www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dân tái định cư gặp khó

Những tồn đọng tại các khu tái định cư (TĐC) xã Tiên An (Tiên Phước) đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo khiến người dân chưa thể yên tâm an cư.

Nhiều tồn đọng

Cái nắng ban trưa như thiêu cháy những vạt cỏ ven đường, anh Trần Ngọc Hào (sống tại khu TĐC giai đoạn 1, Tiên An) vẫn cần mẫn gánh từng đôi nước tại cái giếng cách nhà 30m để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. “Cứ mỗi trưa đi làm về, tôi tranh thủ đi gánh nước cho vợ nấu nướng, tắm rửa con nhỏ. Cùng thời điểm năm ngoái, giếng nước này trơ đáy nên phải đi gánh ở những giếng xa hơn cả vài trăm mét. Nếu nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, sợ rằng sẽ tái diễn tình trạng trên” - anh Hào tỏ ra lo lắng. Theo người dân ở đây, tình trạng không có nước sinh hoạt tại khu TĐC này xảy ra từ năm 2013 khi nước lũ làm hư hỏng đường ống dẫn ở đầu nguồn khiến nước bị “tắc”, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Khu TĐC trên được đầu tư xây dựng để đưa 51 hộ dân các thôn 1, 2 (xã Tiên An) sống dưới chân núi Đầu Voi - khu vực thường xảy ra sạt lở đến ở ổn định cuộc sống. Đường bê tông, hệ thống điện được hoàn thiện, tuy nhiên khó khăn về nước sinh hoạt khiến đời sống người dân đảo lộn. Ông Nguyễn Văn Dụng (51 tuổi) cho biết, cả xóm có đến hơn 10 hộ dùng chung một giếng nước nên phải chia nhau thời gian mới có nước để gánh. “Khu này không bằng phẳng nên chuyện đào giếng rất khó. Ở khu xóm dưới kia thấp nên có thể đào được, còn khu trên này thì chịu. Có hồi 1, 2 giờ sáng mấy gia đình dậy tranh thủ xuống xóm dưới xin nước gánh” - ông Dụng nói.

Để phục vụ sinh hoạt, anh Trần Ngọc Hào (khu TĐC giai đoạn 1) phải đi gánh từng đôi nước. Ảnh: VĂN HÀO
Để phục vụ sinh hoạt, anh Trần Ngọc Hào (khu TĐC giai đoạn 1) phải đi gánh từng đôi nước. 

Tại khu TĐC Gò Rêu (còn gọi là khu TĐC giai đoạn 2 thuộc thôn 1, Tiên An), người dân phản ảnh nguồn nước từ đập Nà Mọi đưa về bị ô nhiễm nên ảnh hưởng đến sinh hoạt. Hơn nữa, vì không có mương thoát nước phía sau nên mỗi khi trời mưa, nước tràn vào nhà. Ông Võ Văn Việt - Trưởng thôn 1 cho biết, khu TĐC này gồm 78 hộ chuyển lên từ năm 2013. Tình trạng trên người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Nhiều hộ phải mua bình lọc nước nhưng nước vẫn không đảm bảo. Hồi trước nước dẫn về bằng ống nhựa, cũng bị nước xói cuốn trôi, sau đó được đầu tư bằng đường ống sắt. Còn vấn đề không có mương rãnh thoát nước phía sau nhà, từ năm ngoái đơn vị thi công có hứa hỗ trợ 500 nghìn đồng/hộ để tự khắc phục nhưng đến nay chưa một hộ nào nhận được số tiền này” - ông Việt nói.

Tìm cách tháo gỡ

Chậm hỗ trợ tiền di dời
Tình trạng chậm hỗ trợ xảy ra tại khu TĐC giai đoạn 3 (thôn 1, xã Tiên An). Có 33 hộ dân sống ở khu vực dưới núi Đầu Voi làm nhà tại nơi ở mới từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ như quy định. Chị Trà Thị Thanh Thúy cho biết, gia đình chuyển tới sinh sống từ tháng 8.2014 nhưng đến nay mới chỉ nhận được tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng. Chị nói: “Nhà tôi vẫn đang nợ 12,5 triệu đồng tiền vật liệu xây dựng. Từ khi làm xong nhà, chủ đại lý tới đòi miết mà chưa có tiền trả”. Chủ tịch UBND xã Tiên An – ông Phan Hồng Phát cho biết, theo Quyết định 167, nhà nước sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà nhưng đến nay nguồn vốn chưa về kịp. Để trấn an dân, huyện Tiên Phước đứng ra tạm ứng hỗ trợ trước mắt cho mỗi nhà là 10 triệu đồng.

Ông Võ Văn Việt cho biết thêm, thôn 1 có 261 hộ và 3 khu TĐC, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều hộ sinh sống nơi ở cũ dưới chân núi Đầu Voi. Phần vì đất sản xuất của họ tập trung hết ở đó, phần vì có một số hộ vẫn chưa được cấp đất ở mới. “Dù về nơi ở mới nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và hầu như trong các cuộc họp, người dân đều phản ảnh về những tồn đọng này. Chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm giải quyết để đời sống người dân được ổn định” - ông Việt nói.

Ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết, khu TĐC giai đoạn 1 do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư; còn khu TĐC giai đoạn 2 do UBND huyện Tiên Phước làm chủ đầu tư và đều do Công ty CP An Thịnh trúng thầu thi công. Về việc hư hỏng đường ống dẫn nước tại khu TĐC giai đoạn 1, kinh phí khắc phục sẽ rất lớn và địa phương cũng đã trình UBND huyện Tiên Phước xem xét. Hướng sắp tới có thể nối từ đường ống dẫn nước của 2 khu TĐC khác gần đó sang hoặc nỗ lực khắc phục đường ống cũ.

Còn tại khu TĐC giai đoạn 2, việc ô nhiễm nguồn nước tại khu này một phần do ý thức bảo vệ công trình của người dân không tốt làm hư hại đường ống. “Chúng tôi cũng thành lập tổ quản lý nước sinh hoạt tại khu TĐC này để tham gia giám sát. Gò Rêu là khu TĐC thành công nhất tại địa phương ở thời điểm hiện tại. Giữa tháng 6 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng đã phối hợp bàn giao công trình thắp sáng điện đường tại nơi này” – ông Phát nói.

Là thành viên của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các khu TĐC thôn 1, 2 xã Tiên An, ông Nguyễn Văn Luận - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, khi xây dựng khu TĐC giai đoạn 2, trong thiết kế không có phần mương rãnh phía sau nhà vì qua thăm dò địa chất, phần này toàn là gành đá. Các bên cũng có chủ trương xin ngân sách huyện hỗ trợ 400 nghìn đồng/hộ để khắc phục tình trạng này. “Ở giai đoạn mở rộng xây cầu Búng Trâm nối Gò Rêu với tuyến đường ĐH đi Tiên An, Tiên Lập, chúng tôi còn gặp vướng mắc về kinh phí khi Trung ương mới chỉ rót về 5/12,7 tỷ đồng” - ông Luận nói.

                                                      Phạm Văn Hào - Báo Quảng Nam