www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Giải pháp nào cho cây tiêu Tiên Phước ?

 Những năm gần đây, tiêu hạt khô trên thị trường đang có giá trở lại, trong khi đó cây tiêu ở huyện Tiên Phước đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhắc đến Tiên Phước người ta nghĩ ngay đến cây tiêu. Bởi hạt tiêu nơi đây có một hương vị rất riêng. Hầu hết người dân Tiên Phước đều có tiêu trồng trong vườn, ít thì dăm ba choái (trụ), nhiều lên đến hàng trăm choái. Đến vụ thu hoạch có vườn cho vài ba tạ hạt tiêu khô là chuyện bình thường.

Vang bóng một thời

Cây tiêu ở Tiên Phước phát triển mạnh nhất là vào khoảng năm 1985 - 1987. Vào thời điểm đó, hạt tiêu khô được xuất bán rộng khắp trong và ngoài nước. Cây tiêu đã có “thương hiệu” từ thuở đó và góp phần làm nên sự nổi tiếng cho quê hương xứ Tiên.

Mấy năm gần đây, diện tích cây tiêu ở huyện Tiên Phước dần hạn hẹp. Tình trạng chết cây, rụng lá (do nấm, vi khuẩn, tuyến trùng… gây hại) khiến cho năng suất và chất lượng giảm hẳn, nhiều vườn tiêu tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 50%, thậm chí có những vườn bị mất trắng. Không chỉ cây tiêu đi xuống mà giá tiêu hạt cũng bấp bênh khiến nhiều người không quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn tới cây tiêu ngày càng đứng trước nguy cơ bị “tiêu”. Ông Trần Anh Hào - một nông dân ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) chỉ những choái tiêu còn sót lại trong vườn nhà mình, nói: “Trước đây, vườn nhà tôi trồng vài trăm choái tiêu, mỗi năm thu cả trăm ký hạt khô, nhưng sau trận gió lốc năm 1984 nó bắt đầu đi xuống, đến nay mỗi vụ thu hoạch chỉ hái được vài ba ký, không đủ để ăn”.

           

                                            Một vườn tiêu Tiên Phước

Để giúp cho nông dân Tiên Phước nắm bắt và khôi phục cây hồ tiêu, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư và Ban Quản lý dự án khoa học công nghệ tỉnh phối hợp với huyện Tiên Phước tổ chức cuộc hội thảo về việc thành lập mô hình thực nghiệm; sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế sâu, bệnh hại trên cây tiêu. Qua điều tra khảo sát, Tiên Phước đã chọn xã Tiên Mỹ trồng thí điểm. Thời gian thực hiện trong vòng 2 năm (2010 - 2011). Đây có thể xem là đòn bẩy giúp cho bà con nông dân vững tin trong việc phát triển lại cây tiêu.

Tiêu là loại cây dễ trồng nhưng khó giữ, một khi nó đã đi xuống khó khôi phục lại như ban đầu. “Vườn tiêu nhà tôi cũng đã làm hết cách rồi, từ việc tưới nước vào mùa nắng cho đến ủ gốc giữ ẩm mùa mưa, bón phân, đến việc dùng thuốc hóa học về diệt nấm bệnh… vậy mà đến lúc nó “xuống” thì chịu không làm cách nào giữ lại được. Trước đây, mỗi vụ tôi hái được năm ba chục cân tiêu khô là chuyện thường, vậy mà giờ mong được vài cân để đem đi biếu, cho nghe cũng khó” - Ông Nguyễn Đình Nhân, một người trồng tiêu ở thôn 4 (xã Tiên Cảnh) tâm sự.

Giải pháp nào ?

Cây tiêu Tiên Phước trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nếu như khoảng hơn mươi năm về trước, người dân thi nhau đi chặt choái về để trồng tiêu, thì những năm gần đây, họ lại chặt phá tiêu để trồng những cây khác như cau, quế... Tuy nhiên, “bài toán” này cũng cho thấy không mấy hiệu quả do các loại cây thay thế có thời gian thu hoạch khá lâu, giá cả lại không ổn định. Trong khi đó, tính ra một cây tiêu nếu được trồng và chăm sóc tốt thì từ 3 - 5 năm sẽ cho trái. Mỗi cây tiêu trưởng thành, xanh tốt, mỗi vụ cho vài ba ký tiêu khô là chuyện thường. Giá cả tiêu hạt mấy năm lại đây tương đối cao và ổn định. Ở thời điểm đầu năm, 1kg tiêu khô bán tại Tiên Phước giá từ 85 - 100 nghìn đồng nhưng nay đã lên đến 170 nghìn đồng và đang có xu huớng tăng nữa vào những tháng cuối năm. Giá cả tăng khiến nhiều người ngấp nghé quay lại với cây tiêu.

Theo thống kê, mỗi năm huyện Tiên Phước sản xuất gần 40 tấn tiêu hạt. Nguồn thu nhập mang lại từ tiêu hạt không phải là nhỏ. Cây tiêu thực sự được xem là “cây xóa nghèo” cho bà con nông dân. Nhằm khuyến khích phát triển lại loại cây này, huyện Tiên Phước cũng đã có nhiều giải pháp, gần đây nhất là “Đề án khôi phục và phát triển lại đặc sản tiêu Tiên Phước”. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 20% vốn đầu tư ban đầu nếu như người dân trồng giống tiêu Tiên Phước.

Việc khôi phục đặc sản tiêu Tiên Phước không phải là chuyện một sớm một chiều. Song với những nỗ lực của các ban ngành, cùng với xu hướng muốn trồng lại cây tiêu của người dân, hy vọng thời gian không xa tiêu Tiên Phước sẽ tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam