Đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn Quảng Nam
Đào tạo nghề cho phụ nữ vùng nông thôn theo các chương trình, dự án đang được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện, qua đó tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo nguồn thu nhập ổn định...
Học nghề tại chỗ
Lớp học nghề đan mo cau vào trung tuần tháng 7/2024 tại nhà văn hóa thôn Lộc Yên thu hút đông đảo chị em phụ nữ xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) tham gia.
Các mặt hàng từ mo cau là sản phẩm không còn xa lạ đối với người tiêu dùng trong 2 năm gần đây. Cây cau được người dân Tiên Phước trồng rộng khắp, mo cau rụng xuống trở thành nguyên liệu để phụ nữ chế tác thành những sản phẩm như giỏ hoa, túi xách, mũ, hoa, dép...
Khóa học nghề đan mo cau do UBND xã Tiên Cảnh giao cho Hội LHPN xã phối hợp với HTX Cau xanh Đất Quảng tổ chức. Tham gia khóa học này, mẹ con bà Nguyễn Thị Ngọc rất chăm chỉ. Con gái của bà Ngọc là Trà Thị Hồng Thư (SN 2002) bị thiểu năng trí tuệ nên phải nghỉ học từ năm lớp 9.
Bà Ngọc chia sẻ: “Khi có thông tin về lớp học nghề này, chi hội phụ nữ thôn nhận thấy phù hợp với tình hình sức khỏe của con tôi nên động viên tham gia. Vì cháu ngại tiếp xúc với người lạ, nên tôi phải theo học cùng con. Sau thời gian được chỉ dạy cặn kẽ, hai mẹ con đã làm được một số sản phẩm từ mo cau. Hy vọng sau khi kết thúc khóa học, con tôi có thể làm việc, sống vui vẻ, hòa nhập hơn”.
Trong lớp học còn có những phụ nữ lớn tuổi với mong muốn sau này có thêm thu nhập với việc đan sản phẩm từ mo cau. Bà Nguyễn Thị Phụng năm nay đã 65 tuổi cũng tham gia học nghề với suy nghĩ còn sức khỏe thì còn làm việc, chưa kể công việc đan lát cũng phù hợp và không quá nặng nhọc.
“Xung quanh chỗ tôi ở nhà nào cũng trồng cau nên nguồn nguyên liệu có sẵn. Sau khi học xong, tôi dành thời gian đi nhặt mo cau về đan thành các sản phẩm bán cho HTX để có thêm thu nhập” - bà Phụng cho hay.
Hỗ trợ phụ nữ nông thôn
Bà Võ Thị Thu Thôi - Giám đốc HTX Cau xanh Đất Quảng thông tin, lớp học nghề đan mo cau có 30 chị em phụ nữ của xã Tiên Cảnh tham gia, kinh phí do UBND xã Tiên Cảnh đảm bảo từ nguồn nông thôn mới. HTX hỗ trợ 3 chị là thợ lành nghề đào tạo, chỉ bày lại cho chị em. Bà Thôi cho biết, khi phụ nữ địa phương học nghề xong, họ sẽ là thành viên liên kết của HTX, sản phẩm làm ra đạt chất lượng thì HTX sẽ thu mua.
“Sản phẩm mo cau của chúng tôi đã được liên kết cung ứng cho một số đơn vị như Công ty Việt Anh (Thanh Hóa); một số doanh nghiệp đã mang sản phẩm này đến các nước Pháp, Bồ Đồ Nha, Đức, Thái Lan để quảng bá, giới thiệu đến khách hàng. Mới đây, Công ty TNHH Mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn ở Hà Nội đã liên hệ báo giá 30.000 sản phẩm của HTX.
Tháng 8 tới, họ sẽ vào làm việc trực tiếp, tham quan, kiểm tra thực tế sản phẩm để liên kết lâu dài. Đây là sản phẩm thân thiện môi trường nên được khách hàng rất ưa chuộng, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh. Khách du lịch đến với làng cổ Lộc Yên cũng rất thích thú và mua làm quà tặng, quà lưu niệm” - bà Thôi chia sẻ.
Theo Hội LHPN tỉnh, từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội LHPN đã tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Qua đó, tổ chức 162 lớp đào tạo nghề cho 7.634 lao động nữ; giới thiệu việc làm cho 3.510 lao động nữ, phối hợp tổ chức tư vấn cho 48 lao động nữ đi xuất khẩu lao động, mở hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật...
Phụ nữ nông thôn, miền núi được học nghề tại chỗ đã giúp họ tự tạo việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, tăng thêm thu nhập từ nghề đang làm. Đặc biệt với những doanh nghiệp, HTX, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ đã góp phần quan trọng trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ của tỉnh.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam