Đánh bại "Bình Châu", đẩy lùi "Dân Chiến"
Sau khi “Vượt sông Tiên” giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, lực lượng vũ trang Quảng Nam quyết giữ vững bàn đạp chiến lược, còn kẻ địch thì cố lấn chiếm vùng đất bị mất. Địch lập ấp chiến lược, nhân dân đấu tranh không chịu làm, hoặc làm ban ngày lại phá vào ban đêm. Địch đốt lúa, nhân dân đấu tranh đòi bồi thường. Địch bắt lính, nhân dân đấu tranh đòi chồng con trở về...
Trong trận đánh ngày 7.7.1963 có trường hợp vợ chồng du kích xã, người vợ đang mang bầu nhưng vẫn dẫn đường cho tổ trinh sát đi bố trí trận địa, gặp địch liền chiến đấu cho đến tối, làm cho chúng thiệt hại cả chục tên. |
Sau 3 cuộc càn mang tên “Lam Sơn 7”, “Lam Sơn 8” và “Ngô Quyền” đánh lên các xã Phước Lãnh, Phước Ngọc (nay là hai xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước) vào cuối năm 1962 không thành, đầu tháng 7.1963 địch mở cuộc càn mang tên “Bình Châu”. Trọng điểm của địch là đánh vào khu vực 3 xã Sơn - Cẩm – Hà (tên gọi cả khu vực 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà của huyện Tiên Phước trong kháng chiến chống Mỹ; nay là Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà). Lực lượng huy động ban đầu của chúng gồm 7 tiểu đoàn, 34 trực thăng, 4 máy bay khu trục, 2 máy bay quan sát, có phi pháo 105 đặt ở các khu vực xung quanh, cùng lực lượng bảo an, dân vệ địa phương với toan tính đánh chiếm lại địa bàn bị mất trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, lực lượng vũ trang của ta tại địa bàn này chỉ mới có Tiểu đoàn 60 vừa mới thành lập trong năm 1960, Tiểu đoàn 70 của tỉnh Quảng Nam và 4 trung đội bộ đội huyện Tiên Phước vừa mới thành lập trong năm 1962.
Từ 3 giờ sáng ngày 7.7.1963 địch đã cho pháo bắn dồn dập vào 3 xã, mở đường cho các cánh quân, có 5 xe M113 yểm trợ từ hướng Việt An (nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) tiến vào địa phận xã Phước Sơn để thăm dò. Du kích xã Phước Sơn cùng 1 tổ trinh sát của Tiểu đoàn 70 bám đánh. Trong trận này có trường hợp vợ chồng du kích xã, người vợ đang mang bầu nhưng vẫn dẫn đường cho tổ trinh sát đi bố trí trận địa, gặp địch liền chiến đấu cho đến tối, làm cho chúng thiệt hại cả chục tên. Trưa ngày 8.7 địch rút quân về lại Việt An, nhưng đến ngày 9.7 chúng mở cuộc càn lớn, chia quân làm 9 cánh đồng loạt đánh vào địa bàn 3 xã. Cùng lúc với tiến quân ồ ạt, phi pháo địch cũng cấp tập bắn vào khu vực chúng càn quét. Trên trời máy bay gắn loa phát thanh rền rĩ kêu gọi chiêu hồi. Xã Phước Sơn nằm trong kế hoạch hội quân cuối cùng của chúng. Lực lượng vũ trang và du kích nơi đây phải cùng lúc chặn đánh 9 cánh quân của địch tràn vào từ nhiều hướng.
Quyết liệt bám địch để chiến đấu, bộ đội huyện và du kích các xã cùng với bộ đội của Tiểu đoàn 70 và Tiểu đoàn 60 ngày đêm quần nhau với địch bằng cách đánh chặn, đánh các chốt điểm, tập kích, phục kích, bắn tỉa, quấy rối tiêu diệt được nhiều địch. Tại Phước Sơn, trận Gò Bom ngày 15.7 quân ta diệt 65 tên địch mới từ Phước Long lên thay quân; trận gò Màn Tan ngày 29.7 địch bị một đơn vị Tiểu đoàn 70 tập kích, làm chết và bị thương 36 tên. Ngày 16.8 tổ trinh sát Tiểu đoàn 70 tập kích tiêu diệt toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn địch ở Dương Bồ (thôn 6 Tiên Sơn). Tại Eo Gió địch bị phục kích chết 90 tên. Từ khu vực Sơn – Cẩm – Hà lực lượng Tiểu đoàn 70 và Tiểu đoàn 60 mở rộng địa bàn hoạt động xuống các xã của hai huyện Thăng Bình và Tam Kỳ, giải phóng thêm một số thôn như Phụng Loan, Sơn Phước, Phú Hữu, Phú Toản, Quế Mỹ.
Phong trào đấu tranh chính trị lên cao. Địch lập ấp chiến lược, nhân dân đấu tranh không chịu làm, hoặc làm ban ngày lại phá vào ban đêm. Có nơi như thôn 1, thôn 4 Phước Sơn, thôn 2 Phước Cẩm ấp chiến lược bị nhân dân phá đến 12 lần. Địch đốt lúa, nhân dân đấu tranh đòi bồi thường. Địch bắt lính, nhân dân đấu tranh đòi chồng con trở về. Địch cố lập chính quyền nhưng nhân dân không chịu hợp tác. Cùng đường, chúng phải đưa số lưu vong về làm nhưng lại bị du kích và đội công tác trấn áp, khiến số này khiếp sợ không dám khủng bố nhân dân. Công tác binh vận đã cảm hóa được nhiều binh lính, như khi địch rút khỏi Phước Tiên (nay là xã Tiên Thọ), 72 binh sĩ mang theo 40 súng đi theo cách mạng. Cũng nhờ binh vận tốt, ở thôn 4 Phước Sơn một đơn vị thanh niên tân trang nhận tiếp tay cho du kích và đội công tác đánh tan 1 trung đội địch, thu 9 súng.
Sau 3 tháng đánh dằng dai mãi vẫn không đẩy lùi được lực lượng vũ trang của ta ra khỏi địa bàn, từ tháng 10.1963 trở đi, địch tập trung quân hình thành các chiến đoàn, dùng lực lượng sư đoàn 2 tổng càn vào các vùng ta giải phóng. Chúng tăng quân lên hơn 10 tiểu đoàn, đóng rải rác ở 3 xã Sơn – Cẩm – Hà của huyện Tiên Phước đến Phước Long, Kỳ Thịnh, Kỳ An của huyện Tam Kỳ, sang Bình Phú của huyện Thăng Bình. Cùng lúc, chúng đưa quân càn lên Phước Lãnh, Phước Ngọc và hai xã Phương Đông, Dương Yên (nay thuộc huyện Bắc Trà My) nhằm kéo lực lượng ta về giữ hành lang, nhưng Tỉnh đội kịp phân tán lực lượng bộ đội tỏa ra các địa bàn hỗ trợ địa phương chống càn. Trong đợt tổng càn này địch bị thất bại nặng nề. Đến ngày 31.10 chúng phải rút hầu hết quân, và ngày hôm sau, 1.11.1963, do có cuộc đảo chính ở Sài Gòn, địch phải rút thêm quân ở nhiều nơi. Lực lượng ta cũng nhân đó chặn đánh và phát động nhân dân đấu tranh chính trị, tự đứng lên giải phóng. Tổng kết đợt chống càn “Bình Châu” này, quân và dân các xã đã phá được hàng loạt ấp chiến lược. Địch bị chết và bị thương hơn 600 quân (có 1 cố vấn Mỹ), bị bắt 21, hàng 70, bị bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắn hỏng 10 xe quân sự, bị thu 100 súng.
Sau thất bại của cuộc càn “Bình Châu”, cuối tháng 2.1964 địch mở tiếp cuộc càn mang tên “Dân Chiến” với số quân lên 3 chiến đoàn, có máy bay, xe tăng, trọng pháo yểm trợ đánh lên hai xã Phước Lãnh – Phước Ngọc. Sang tháng 4.1964 địa bàn càn quét của chúng mở rộng xuống khu vực Sơn – Cẩm – Hà, lấn sang Phước Tân, Phước Tiên (nay là hai xã Tiên Phong, Tiên Thọ).
Căn cứ vào tình hình thực tế trong tỉnh, Tỉnh ủy đề ra 3 mục tiêu chủ yếu: Một là, phải phát động nhân dân phá các ấp chiến lược, phá thế kèm kẹp của địch, thực hiện giành và giữ dân, đánh bại âm mưu bình định có trọng điểm của địch, xây dựng căn cứ và vùng giải phóng vững mạnh. Hai là, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Ba là, củng cố và phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, vũ trang tại vùng giải phóng.
Với thắng lợi liên tiếp của hai cuộc chống càn “Bình Châu” và “Dân Chiến”, vùng giải phóng được mở rộng ở huyện Tiên Phước và 30 thôn trong 8 xã phía bắc của huyện Tam Kỳ với hơn 40.000 dân, tiêu diệt được một lực lượng lớn quân địch, giữ vững căn cứ địa và vùng giải phóng đồng bằng. |
Mặc dù địch liên tiếp tăng quân khiến tương quan lực lượng hai bên ngày một chênh lệch nhưng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện vẫn kiên quyết bám địa bàn, căng đội hình địch ra đánh ở nhiều nơi. Các tổ du kích luồn sâu vào nơi đóng quân của chúng để phối hợp với bộ đội từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Bị chặn đánh khắp nơi, địch tiếp tục đưa quân Trung đoàn 5 và Trung đoàn 6 đến đóng thêm nhiều chốt nhưng cuối cùng cũng bị lực lượng vũ trang của ta tấn công bứt rút, khiến cho cuộc càn “Dân Chiến” của địch phải theo vết xe đổ của cuộc càn “Bình Châu”.
Đây là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta bấy giờ trong trường hợp tương quan lực lượng quân sự không cân xứng, có lúc lực lượng của ta chỉ bằng 1/10, rồi bằng 1/16 lực lượng địch nhưng vẫn làm thất bại được kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Từ thắng lợi đó, Tỉnh ủy Quảng Nam rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu về xác định quyết tâm chiến đấu, về kết hợp tác chiến của lực lượng vũ trang tỉnh, huyện với phát động nhân dân du kích chiến tranh, thực hiện phương châm hai chân 3 mũi giáp công… cho những năm kháng chiến về sau.