Dòng sông bên đục bên trong
Sau những trận lũ lớn vào cuối mùa mưa, con sông Tiên nước xanh biêng biếc, ngày đêm êm ả xuôi dòng. Cũng như bao người dân quê, tôi mừng vui không nói nên lời. Bởi nhìn màu nước của con sông đã đi vào thơ ca nhạc họa, tôi biết nạn đào đãi vàng sa khoáng ở phía thượng nguồn đã không còn nữa. Niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Bước sang năm 2018, về quê chạp mả, tôi lại thấy màu nước con sông quê đổi khác. Đứng trên cầu bắc ngang qua sông Tiên, đoạn dưới giao thủy - nơi sông Tiên và sông Trạm hợp lưu, tôi ngỡ ngàng trước hiện tượng “bên đục, bên trong” của con sông quê đẹp như một dải lụa mềm len chảy giữa đôi bờ nà bãi, tre pheo. Đây là quê tôi. Đây là sông Tiên. Đâu phải sông Cầu ở ngoài xứ Bắc?
Nước sông Tiên đục ngầu do phía thượng nguồn đào đãi vàng sa khoáng. Ảnh: N.Đ.AN |
Những thắc mắc của tôi được người dân Tiên Lộc giải đáp. Họ bảo “bên trong” là sông Trạm từ Bắc Trà My chảy xuống, nước trong xanh do thượng nguồn không xảy ra nạn đào đãi vàng sa khoáng. Còn “bên đục” là sông Tiên. Khởi phát từ xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, chảy qua địa phận Tiên Lập - Tiên Phước, thượng nguồn sông Tiên có tên gọi khác là sông Quế Phương. Những năm gần đây, hai bên bờ sông này, nạn đào đãi vàng sa khoáng diễn ra thường xuyên. Chính quyền địa phương không dẹp nổi, bởi đấy là khu vực giáp ranh giữa hai huyện Phú Ninh - Tiên Phước nên bên này đẩy đuổi, “vàng tặc” lánh sang bên kia. Và ngược lại. Tháng Chạp, nước sông Tiên đỏ quạch, có cảm giác như đặc quánh lại. Điều đó chứng tỏ phía thượng nguồn “vàng tặc” đang hoành hành dữ dội. Ba tôi bảo: “Hậu họa do “vàng tặc” gây ra là nà bãi ven sông bị đất sét bồi lắng, không trồng tỉa chi được. Đậu phụng tỉa không lên. Bắp gieo không nảy mầm. Các loại thiếu phù sa thành ra còi cọc, vàng úa. “Vàng tặc” nổi lên khiến sông Tiên “chết” lâu rồi!”.
Là người hay câu cá ở sông Tiên khi rảnh rỗi, anh Nguyễn Văn Thọ cho hay, mấy năm nay con sông quê đã vắng bóng cá tôm. Tạp văn “Cá sông trong ngày tết ở quê” tôi viết cách đây mười mấy năm đã thực sự đi vào dĩ vãng. Bởi chất độc cyanura và thủy ngân mà các “vàng tặc” dùng để thanh lọc quặng vàng ở thượng nguồn đã hủy diệt các loài thủy sản sinh sống ở sông. Tôm cua bị tuyệt chủng. Cá niêng, cá lấu, cá chình, cá lau, cá vạp, cá thác lác… cũng cùng chung số phận. Nước sông Tiên bị nhiễm độc trầm trọng, đến nỗi con người lội qua chỗ nước nông, da chân bị ngứa ngáy, sần sùi, ghẻ lở, tốn cả mớ tiền mua thuốc bôi xức mới hết. Anh Cả Phước cho biết thêm, cư dân Tiên Lộc sống dọc hai bên sông Tiên ngày càng có nhiều người chết vì mắc bệnh ung thư. Như năm 2017, cả xã có không dưới 15 trường hợp từ giã cõi đời bởi căn bệnh nan y. Chưa ai dám khẳng định những cái chết ấy có liên quan đến nguồn nước sông Tiên bị nhiễm độc hay không. Tuy nhiên, người ta nghi ngại rằng, giếng nước ven bờ thẩm thấu nước sông bị nhiễm độc là nguyên nhân gây ra những cái chết đau lòng…
Con sông Tiên chảy ngang qua các xã Tiên Lập, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Châu, Tiên Hà và thị trấn Tiên Kỳ. Ngày xưa, nó là con sông hiền hòa thơ mộng, còn bây giờ nó là mối hiểm họa đối với cư dân sinh sống ở đôi bờ vì nguồn nước bị nhiễm độc nặng. “Vàng tặc” chỉ một nhóm người nhưng họ đã gieo rắc tai họa cho bao người. Chẳng lẽ chính quyền hai huyện Phú Ninh và Tiên Phước “bó tay” trước “vàng tặc” ở sông Quế Phương? Câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ…
N.Đ.An - Báo Quảng Nam