www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Du lịch xứ Tiên, một năm nhìn lại...

Năm 2017, huyện Tiên Phước đã có nhiều hoạt động nhằm quảng bá và khai thác du lịch sinh thái. Qua một năm nhìn lại, cái “được” chưa nhiều, bởi những khó khăn, hạn chế chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều...

Lượng khách tăng nhưng chưa khởi sắc

Tiên Phước được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan  đẹp như thác Ồ Ồ (Tiên Châu), bãi đá Lò Thung (Tiên Cảnh)... Tiên Phước cũng có các di tích lịch sử văn hóa như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh), Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam (Tiên Sơn)...

Những năm qua, huyện đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) đã được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Việc triển khai các cơ chế, chính sách bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực.

Hằng năm có khá đông du khách đến tham quan làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh).
Hằng năm có khá đông du khách đến tham quan làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh).


Nhiều mô hình cải tạo, chỉnh trang vườn theo hướng xanh - sạch - đẹp tại xóm Bàu (thôn 2 xã Tiên Cảnh), làng cổ Lộc Yên, Lò Thung, thác Ồ Ồ, nhà vườn tại Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Hiệp... thu hút du khách thập phương đến tham quan, thưởng thức các loại trái cây đặc sản như lòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng…

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các danh lam, thắng cảnh cũng như hình ảnh làng quê Tiên Phước hiền hòa thơ mộng đến với bạn bè, du khách gần xa, năm 2017, Tiên Phước đã thu hút hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan, cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch với số vốn hơn 300 tỷ đồng.

Chợ quê một sản phẩm mới làm phong phú cho du lịch Tiên Phước. Ảnh: HOÀNG HƯNG
Chợ quê một sản phẩm mới làm phong phú cho du lịch Tiên Phước. Ảnh: HOÀNG HƯNG

Thác Ồ Ồ là một thắng cảnh nổi tiếng, là điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa. Để phát huy lợi thế này xã Tiên Châu đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, được UBND huyện phê duyệt. Đề án đã tập trung vào các hạng mục xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch tại khu vực thác Ồ Ồ, xây dựng chuỗi vườn sạch, nhà đẹp gắn với các loại cây trồng đặc sản như tiêu, lòn bon tại thôn Thanh Khê, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhà cổ, đình làng Hội An, đặc sản lòn bon với kỳ vọng đưa Tiên Châu sớm trở thành điểm du lịch sinh thái làng quê hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách gần xa.

Đến nay đã gần một nửa chặng đường triển khai đề án đã trôi qua nhưng du lịch Tiên Châu vẫn chưa có gì khởi sắc. Lượng khách về với Tiên Châu có tăng nhưng không đáng kể và chủ yếu là những đoàn dã ngoại sinh hoạt, ăn uống, chụp hình lưu niệm rồi đi. Địa phương và cả người dân chưa được hưởng lợi gì nhiều từ du lịch, thậm chí còn phải giải quyết ô nhiễm môi trường do một bộ phận du khách chưa có ý thức, xả rác bừa bãi. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu, phân trần: “Do khó khăn về kinh phí nên địa phương “lực bất tòng tâm”, đầu tư không đồng bộ”.

Điểm du lịch làng cổ Lộc Yên - bãi đá Lò Thung (xã Tiên Cảnh) cũng không khá hơn. Là một trong những điểm đến hấp dẫn, được xác định là vùng lõi của du lịch Tiên Phước, thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan trong năm qua nhưng hiệu quả mang lại cũng không đáng kể, chỉ là những con số thống kê lượng du khách đến và đi trong báo cáo.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân của tình trạng trên không khó để nhận ra. Trước hết có thể thấy điểm nhấn quan trọng của du lịch xã Tiên Châu chính là thác Ồ Ồ - với thác nước 5 tầng giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kết hợp với nhiều khối đá hình thù độc đáo nằm xen kẽ giữa các hồ nước trong vắt, mát lạnh… Tuy nhiên, việc xây dựng rào chắn đảm bảo an toàn cho du khách còn bỏ ngỏ, không ít vụ tai nạn do trượt ngã đã xảy ra. Và cũng chưa có bất kỳ một biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn cho du khách tham quan. Trong khi đó, thác Ổ Diều nằm cách thác Ồ Ồ chừng 3km về phía thượng nguồn cũng là điểm đến rất hấp dẫn nhưng giao thông cách trở nên để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của con thác này là cả một hành trình trèo đèo, lội suối gian nan khiến nhiều du khách phải chùn chân.

Còn tại làng cổ Lộc Yên, phần lớn khách nơi xa đến đây chưa được giới thiệu cụ thể về quá trình hình thành ngôi làng, cách xây dựng các ngôi nhà cổ, kỹ thuật chất bờ đá, giếng đá cổ, cách trồng chè tàu… Bãi đá Lò Thung là điểm du lịch khá hấp dẫn, vào mùa nắng khi nước sông Đá Giăng rút xuống thấp để lộ ra bãi đá với những hình thù kỳ quái, có rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, sinh hoạt ăn uống, tắm sông… Chung quanh bãi đá Lò Thung nước khá sâu nhưng chưa có biển cảnh báo cụ thể nên rất nguy hiểm cho khách muốn tắm sông. Đặc biệt, vào mùa hè, khu vực bãi đá Lò Thung rất nóng, bãi đá nằm trơ trọi giữa sông, thiếu bóng cây xanh che mát nên khách phương xa khó dừng chân lâu để chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình.

Hạn chế lớn nhất của du lịch Tiên Phước là hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Quốc lộ 40B từ trung tâm tỉnh lỵ lên Tiên Phước chỉ rộng 4,5m, quá chật hẹp, đi lại mất an toàn. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện dẫn đến các điểm du lịch cũng chưa được kết nối thông suốt. Điển hình là đường dẫn xuống khu bãi đá Lò Thung chỉ hơn 200m vẫn chưa được bê tông hóa, đường vào thác Ổ Diều chưa được đầu tư xây dựng, gây khó khăn cho khách tham quan. Điều đáng nói là tại hầu hết điểm du lịch chưa xây dựng được bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, gây bất tiện cho du khách.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, huyện có kế hoạch xây dựng trạm dừng chân, khu vệ sinh công cộng, khu ẩm thực, khu trưng bày, bán hàng lưu niệm, sân khấu biểu diễn… ngay tại khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư có điểm du lịch. Tuy nhiên, do chưa có nguồn vốn nên việc đầu tư xây dựng các hạng mục tại điểm du lịch này còn chậm, tới nay chỉ mới đầu tư giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, một số điểm du lịch khác ở xa trung tâm huyện, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi cho việc kết nối các điểm du lịch.

Cho đến nay, các địa phương vẫn chưa thể khôi phục lại các loại hình văn nghệ dân gian như bài chòi, hát hò khoan đối đáp và các sản phẩm văn hóa khác để giới thiệu cho du khách. Các sản phẩm nông nghiệp như tiêu, lòn bon, thanh trà, trầm hương, các món ăn ẩm thực mang đậm bản sắc làng quê để khách tham quan khám phá, trải nghiệm và làm quà lưu niệm… còn hạn chế. Để phát triển du lịch, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh các điểm đến du lịch của địa phương, huyện cần tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng.

Người dân cũng cần được tập huấn, hướng dẫn về cách làm du lịch, tập trung đào tạo chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch sản xuất các mặt hàng phục vụ cho du lịch, ẩm thực, quảng bá về đất và người xứ Tiên. Đặc biệt, cần triển khai có hiệu quả cơ chế khuyến khích hỗ trợ khôi phục, phát triển các loại hình văn hóa truyền thống theo Đề án 548 nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan. Cụ ông Nguyễn Đình Liên, ở tại làng cổ Lộc Yên cho biết: “Việc khôi phục lễ hội rước sắc, hô hát bài chòi không  khó. Nếu Nhà nước quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người cao tuổi chúng tôi sẵn sàng hưởng ứng và huy động lực lượng tham gia”.

                                       Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam