỏa” mở màn chiến dịch giải phóng Tiên Phước là “khuya 9.3”, tức khoảng 0 giờ đến 1 giờ ngày 10.3. Theo họ, nếu 4 giờ 30 phút ngày 10.3 mới nổ phát súng lệnh đầu tiên thì cần xem lại. Bởi sau khi tiếng pháo tầm xa và tiếng súng tiểu liên thưa vắng dần, họ chạy ra Phước Tiên (nay là xã Tiên Thọ), lên núi Sấu để tìm đường xuống Tam Kỳ lánh đạn bom. Mờ sáng 10.3, họ đã tụ tập dưới chân núi Sấu. Từ phố chợ Tiên Bình đến chân núi Sấu cách xa khoảng 6 cây số, lại vừa mang vác đồ đạc, vừa bồng bế trẻ con, dắt díu người già… họ làm sao đi bộ nhanh được?
Hơn nữa, theo lời ông Lưu Văn Chính - lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Tiên Phước kiêm Trưởng ban vận động quần chúng nổi dậy phá khu dồn, sáng sớm 10.3 lực lượng vận động quần chúng đã có mặt ở phố chợ Tiên Bình. Như vậy, chắc chắn lực lượng này không thể để cho dân lũ lượt chạy lên núi Sấu. Trò chuyện với tôi, nhiều người dân ở phố chợ Tiên Bình tuổi ngoài 60 đều cho rằng, thời khắc “khai hỏa” mở màn chiến dịch giải phóng Tiên Phước là “khuya 9.3.1975”, không phải là lúc 4 giờ 30 phút sáng 10.3.1975.
Thêm một bằng chứng nữa, không thể bỏ qua, đó là tương quan lực lượng giữa ta và địch. Lúc bấy giờ trên địa bàn Tiên Phước địch có Tiểu đoàn 77 Biệt động quân, Liên đoàn Địa phương quân 916, Chi khu Quân sự quận, lực lượng cảnh sát dã chiến và lực lượng nghĩa quân đóng ở các đồn bót được bố phòng chặt chẽ. Sẵn sàng chi viện cho Tiên Phước, ở vùng phụ cận địch còn có Trung đoàn 2 (Sư đoàn 2 lính Cộng hòa), máy bay và trận địa pháo tầm xa ở các căn cứ Tuần Dưỡng, Kỳ Nghĩa, Chu Lai…
Vì vậy, ngày 10.3 địch phản công “giải tỏa” Tiên Phước bằng cách cho máy bay trinh sát L19 quần đảo ở khu vực Phước Tiên, Phước Tân, gọi pháo tầm xa từ căn cứ Tuần Dưỡng, Kỳ Nghĩa, Chu Lai băm vằm vùng giáp ranh giữa Tiên Phước với Tam Kỳ. Điên cuồng kháng cự trước khi giãy chết, địch đã làm chững lại bước tiến của quân ta. Từ Suối Đá đến trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín chỉ cách xa khoảng 10 cây số nhưng sau hai tuần quân ta mới đập tan được phòng tuyến địch để tiến vào Tam Kỳ trưa ngày 24.3.1975. Đó là sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận.
Việc xác định “giờ G” nổ phát súng lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Tiên Phước vào mùa xuân 1975 là rất quan trọng. Tôi nghĩ, huyện Tiên Phước nên tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chứng nhân lịch sử nhằm làm sáng tỏ “giờ G” xảy ra vào lúc 0 giờ 30 phút hay là 4 giờ 30 phút ngày 10.3.1975 lịch sử?
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam